TNO

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực

04/09/2015 09:25 GMT+7

(Tin Nóng) Tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf của Hải quân Mỹ vừa hoàn thành một nhiệm vụ bên dưới Bắc Cực 6 tháng và trở về Mỹ ngày 21.8 qua, và đây được xem là một thông điệp của Washington gửi đến Moscow.

(Tin Nóng) Tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf của Hải quân Mỹ vừa hoàn thành một nhiệm vụ bên dưới Bắc Cực 6 tháng và trở về Mỹ ngày 21.8 qua, và đây được xem là một thông điệp của Washington gửi đến Moscow.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 1
Tàu ngầm Seawolf nổi lên xuyên qua lớp băng ở Bắc Cực - Ảnh: Hải quân Mỹ

Lặn dưới Bắc Cực để gửi thông điệp chính trị

Theo The Daily Beast ngày 3.9, Tổng thống Mỹ Barack Obama gần đây đến Alaska trong ba ngày để cảnh báo sự nguy hiểm của biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như nước biển dâng.

Tuy nhiên, một tàu ngầm Mỹ đã đến Bắc Cực trước ông Obama để thực hiện một sứ mệnh quân sự. Trong một kỳ công hiếm hoi của sức mạnh công nghệ cao, tàu ngầm hạt nhân USS Seawolf của Hải quân Mỹ đã ở nhiều tuần dưới lớp băng Bắc Cực trong sáu tháng triển khai hoạt động từ tháng 3.2015 và kết thúc vào ngày 21.8 qua.

Trên danh nghĩa chính thức, nhiệm vụ của Seawolf là từ căn cứ ở Bremerton, bang Washington băng qua eo biển Bering và lặn xuyên qua Bắc Cực để đến tham gia huấn luyện với Hạm đội 6 của Mỹ ở Đại Tây Dương. Hành trình đi qua Bắc Cực đến Đại Tây Dương nhanh hơn là đi về phía nam và qua kênh đào Panama, theo Trung tá chỉ huy Jeff Bierley của tàu Seawolf.

Nhưng hành trình xuyên qua Bắc Cực còn là một tuyên bố với thế giới rằng Hải quân Mỹ vẫn có thể đi bất cứ đâu miễn là vùng nước đó đủ độ sâu. "Việc triển khai này rất quan trọng vì đó là một phần trong cam kết của Hải quân Mỹ đảm bảo tiếp cận tất cả các vùng biển quốc tế", ông Beirley, một sĩ quan tàu ngầm thâm niên 21 năm nói với The Daily Beast.

Theo báo này, vẫn có những nước muốn hạn chế tự do hàng hải của Hải quân Mỹ. Trung Quốc đang nêu yêu sách chủ quyền một khu vực rộng lớn hơn ở Tây Thái Bình Dương, và thậm chí còn xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo tại Biển Đông.

Còn Bắc Cực chưa từng được khai thác và tranh giành chủ quyền, nay bắt đầu ấm dần lên và ít băng hơn mỗi năm vì sự biến đổi khí hậu. "Trong những thập kỷ tới, Bắc Băng Dương sẽ ngày càng dễ tiếp cận hơn, và có nhiều nước vùng Bắc Cực lẫn không phải ở Bắc Cực sẽ tìm kiếm các nguồn tài nguyên phong phú của khu vực và các tuyến đường thương mại", Hải quân Mỹ đã cảnh báo qua tài liệu chiến lược “Lộ trình Bắc Cực” công bố năm 2014.

Cuối tháng 8.2015, Trung Quốc lần đầu tiên đưa 5 tàu chiến vào vùng biển Bering ngoài khơi bờ biển Alaska. Đầu tháng 8, Moscow trình Liên Hiệp Quốc tuyên bố chủ quyền mới của Nga với gần 1,2 triệu km vuông  ở thềm lục địa Bắc Cực, mà dưới đáy biển có thể chứa nhiều mỏ dầu và khí đốt khổng lồ. Liên Hiệp Quốc đã từ chối một yêu cầu tương tự của Nga vào năm 2002, nhưng không ngăn được Nga đưa một tàu ngầm nhỏ cắm một lá cờ Nga dưới đáy Bắc Cực 5 năm sau đó.

Nga đang gia tăng sức mạnh nhiều hơn đằng sau kế hoạch mở rộng ảnh hưởng ở Bắc Cực. Ngày 11.8 qua, một tàu ngầm hạt nhân lớp Delta IV, chiếc Moscow đã được hạ thuỷ sau nhiều năm tân trang sửa chữa. Tàu ngầm này sẽ giúp hỗ trợ việc khai thác dầu khí ở Bắc Cực cùng các nhiệm vụ khác, theo truyền thông Nga.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 2
Tàu ngầm USS Nautilus là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ, cũng là tàu ngầm Mỹ đầu tiên đến Bắc Cực - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong khi đó, Hải quân Mỹ với 71 tàu ngầm hạt nhân - là hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới - tiếp tục đi xa hơn, vào cả những vùng biển nguy hiểm nhất. Đó là một thông điệp chính trị với một truyền thống lâu đời. Chiếc tàu ngầm đầu tiên đến Bắc Cực vào năm 1958 là USS Nautilus, tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của Mỹ.

"Chuyến đi của Nautilus là một chiến thắng dũng cảm của công nghệ, và nó đã chứng minh khả năng phi thường của tàu ngầm hạt nhân tại đấu trường Bắc Cực. Nhưng về cơ bản, đó là một cuộc thám hiểm mang tính chính trị", ông William Althoff, tác giả cuốn Sứ mạng Bắc Cực viết về chuyến thám hiểm này của tàu ngầm Nautilus, nói. Và đó là cũng là nhiệm vụ của tàu ngầm Seawolf của 57 năm sau đó.

Nổi lên xuyên qua lớp băng

Cho tàu ngầm đi qua Bắc Cực là cực kỳ khó khăn. Để tàu di chuyển bên dưới lớp băng dầy đòi hỏi thuỷ thủ đoàn lên kế hoạch tỉ mỉ và điều hướng tàu một cách cẩn thận. Tàu Seawolf và hai tàu ngầm cùng lớp của nó, được đóng vào giữa những năm 1990 và đầu những năm 2000, với các thiết bị đặc biệt cho nhiệm vụ, bao gồm cả máy định vị thuỷ âm vẽ bản đồ băng. Tàu Seawolf trước đó đã vượt qua Bắc Cực vào năm 2013.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 3
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 4
Thuỷ thủ tàu Seawolf dùng xẻng, cuốc… dọn dẹp mớ băng vụn để tháp tàu ngầm nhô lên - Ảnh: Hải quân Mỹ

Phần khó khăn nhất của cuộc hành trình là phần đầu tiên qua eo biển hẹp Bering giữa Alaska và Nga, ông Bierley nói, vì đó là vùng biển nước nông. Với không gian chật hẹp để di chuyển, thủy thủ đoàn khoảng 115 người của tàu Seawolf phải chịu khó lèo lái để tránh băng trong nước.

Nhờ lò phản ứng hạt nhân trên tàu, chiếc Seawolf dài 107,6 m không cần không khí cho động cơ của nó, khác với các tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel. Các lò phản ứng hạt nhân của tàu Seawolf cũng tạo ra không khí và nước cho thủy thủ đoàn. Với nhiều thực phẩm đóng hộp và đông lạnh trên tàu cùng một  hệ thống định vị "quán tính" liên tục tính toán vị trí của tàu mà không có sự giúp đỡ của các vệ tinh định vị GPS, trên lý thuyết các tàu ngầm hạt nhân trị giá hàng tỉ USD này của Mỹ có thể ở dưới lòng biển trong nhiều tháng tại một thời điểm.

Nhưng nếu có ai đó trên tàu bị ốm hoặc bị thương, tàu ngầm phải nổi lên xuyên qua lớp băng để sơ tán bệnh nhân bằng trực thăng. Xuyên qua các khối băng này nói thì dễ hơn làm và đòi hỏi nhiều thao tác. "Nó không phải là một điều tầm thường", ông Bierley nói.

Tàu Seawolf đã thực hành nổi lên xuyên qua băng một lần trong cuộc hành trình ở Bắc Cực vừa qua.

Đầu tiên, tàu ngầm phải dùng sonar của nó để khảo sát lớp băng trên đầu và tìm thấy một nơi băng phẳng, mỏng đủ cho tàu trồi lên xuyên qua. Trong trường hợp mới đây của tàu Seawolf, lớp băng này dày khoảng 1,5 m. Tiếp theo, thuỷ thủ đoàn cho tàu trồi dần lên đến khi phần tháp tàu tiếp xúc với băng. "Nhưng nói chung cũng chưa đủ để xuyên qua", ông Beirley giải thích. Một hệ thống khí nén của tàu cung cấp một lực để phá vỡ lớp băng này.

Khâu cuối cùng là sử dụng công nghệ thấp: Dọn dẹp đống băng và khơi cho rộng để tháp tàu nhô lên. "Chúng tôi bắt đầu dọn dẹp khối băng, chúng tôi đưa năm, sáu người lên làm việc với cưa, cuốc, xẻng", theo ông Bierley.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 5
Tàu ngầm Seawolf quay về bang Washington sau 6 tháng hoạt động ở Bắc Cực - Ảnh: Hải quân Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ dưới lòng Bắc Cực - ảnh 6
Chỉ huy tàu ngầm Seawolf, Jeff Bierley với gia đình - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trong không gian băng tuyết này, Bierley cho biết ông đã bị sốc bởi sự cô đơn và yên tĩnh của nó: "Không có một con chim. Không có tiếng động nào, gió thậm chí còn không thổi. Và không có gấu Bắc cực. Tôi thật sự thất vọng".

Tàu ngầm Seawolf sau đó quay về bang Washington vào giữa tháng 8 để lên ụ bảo trì. Tuy vậy trong tình hình băng tan nhanh ở Bắc Cực cùng Nhưng trong thời đại này tan chảy của băng ở Bắc Cực cùng việc ồ ạt tranh giành tài nguyên tại đây, chắc chắn còn nhiều tàu ngầm hạt nhân khác của Mỹ sẽ tiếp tục triển khai ở Bắc Cực. Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch điều 2 tàu ngầm hoạt động dưới lòng Bắc Cực trong năm 2016 tới.

Anh Sơn

>> Anh bực tức việc Tây Ban Nha cho tàu ngầm Kilo Nga ghé cảng
>> Hải quân Mỹ đối phó tàu săn ngầm của Trung Quốc như thế nào?
>> Tàu ngầm ‘bí ẩn’ vừa hạ thuỷ của Nga là loại gì?
>> Xem hình ảnh tàu ngầm Đà Nẵng hoàn tất thử nghiệm trên biển ở Nga
>> Tàu ngầm nguyên tử Mỹ từng nghe lén thế giới
>> Nga triển khai tiêm kích tàu sân bay tuần tra gần Bắc Cực
>> Xem tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới của Hải quân Nga
>> Giải mật ảnh tàu ngầm Mỹ chụp đĩa bay ở Bắc Cực năm 1971
>> Hải quân Mỹ đánh giá không cao đội tàu ngầm Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.