TNO

Xe tăng T-55 và những thăng trầm trên chiến trường

03/06/2015 17:01 GMT+7

(Tin Nóng) Xe tăng T-55, mẫu cải tiến của tăng T-54, từng là niềm tự hào của Liên Xô và đã trải qua những kinh nghiệm xương máu trên nhiều chiến trường. Thậm chí phe ly khai ở Ukraine mới đây còn đưa 1 chiếc T-55 từ viện bảo tàng ra tham chiến.

(Tin Nóng) Xe tăng T-55, mẫu cải tiến của tăng T-54, từng là niềm tự hào của Liên Xô và đã trải qua những kinh nghiệm xương máu trên nhiều chiến trường. Thậm chí phe ly khai ở Ukraine mới đây còn đưa 1 chiếc T-55 từ viện bảo tàng ra tham chiến.

Xe tăng T-55 và những thăng trầm trên chiến trường - ảnh 1
T-55 trong một cuộc tập trận của Liên Xô năm 1977 - Ảnh: TASS

Từ T-54 đến T-55

Theo trang tin Russia beyond the headlines ngày 1.6, T-55 là một trong những dòng xe tăng được Liên Xô sản xuất nhiều nhất, đến 24.000 chiếc, và đã tham gia vào các cuộc chiến tranh từ Việt Nam đến Trung Đông, Israel - Ai Cập, Afghanistan... Chỉ duy nhất trên chiến trường sa mạc ở Trung Đông, loại xe tăng này thua trước tăng của NATO và Mỹ trang bị cho Israel, chủ yếu thua vì trình độ chỉ huy chiến lược.

Cuối những năm 1940, dòng xe tăng T-54 ra đời, kế thừa từ loại tăng T-34 nổi tiếng trong Thế chiến 2. Sau đó khi Mỹ phát triển loại tăng M-48 Patton III, Anh với chiếc Centurion, và vào năm 1959 là tăng M60 của Mỹ khiến Liên Xô phải cải tiến tăng T-54 để đáp lại. Tăng T-55 ra đời.

Năm 1957, Liên Xô bắt đầu cải tiến tăng T-54B để cho ra dòng tăng mới, với cải tiến chủ yếu là tháp pháo, giáp, và thân xe dài hơn 1 m. Năm 1958 Liên Xô chấp nhận mẫu tăng T-55. Và đã có 24.000 chiếc tăng loại này được sản xuất.

Cải tiến chủ yếu của T-55 so với T-54 là khả năng chịu được một cuộc chiến tranh hạt nhân, bảo vệ tổ lái khỏi ảnh hưởng của phóng xạ trong phạm vi 700 m từ vụ nổ.

T-55 và những cuộc đấu tăng trên sa mạc Trung Đông

Khi cuộc chiến tranh Israel - Ả rập xảy ra năm 1967, đôi bên tung xe tăng vào trận chiến. Khối Ả rập trang bị xe tăng T-55 của Liên Xô, còn Israel dùng tăng Centurion của Anh và Sherman (cũ) của Mỹ.

Tăng T-55 tuy di chuyển tốt trên mọi địa hình nhưng lại kém về hỏa lực. Loại pháo L7 105 mm trên xe tăng Centurion (Anh) của các lực lượng Israel đã hạ nhiều tăng T-55 của Ai Cập. Cuộc chiến ở Trung Đông cũng phơi bày những khiếm khuyết trong cấu trúc các xe tăng Liên Xô, và gây ra các vụ nổ của số đạn trong xe khi xe bị bắn xuyên giáp.

Cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa T-55 với Centurion trong cuộc chiến 6 ngày (tháng 6.1967). Phía Israel với 20 xe tăng đã hạ 32 chiếc tăng T-54 và T-55 của Ai Cập tại Bir Lahfan. Tuy nhiên, đến trận đánh El-Arish vào năm 1973, tăng của Ai Cập đã đẩy lùi ba đợt tấn công của tăng Centurion thuộc lữ đoàn 7 Israel, phá hủy 17 xe tăng.

Tính chung qua 2 cuộc chiến, phía Israel mất 122 xe tăng, trong khi Ai Cập mất hơn 820 trong số 935 xe tăng và pháo tự hành (bị bắn cháy, bị bắt sống), trong đó có 82 chiếc T-55.

Còn trên Cao nguyên Golan, cuộc chiến giữa Syria và Israel kết thúc với kết quả thê thảm hơn cho Syria khi mất 1.116 chiếc tăng (trong đó có 627 tăng T-54 và T-55), trong khi Israel chỉ mất 250 xe tăng Centurion và Sherman.

Xe tăng T-55 và những thăng trầm trên chiến trường - ảnh 2
Một chiếc tăng T-55 đang di chuyển, năm 2014 - Ảnh: RIA Novosti

Nhưng vào tháng 10.1973, Ai Cập phát động cuộc tổng tấn công Israel vào ngày 14.10.1973 với 1.200 xe tăng đánh nhau với 750 xe tăng Centurion và Patton của Israel. Đây được xem là trận đấu tăng lớn nhất kể từ sau Thế chiến II. Tuy nhiên Ai Cập thiệt hại 264 xe tăng, còn Israel chỉ mất 25 chiếc. Loại pháo L7 của tăng Centurion tỏ ra lợi hại khi bắn cháy tăng Ai Cập từ xa, và chủ yếu là sự thống trị bầu trời của không quân Israel trên sa mạc Sinai dẫn đến sự hủy diệt lực lượng Ai Cập từ các cuộc tấn công trên không.

Đến cuối cuộc chiến, các đội xe tăng Israel đã cho thấy loại pháo L7 không chỉ hạ gục pháo 100 mm của tăng T-55 mà còn hơn hẳn loại pháo 115 mm mà Liên Xô trang bị cho dòng tăng hiện đại hơn là T-62. Pháo của Centurion có tầm bắn xa hơn các đối thủ của nó, cho phép Israel tiêu diệt xe tăng địch trong khi ở ngoài tầm bắn của tăng T-54, T-55.

Tuy nhiên người ta cho rằng chiến thắng của Israel không phải do chiếm ưu thế về công nghệ quân sự mà là từ trình độ tổ chức, lập kế hoạch chiến đấu của họ so với đối thủ Ai Cập.

T-55 làm chủ chiến trường Afghanistan

Liên Xô sử dụng xe tăng T-55 là chủ yếu trong cuộc chiến tại Afghanistan từ 1979-1989, trong khi những dòng tăng hiện đại nhất thì bố trí ở biên giới phía tây châu Âu. Lực lượng Liên Xô ở phía nam trang bị đa số là tăng T-55 đã lỗi thời và T-62.

Ở Afghanistan, tăng T-55 được sử dụng trong các đơn vị nhỏ để tăng cường hỏa lực cho bộ binh cơ giới và các tiểu đoàn dù, bảo đảm các tuyến đường giao thông trong khu vực quan trọng, nhờ vào khả năng cơ động tầm xa và hỏa lực.

Xe tăng T-55 và những thăng trầm trên chiến trường - ảnh 3

Tăng T-55 được bốc dỡ tại cảng Preah Sihanouk (Campuchia) ngày 20.9.2010, trong lô hàng nước này mua 44 xe bọc thép chở quân và 50 xe tăngT-55 "từ một nước châu Âu" sau khi có những căng thẳng với Thái Lan quanh khu đền tranh chấp Preah Vihear - Ảnh: Reuters

Trong khi tham gia nhiều cuộc thử lửa trên thế giới, và đó cũng là thời gian cải tiến của nó, xe tăng T-55 đã chứng tỏ mình là một vũ khí giá rẻ đi cùng máy móc đơn giản và mạnh mẽ cho các quân đội trên toàn cầu, và đã được 70 nước sử dụng. Loại tăng này đơn giản trong hoạt động so với xe tăng phương Tây, cung cấp tính năng di động tuyệt vời do có khối lượng chiến đấu tương đối thấp, chỉ 40 tấn, bánh xích rộng (tạo áp lực lên mặt đất thấp hơn và nhờ vậy dễ di chuyển trên mặt đất mềm), khởi động tốt ngay cả khi thời tiết lạnh, và còn có ống thở khi vượt sông.

Không chỉ ở Trung Đông, tăng T-55 còn tham chiến ở các chiến trường khác như Angola, Việt Nam, trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan, vùng Balkan, và gần đây là ở Libya. Và đến nay tăng T-55 vẫn còn đang chiến đấu. Đó là vào tháng 7.2014, một chiếc T-55 đã được quân ly khai lấy ra từ một bảo tàng ở thành phố Donetsk, Ukraine để phục vụ chiến đấu.

Anh Sơn

>> Xe tăng Armata của Nga có thể trở thành rô bốt chiến đấu
>> Trung Quốc muốn mua 3 loại vũ khí đáng sợ của Nga
>> Xe tăng Armata của Nga ‘đạo’ ý tưởng từ Đức 30 năm trước?
>> Pháp, Đức hợp tác chế tạo xe tăng đời mới
>> Tạp chí Mỹ: Mỹ nên e sợ siêu xe tăng Armata của Nga
>> Xe tăng Đức đấu không lại xe tăng Nga
>> Indonesia nhận xe tăng Leopard 2 từ Đức
>> Quân đội Mỹ nghiên cứu chế tạo xe tăng công nghệ cao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.