TNO

Nga khôi phục dự án Quái vật biển Caspian thời Liên Xô

03/08/2015 11:14 GMT+7

(Tin Nóng) Thuỷ phi cơ khổng lồ mang tên lửa hạt nhân, hay còn gọi là Quái vật biển Caspian thời Liên Xô sẽ được Nga khôi phục lại nhưng nâng cấp hiện đại hơn từ năm 2020, theo RIA.

(Tin Nóng) Thuỷ phi cơ khổng lồ mang tên lửa hạt nhân, hay còn gọi là Quái vật biển Caspian thời Liên Xô sẽ được Nga khôi phục lại nhưng nâng cấp hiện đại hơn từ năm 2020, theo RIA.

Nga khôi phục dự án Quái vật biển Caspian thời Liên Xô - ảnh 1
Mẫu thuỷ phi cơ Lun mang 6 tên lửa diệt hạm trên lưng, được mệnh danh quái vật biển Caspian thời Liên Xô - Ảnh: Hải quân Liên Xô

Theo các chuyên gia, thuỷ phi cơ này (Nga gọi là Ekranoplan) sẽ có tính năng gấp 1,5 - 2 lần so mẫu cũ thời Liên Xô cách đây 40 năm, sẽ mang theo các tên lửa hành trình, bay được trong điều kiện giông bão ở biển xa thay vì gần bờ như mẫu cũ.

Một phát ngôn viên Hải quân Nga cho RIA hay việc phát triển mẫu thuỷ phi cơ mới sẽ dựa trên mẫu Lun nổi tiếng thời Liên Xô, sẽ được đóng ở Nizhny Novgorod sau năm 2020.

Trước đó, trong tháng 5.2015, tập đoàn Morinformsystem - Agat cho hay đang nghiên cứu mẫu thuỷ phi cơ có trọng lượng cất cánh đến 500 tấn, từ mẫu thời Liên Xô. Tập đoàn này cũng vừa giới thiệu mẫu thuỷ phi cơ bay ven bờ biển có trọng tải cất cánh 60 tấn.

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng ủng hộ việc khôi phục dự án Quái vật biển Caspian này, nói nó phù hợp Học thuyết về hải quân mới mà Tổng thống Vladimir Putin vừa ký ban hành.  "Đó là chiến dịch khổng lồ, kết nối các giải pháp mới. Việc phát triển hạm đội cần tiếp diễn, và các ngành công nghiệp phải tiếp tục nắm bắt công nghệ mới”, ông Rogozin nói.

Còn theo nhà phân tích Igor Kasatonov phát biểu trên tạp chí View của Nga rằng thuỷ phi cơ mới không phải là loại có từ 40-50 trước, mà trên cơ sở mới. Theo ông, thuỷ phi cơ mới có thể phục vụ ở vùng ven biển Viễn Đông, Biển Đen, Caspian, và chống được bão tố. Thuỷ phi cơ mới có thể bay được từ vùng biển nước ấm đến vùng biển băng giá.

Thời Liên Xô đã phát triển 2 mẫu thuỷ phi cơ khổng lồ, là chiếc Eaglet dùng làm máy bay vận tải và Lun để phóng tên lửa diệt hạm. Lun trang bị 6 tên lửa diệt hạm có điều khiển loại 3M-80 Mosquito (Moskit, tức Con muỗi), bay lần đầu năm 1987. Lun dài 92 mét, cao 22 mét, sải cánh 37,6 mét, có thể bay 463 km/giờ, tầm hoạt động 2.000 km, mang 140 tấn vũ khí. Mỗi quả tên lửa diệt hạm Mosquito to bằng 1 chiếc máy bay MiG-21, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường nặng 500 kg.

Khi Lun bay thử trên biển Caspian (dùng 8 động cơ phản lực gắn hai bên thân), phương Tây đã mệnh danh nó là “Quái vật biển Caspian”. Tuy vậy do tên lửa Mosquito vốn thiết kế dùng trên chiến hạm, nên việc bố trí phía trên máy bay Lun rất khó khăn trong hoạt động.

Năm 1990, Lun được cho thử nghiệm thành công, và Liên Xô thành lập phi đội thuỷ phi cơ số 11 ở Biển Đen. Tuy nhiên khi Liên Xô sụp đổ, dự án này cũng nhanh chóng bị bỏ qua vì thiếu tiền.

Nga khôi phục dự án Quái vật biển Caspian thời Liên Xô - ảnh 2
Lun trong một lần phóng tên lửa diệt hạm Mosquito trên biển - Ảnh: Hải quân Liên Xô
Nga khôi phục dự án Quái vật biển Caspian thời Liên Xô - ảnh 3
Lun ngày nay đang gỉ sét, chờ vào lứa đàn em sắp tới - Ảnh: Business Insider

Ngày nay Lun có cơ may hồi sinh, như bình luận của nhà phân tích Vasily Kashin (Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ, ở Moscow) khi nói đó là quái vật cõng tên lửa hạng nặng mà thế giới không có.

Theo ông, thế giới có 2 nước quan tâm dự án của Liên Xô là Trung Quốc và Iran. Trung Quốc muốn có công nghệ này để chế tạo máy bay bay nối liền các đảo chiếm đóng phi pháp ở Biển Đông. Trung Quốc đã mua công nghệ của Nga để chế tạo thuỷ phi cơ, nhưng không thể mang tên lửa, theo ông Cashin.

Còn Iran đang chế tạo thuỷ phi cơ phục vụ lực lượng đăc nhiệm tuần tra eo biển Hormuz, nhưng không thể chế tạo được loại cỡ lớn có thể mang tên lửa.

Nga khôi phục dự án Quái vật biển Caspian thời Liên Xô - ảnh 4
Mẫu thuỷ phi cơ có trọng lượng cất cánh 60 tấn của Morinformsystem - Agat (Nga) mới trình làng

Cũng có ý kiến nghi ngờ việc phục hồi dự án này, như ông Yuri Zaynashev khi cho Lun có nhiều bất lợi: Bay chậm hơn máy bay ném bom, vũ trang yếu hơn 1 tàu chiến, vừa bay thấp nên là mục tiêu lớn dễ nhận dạng và do đó dễ bị tổn thương.

Xem thuỷ phi cơ chiến đấu Lun thời Liên Xô bay thử và bắn tên lửa

Anh Sơn

>> Những máy bay hơn nửa thế kỷ vẫn còn bay
>> Thủy phi cơ DHC-6 cuối cùng đã về Việt Nam
>> Canada đào tạo phi công thuỷ phi cơ Việt Nam như thế nào
>> Trung Quốc phát triển thủy phi cơ lớn nhất thế giới
>> Thủy phi cơ chờ đợi thời hoàng kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.