TNO

Châu Á: Giàu nghèo đều đua sắm tàu ngầm

18/04/2015 09:00 GMT+7

(Tin Nóng) Với việc mới đây Pakistan xem xét mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc và Thái Lan cũng muốn mua 2 chiếc của Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương đang là thị trường lớn nhất thế giới về tàu ngầm quân sự, theo Defense News.

(Tin Nóng) Với việc mới đây Pakistan xem xét mua 8 tàu ngầm từ Trung Quốc và Thái Lan cũng muốn mua 2 chiếc của Trung Quốc, châu Á - Thái Bình Dương đang là thị trường lớn nhất thế giới về tàu ngầm quân sự, theo Defense News.


Tàu ngầm đang được các nước châu Á - Thái Bình Dương đầu tư nhiều vì đây là vũ khí phòng thủ tốt nhất và có tính răn đe cao - Ảnh: Mai Thanh Hải

Trang tin quân sự này ngày 12.4 dẫn lời ông Tony Beitinger, phó chủ tịch tập đoàn phân tích tư vấn hải quân AMI cho rằng đầu tư sắm tàu ngầm đang tập trung ở châu Á - Thái Bình Dương và đây là thị trường lớn nhất.

Ông Beitinger cho hay đã có 34 nước đang đặt mua hoặc lên kế hoạch trang bị tàu ngầm trong 20 năm tới. Tại châu Á - Thái Bình Dương nay đã có 12 nước và lãnh thổ có trang bị tàu ngầm trong quân đội, gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Malaysia, Myanmar, Pakistan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam.

Philippines, Thái Lan và Bangladesh đã công khai ý định trang bị tàu ngầm cho lực lượng hải quân.

 

Các nước châu Á đang xây dựng lực lượng tàu ngầm vì hiểu rằng tàu ngầm cho các nước này khả năng ngăn chặn sự thâm nhập của kẻ thù, cũng như có giá trị răn đe.

Theo Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương

Tàu ngầm đang là ưu tiên số 1 trong đầu tư cho quốc phòng ở khu vực này, theo nhà phân tích hải quân Bob Nugent. Ông cho rằng mức gia tăng đầu tư này phản ánh sự phát triển kinh tế và từ sự gia tăng các bất ổn về an ninh và các mối đe doạ trên biển tại một số khu vực.

"Tàu ngầm là nền tảng chiến đấu đắt nhất và tốn kém nhất hải quân để duy trì sự sẵn sàng tác chiến, và bao gồm các nguồn lực cần thiết để tuyển dụng, đào tạo, vận hành, duy trì và hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm. Điều này đặt ra câu hỏi về sự hạn chế tài chính để phát triển và hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm khu vực”, ông Nugent bình luận.

Mặc dù chi phí cao, như các cải tiến công nghệ đã làm cho tàu ngầm ngày càng có tính sát thương cao hơn và chạy êm hơn, đặc biệt là với tàu ngầm dùng động cơ không phụ thuộc không khí. Điều này đã thúc đẩy các nước giàu cũng như nghèo đua nhau mua sắm tàu ngầm.

Theo ông Beitinger, các tàu ngầm đang ngày càng trở nên có nhiều khả năng tác chiến hơn và bắt đầu mang được vũ khí sát thương lớn như tên lửa chống tàu và tấn công mặt đất, các hệ thống trinh sát như tàu lặn không người lái dùng thu thập thông tin tình báo hoặc triển khai các lực lượng đặc nhiệm.

Chuyên gia Nugent cũng cho rằng tàu ngầm là nền tảng chiến lược để chống lại các đối thủ có ngân sách lớn hơn và lực lượng hải quân lớn hơn.

Với việc Trung Quốc chi tiêu cho hải quân nhiều hơn Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc và ASEAN cộng lại, tàu ngầm có khả năng vẫn là lĩnh vực được ưu tiên đầu tư tiếp tục trong khu vực, theo Nugent.


Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật. Úc đang thương thảo mua công nghệ tàu ngầm này do đặc tính chạy êm, có khả năng tàng hình trước sonar của đối phương - Ảnh: military-today.com

Báo Wall Street Journal ngày 31.3 cũng cho rằng với các quốc gia ven biển như Việt Nam, Malaysia và nước nhiều quần đảo như Indonesia, tàu ngầm là một trong những phương cách hiệu quả nhất để chống lại sức mạnh của Trung Quốc. Tất cả đều có cảm giác bị đe dọa, nhưng không nước nào đủ mạnh để có thể đối phó tay đôi với quân đội Trung Quốc.

Các tàu ngầm Kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam câu trả lời "khiêm tốn nhưng mạnh mẽ" trước sự đe dọa của hải quân Trung Quốc, theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Úc.

Tìm kiếm và phá hủy được tàu ngầm là rất khó khăn, và các cuộc tấn công của tàu ngầm với các tàu khác gần như luôn ở mức độ tàn phá. Khi dò tìm được một tàu ngầm, chỉ huy tàu nổi phải đưa ra một quyết định sống chết, là có nên nhanh chóng đánh chìm chúng và qua đó tạo ra nguy cơ một cuộc xung đột quốc tế hay không.

Việt Nam, với bờ biển dài, đang là trung tâm của những gì đang trở thành một cuộc đấu tranh địa chính trị.

Nhưng sự dễ bị tổn thương của Việt Nam cũng là điều thu hút các cường quốc. Không phải ngẫu nhiên mà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, hồi năm 2010 đã tuyên bố tại Hà Nội rằng một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp ở Biển Đông là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đó cũng là lý do tại sao các cường quốc đang quan tâm đến chương trình tàu ngầm của Việt Nam. Ấn Độ đang huấn luyện thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam; bác sĩ Nhật Bản đang cung cấp chuyên môn về điều trị bệnh giảm áp; Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí sát thương và đưa ra hỗ trợ giúp tăng cường thông tin tình báo trên biển, qua đó sẽ làm cho hoạt động của các tàu ngầm hiệu quả hơn.


Theo tình báo Hải quân Mỹ, tàu ngầm Trung Quốc chiếm số lượng lớn nhất (68 chiếc) tại châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh: china-defense.blogspot.com


Trung Quốc đang đổ bê tông xây đường băng trên Đá Chữ Thập chiếm của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, gây thêm căng thẳng trong khu vực và đe doạ an ninh biển. Ảnh vệ tinh DigitalGlobe chụp ngày 11.4.2015

Hãng tin Bloomberg ngày 17.4 cho biết, Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương ngày 15.4 nói trước Uỷ ban quân lực Hạ viện rằng số lượng ngày càng tăng cùng công nghệ cao của các tàu ngầm ở khu vực từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương đã làm thay đổi sự hoạt động của hải quân Mỹ trong khu vực. Ông ước tính rằng trong số 300 tàu ngầm trên thế giới (không tính của Mỹ), thì có đến 200 chiếc là ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi theo ông là khu vực quân sự hóa nhất trên thế giới.

Ông Locklear cho rằng các nước châu Á đang xây dựng lực lượng tàu ngầm vì hiểu rằng tàu ngầm cho các nước này khả năng ngăn chặn sự thâm nhập của kẻ thù, cũng như có giá trị răn đe.

Theo đô đốc Locklear, xung đột giữa các nước với Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi. Để giúp cải thiện an ninh trong khu vực, Mỹ đã phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam, Malaysia và Indonesia, điều chưa từng được xem xét đến trong hai thập kỷ qua, theo đô đốc Locklear.

Anh Sơn

>> Trung Quốc bắt đầu xây đường băng ở Đá Chữ Thập
>> Nga thử nghiệm ngư lôi tàu ngầm bắn xa 50 km
>> Tàu ngầm hạt nhân mới nhất của Nga đã sẵn sàng chiến đấu
>> Tàu ngầm Khánh Hòa hoàn tất thử nghiệm trên biển lần đầu
>> Báo Trung Quốc giảm nhẹ nỗi lo về lực lượng tàu ngầm Việt Nam
>> Nhật Bản tăng cường năng lực săn tàu ngầm
>> Máy bay P-8 Mỹ theo dõi tàu chiến, tàu ngầm Trung Quốc ở Biển Đông
>> Reuters: Quân y Nhật hỗ trợ lính tàu ngầm Việt Nam
>> Hải quân Mỹ đánh giá không cao đội tàu ngầm Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.