Tỉnh táo để không bị lừa

Đ.Huân
(tổng hợp)
20/07/2023 06:12 GMT+7

Trước tình trạng gia tăng các hình thức lừa đảo trực tuyến, nhiều ý kiến cảnh báo người dân cần tỉnh táo trong mọi tình huống để tránh tiền mất tật mang.

Như Thanh Niên thông tin, ngày 17.7, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) có cảnh báo hình thức lừa đảo mới về "tuyển mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu".

Tỉnh táo để không bị lừa - Ảnh 1.

Trong 6 tháng đầu năm, các vụ lừa đảo trực tuyến tăng 64,78% so với cùng kỳ năm 2022

Anh Quân

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo chọn hình thức tuyển cộng tác viên qua các website và sàn thương mại điện tử lớn trong nước để lôi kéo người dân tham gia. Các đối tượng này quảng cáo trên các website, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber với nội dung "Tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu". Sau đó, sử dụng nhiều thủ thuật khác nhau để lừa đảo người dân, doanh nghiệp.

Sau khi cha hoặc mẹ "cắn câu", chúng sẽ đưa vào một nhóm/group chat để mời tham gia trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm sản phẩm của sàn thương mại điện tử khác để hưởng hoa hồng và tăng khả năng trúng tuyển của con mình. Nhiệm vụ của các cộng tác viên online là tham gia làm nhiệm vụ mua sản phẩm số tiền tăng dần và chuyển khoản vào tài khoản do chúng quản lý.

Cộng tác viên online sẽ thực hiện lần mua thứ nhất, thứ hai sẽ được trả hoa hồng đầy đủ (bao gồm tiền gốc đã chuyển khoản + hoa hồng từ 10 - 15%) vào tài khoản để tạo sự tin tưởng. Hầu hết các nạn nhân (cộng tác viên online) chỉ phát hiện bị lừa đảo sau khi đã chuyển khoản cho các đối tượng này từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng mà không nhận lại được tiền gốc và bị xóa ra khỏi các nhóm trao đổi.

Trước đó, ngày 5.7, ông Trần Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), cũng đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng đột biến của các hình thức lừa đảo trực tuyến. Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại VN tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số.

Sập bẫy nếu không tỉnh táo

Phản hồi thông tin trên, bạn đọc (BĐ) Thanh Niên cho rằng bọn xấu không chừa bất cứ thủ đoạn nào để lừa gạt, người dân phải cảnh giác, tỉnh táo trong mọi tình huống. "Các hành vi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nở rộ trong thời gian gần đây. Mọi người chú ý cảnh giác", BĐ Anh Đoan lưu ý.

Tương tự, BĐ T.L cảnh báo: "Mấy cái kêu gọi cộng tác viên online, tìm việc online hầu hết đánh vào nhu cầu của các mẹ bỉm sữa, đa phần là lừa đảo. Các mẹ nên cẩn thận, chúng có rất nhiều thủ đoạn".

Còn BĐ Chí Hải viết: "Thủ đoạn cũ nhưng vẫn hiệu quả. Một hai lần đầu với số tiền nhỏ để tạo niềm tin, đợi đến số tiền lớn hơn rồi mất tích luôn. Dễ kiếm tiền vậy, thảo nào nhiều người phạm tội. Người dân tuyệt đối cảnh giác, tránh tiền mất tật mang. Cơ quan chức năng cần tăng cường trấn áp tội phạm mạng đang ngày càng lộng hành".

"Tội phạm công nghệ cao ngày càng nguy hiểm, chúng không từ bất cứ thủ đoạn nào để lừa gạt người nhẹ dạ. Người dân trước khi làm gì phải tìm hiểu thật kỹ, tránh tiền mất tật mang", BĐ Hoài Sa lưu ý.

Tăng cường truy quét, xử lý nghiêm để răn đe

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nở rộ, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng, ngoài thường xuyên tuyên truyền cảnh báo thì cũng tăng cường truy quét, nhất là trên các nền tảng mạng xã hội, đồng thời xử lý thật nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe chung.

"Công nghệ ngày càng phát triển, kéo theo đó là các loại hình lừa đảo công nghệ cao nở rộ. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp cảnh báo người dân. Đối với người dân, cần hết sức cảnh giác, tìm hiểu thật kỹ, xác thực thông tin trước khi thực hiện việc gì theo yêu cầu của người gọi điện", BĐ Thắng Nguyễn lưu ý.

Tương tự, BĐ P.H đề nghị: "Bọn tội phạm mạng ngày càng lộng hành, người dân hãy nâng cao cảnh giác và luật An ninh mạng cần được áp dụng mạnh hơn nữa để tội phạm công nghệ không còn đất sống".

"Mỗi người dân cần trang bị thêm cho mình những hiểu biết cơ bản, những kiến thức pháp luật để không bị kẻ xấu lợi dụng", BĐ N.X.H góp ý.

BĐ Anh Duc lưu ý: "Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và nguy hiểm. Trong thời đại số, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức hữu ích cho mình để phòng ngừa".

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 19.7

* Ngày càng nhiều thủ đoạn lừa đảo, người dân luôn luôn phải cảnh giác. 

Minh Anh

* Cơ bản là họ đánh vào tâm lý tham của nhiều người. Cái tham còn thì loại tội phạm này vẫn tồn tại.

Trường Giang

* Phương thức lừa đảo luôn biến ảo khiến chúng ta không biết đâu mà lần. Tốt nhất là nên cảnh giác với mọi lời mời gọi.

Lý Vĩnh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.