TNO

Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản

02/08/2015 12:19 GMT+7

(Tin Nóng) Cuối tháng 7.1945, sau khi chở hai quả bom nguyên tử đến đảo Tinian để chuẩn bị lắp ráp và ném xuống Nhật Bản, chiến hạm USS Indianapolis của Mỹ trên đường đến Philippines đã bị tàu ngầm Nhật đánh chìm, làm hơn 900 thuỷ thủ thiệt mạng.

(Tin Nóng) Cuối tháng 7.1945, sau khi chở hai quả bom nguyên tử đến đảo Tinian để chuẩn bị lắp ráp và ném xuống Nhật Bản, chiến hạm USS Indianapolis của Mỹ trên đường đến Philippines đã bị tàu ngầm Nhật đánh chìm, làm hơn 900 thuỷ thủ thiệt mạng.

Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản - ảnh 1
Tàu Indianapolis tại Trân Châu Cảng năm 1937 - Ảnh tư liệu Hải quân Mỹ

Theo The Kansas City Star ngày 1.8, vào ngày 30.7.2015, tại thành phố Indiana, một buổi lễ được tổ chức và kéo cờ Mỹ để tưởng nhớ thuỷ thủ tàu Indianapolis thiệt mạng. Đến sáng 31.7, khi hạ lá cờ xuống, người ta trao lá cờ này cho một cư dân ở thành phố Kansas, nơi đa số thuỷ thủ tàu Indianapolis thiệt mạng từng cư ngụ.

Với nhiều người Mỹ, vụ chìm tàu Indianapolis làm chết hơn 900 thuỷ thủ là một trong những thảm kịch lớn nhất của Hải quân Mỹ về số người thiệt mạng.

Đầu tháng 7.1945, sau khi được đại tu ở California, tuần dương hạm USS Indianapolis (đóng năm 1931) nhận một kiện hàng đặc biệt để đưa đến đảo Tinian gần đảo Guam. Kiện hàng đó là các thành phần lắp ráp nên 2 quả bom nguyên tử để chuẩn bị ném xuống Nhật Bản. Chẳng ai biết kiện hàng mật này có gì, thuỷ thủ tàu chỉ được biết sau khi được cứu sống vào đầu tháng 8.1945.

Ngày 26.7.1945, sau khi giao hàng xong, tàu Indianapolis rời đảo Tinian để đến cảng Leyte ở Philippines. Đêm 30.7.1945, khi đang đi được nửa đường, tàu bị một tàu ngầm Nhật Bản tấn công bằng 2 quả ngư lôi. Chỉ trong vòng 12 phút, con tàu 14 năm tuổi cùng 1.200 thuỷ thủ và sĩ quan chìm ngay. Hơn 300 thuỷ thủ và sĩ quan chìm theo tàu, khoảng 900 người còn lại bám víu vào các thuyền cứu sinh, phao và những vật dụng nổi để chờ cứu hộ.

Tuy nhiên do sự quan liêu và nhầm lẫn khi nhận thông tin mà phải đến 4 ngày sau, các tàu cứu hộ mới đến nơi. Trong thời gian này, các thuỷ thủ phải chống chọi với đói khát, sóng biển, cái nắng, mất nước và đáng sợ là cá mập bu đầy quanh họ. Sau khi được một máy bay phát hiện và báo động khẩn cấp, số thuỷ thủ được cứu sống chỉ còn 316 người.

Năm 1975, sự kiện này đã được nhắc tới trong bộ phim “Hàm cá mập” (Jaws).

Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản - ảnh 2
Tàu Indianapolis tại cảng hải quân Mare Island ở California ngày 10.7.1945 sau khi được đại tu chuẩn bị nhận hàng là thành phần bom nguyên tử để mang đến đảo Tinian lắp ráp để ném xuống Nhật Bản - Ảnh tư liệu Hải quân Mỹ
Số phận con tàu chở 2 quả bom nguyên tử thả xuống Nhật Bản - ảnh 3
Tàu Indianapolis chuẩn bị rời đảo Tinian sau khi giao kiện hàng bom nguyên tử ngày 26.7.1945, để đến Philippines. Tuy nhiên ngày 30.7.1945 tàu bị tàu ngầm Nhật đánh chìm, hơn 900 người thiệt mạng vì chìm tàu và chết vì đói khát, vì cá mập tấn công - - Ảnh tư liệu Hải quân Mỹ

Trong cuốn sách Out of the depths, sĩ quan Edgar Harrell kể lại những thời khắc ông và các đồng đội trên tàu Indianapolis chống chọi với tử thần ra sao khi tàu chìm. Sau khi liệt kê một số nhầm lẫn của phía Hải quân khi nhận tín hiệu cấp cứu, ông cho biết thêm đến ngày 2.8.1945, một máy bay tuần tiễu của Hải quân Mỹ khi bay ngang khu vực này lúc đang cố ổn định ăng-ten sau máy bay, lúc nhìn xuống biển đã phát hiện vụ chìm tàu.

Ban đầu viên phi công thấy dấu tràn dầu, nghĩ rằng đang có một tàu ngầm Nhật hoạt động liền cho máy bay hạ thấp xuống chuẩn bị ném bom. Tuy nhiên khi hạ thấp độ cao, phi công thấy lố nhố người đang trôi nổi trên biển liền tức tốc báo về căn cứ. Cuộc cứu hộ liền diễn ra ngày ngày đó.

Nhìn thấy đám cá mập đang tấn công những người sống sót, một máy bay Hải quân được điều động đến khu vực để thả bè và đồ cứu hộ đã không làm theo lệnh mà đáp xuống mặt biển. Phi hành đoàn đã đưa tối đa các thuỷ thủ lên máy bay, và một số được buộc ở hai cánh máy bay. Nhờ vậy 56 người được bốc đi, bao gồm tác giả cuốn sách là Harrell, trước khi đêm xuống.

Các tàu cứu hộ đến hiện trường ngay trong đêm không lâu sau đó, vớt những người còn sống sót.

Sau này khi được đưa đến Hawaii điều trị trong tháng 8.1945, các thuỷ thủ sống sót lúc đó mới biết tàu của họ đã chở hai quả bom nguyên tử

Đến Tinian để Không quân ném xuống Hiroshima và Nagasaki, buộc Nhật Bản phải đầu hàng.

Trong cuốn sách, ông Harrell minh oan cho thuyền trưởng chỉ huy Charles McVay III, người sau này ra toà án binh của Hải quân vào tháng 12.1945 với tội danh cẩu thả để tàu chìm khi lẽ ra phải cố tránh cú tấn công. Nhiều năm sau Thế chiến II, ông McVay nhận thư của thân nhân những người thiệt mạng rủa xả ông, khiến ông phải tự sát vào năm 1968.

Sau nhiều cuộc vận động để xóa án oan cho McVay, tháng 10.2000 Tổng thống Bill Clinton đã ký vào một nghị quyết của Quốc hội để minh oan cho thuyền trưởng McVay.

Anh Sơn

>> Liên Xô thử quả ‘bom vua’ hạt nhân như thế nào
>> Phi công phụ kể lại chiến dịch tuyệt mật ném bom nguyên tử xuống Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.