TNO

Israel tự tin tiêm kích F-35 sẽ khắc chế tên lửa S-300 của Iran

22/04/2015 09:40 GMT+7

(Tin Nóng) Trước việc Nga sắp cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, phía Israel tự tin cho rằng tiêm kích tàng hình F-35 nước này đặt mua của Mỹ đủ sức khắc chế tên lửa của Iran, biến "thợ săn" S-300 thành kẻ bị săn !

(Tin Nóng) Trước việc Nga sắp cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran, phía Israel tự tin cho rằng tiêm kích tàng hình F-35 nước này đặt mua của Mỹ đủ sức khắc chế tên lửa của Iran.


 Israel tự tin với chiến đấu cơ tàng hình F-35 đặt mua của Mỹ sẽ khắc chế được tên lửa phòng không S-300 của Iran - Ảnh: Reuters

Báo Times of Israel ngày 20.4 cho biết hiện nay tiêm kích F-15 là thành phần chủ lực của không quân nước này. Máy bay Israel từng bị cho là đã tấn công một lò phản ứng hạt nhân tại miền đông Syria hồi tháng 9.2007. Ngoài ra, chiến đấu cơ Israel cũng đã từng không kích các mục tiêu ở châu Phi, cách Bắc Sudan hơn 1.600 km.

Trong các cuộc tấn công này, không có máy bay đối phương nào bay lên đối đầu với phi đội F-15 của Israel vì phần lớn chúng không bị radar phát hiện.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sau khi đã hoàn tất 6 lần nâng cấp phi đội chiến đấu cơ, Trung tá B., người được Không quân Israel (IAF) chỉ định phụ trách thương vụ mua F-35, cho biết khả năng thống trị vùng trời Trung Đông của lực lượng này đang bắt đầu yếu đi.

Times of Israel cho hay Ai Cập và Ả Rập Xê Út đã xây dựng được một lực lượng không quân hiện đại với khí tài do phương Tây cung cấp. Ai Cập hiện đã ký thỏa thuận hòa bình với Israel, còn Ả Rập Xê Út cũng có chung kẻ thù với Tel Aviv - đó là Iran.

Tuy nhiên, trang tin Israel này cảnh báo Israel cần phải nhìn xa hơn vào tương lai, vì cả hai quốc gia kể trên có khả năng rơi vào tay các phần tử Hồi giáo cực đoan. Ngoài ra, hai quốc gia thù địch với Israel là Iran và Syria đã sở hữu các hệ thống phòng không của Nga và nhiều khả năng sẽ có được các loại khí tài tấn công, chẳng hạn chiến đấu cơ Sukhoi Su-50ES. Mẫu máy bay chiến đấu đáng gờm này có thể được Nga bán cho Iran vào năm 2022 nếu lệnh cấm vận vũ khí đối với Tehran được gỡ bỏ.


Tên lửa phòng không S-300 của Nga, loại vũ khí hiện đại mà Iran sắp có - Ảnh: Itar-TASS

Với viễn cảnh trên, việc cần phải mua chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 là loại F-35 của Mỹ là điều có thể lý giải được, theo Trung tá B.

Để minh họa cho sự cần thiết của F-35 đối với quân đội Israel, vị này đặt ra tình huống một chiến đấu cơ được giao nhiệm vụ tiêu diệt một mục tiêu được canh phòng rất cẩn mật. Điều này đòi hỏi cần phải có thêm những khí tài hỗ trợ cho chiếc máy bay, chẳng hạn cần có vệ tinh và máy bay do thám để có được hình ảnh rõ nét về mục tiêu, cần radar để dò các máy bay và tên lửa phòng không của đối phương, cũng như cần một trạm chỉ huy hiện đại để điều phối chiến dịch tiêu diệt mục tiêu.

Trung tá B khẳng định: “Chỉ có F-35 cung cấp toàn bộ các hệ thống cần thiết đó cho phi công”.

Điều này cực kỳ quan trọng vì, theo ông B, khi hoạt động trong lãnh thổ địch, người ta thường cho rằng khó khăn nằm ở chỗ không đủ nhiên liệu để bay. Nhưng điều này không đúng, vì thách thức nằm ở chỗ, khi hoạt động sâu bên trong lòng địch, chúng ta thiếu thông tin trinh sát.

Nga mới đây đã cam kết bán cho Iran tên lửa phòng không S-300. Ngoài độ chính xác cao và khả năng phát hiện và bắn hạ nhiều mục tiêu trên không cùng lúc, loại tên lửa này còn có tính di động cao, chỉ trong vòng vài phút có thể thay đổi sang địa điểm khác.

Trung tá B cho biết chiến đấu cơ F-16 của Không quân Israel hiện cần được cung cấp thông tin về vị trí của S-300 để tránh hệ thống tên lửa này, bằng cách bay dọc theo rìa phạm vi bao phủ của radar thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa này. 

Nếu không, F-16 sẽ chỉ được cảnh báo nguy cơ khi bị radar của S-300 phát hiện ra, lúc đó thì mọi việc đã quá trễ, hoặc phải dựa vào thiết bị gây nhiễu radar hoặc nhờ đến máy bay do thám đi trước dò tìm vị trí của hệ thống tên lửa này.

Trong khi đó, phi công lái F-35 sẽ được cung cấp toàn bộ những thông tin này, và “thợ săn (S-300) sẽ trở thành kẻ bị săn”, ông B tự tin cho biết.

Tuy nhiên, Times of Israel cũng cho biết những nhận định trên không mang ý nghĩa là Không quân Israel không đủ khả năng hóa giải S-300. Không quân Israel đã được huấn luyện để chống loại tên lửa này ở Hy Lạp và đã vạch ra được chiến lược để triệt hạ nó mà không cần đến F-35, theo trang tin Israel.

Nhưng Trung tá B cho rằng F-35 “giống như một chiếc điện thoại iPhone”, trong đó các nhà hoạch định có thể gom các tính năng của nhiều loại máy bay khác nhau như tàng hình, do thám, và radar tiên tiến, vào “chỉ trong một chiếc máy bay chiến đấu”.


Nữ phi công Israel chuẩn bị lái chiến đấu cơ F-16I, một trong những loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Israel - Ảnh: Không quân Israel


Phi công tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) giới thiệu với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Moshe Ya’alon (ngồi trong buồng lái) về tính năng của tiêm kích tàng hình F-35 - Ảnh: Lockheed Martin

Vào năm 2010, Israel đã ký hợp đồng mua 19 chiến đấu cơ tàng hình F-35A từ tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin (Mỹ) và dự kiến vài chiếc đầu tiên sẽ được giao vào cuối năm 2016. Tổng trị giá thương vụ này lên đến 2,75 tỉ USD, theo Times of Israel.

Vào cuối tháng 2, Reuters dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Israel cho biết nước này đã ký một thỏa thuận mua thêm 14 chiếc F-35 với tổng giá trị khoảng 3 tỉ USD, nâng tổng số chiến đấu cơ tàng hình đặt mua lên 33 chiếc.

Hoàng Uy

>> Tên lửa S-300 của Iran không thể chặn đòn không kích của Israel ?
>> Nga giới thiệu tên lửa phòng không Vityaz thay thế S-300
>> Dũng mãnh tên lửa S-300 Việt Nam
>> Iran khoe tên lửa hành trình bắn xa 2.500 km
>> Pháo binh Việt Nam đặt mua loại UAV Orbiter 3 của Israel
>> Tàu cá Anh hư hỏng vì tàu ngầm Nga mắc vào lưới ?
>> Xem dàn xe đặc chủng trên tàu sân bay Nga
>> Tiêm kích Nhật bay cản máy bay Nga, Trung Quốc nhiều bằng thời Chiến tranh lạnh
>> Nga thử nghiệm ngư lôi tàu ngầm bắn xa 50 km

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.