Tiểu thuyết dã sử về Lý Chiêu Hoàng: Chiêu tuyết cho cuộc chuyển giao

18/05/2023 11:22 GMT+7

Theo dòng lịch sử Việt Nam, cuộc chuyển giao vương quyền từ triều Lý sang Trần có thể nói là đặc biệt nhất, khi không tổn hao một giọt máu nào. Thế nhưng điều đó có thực dễ dàng, hay còn ẩn chứa nội tình nào khác?

Lấy bối cảnh cuối triều Lý, Nguyệt thư ảnh kiếm (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023) là tác phẩm dã sử - kiếm hiệp, tập trung vào hai nhân vật chủ chốt của giai đoạn này là Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng. Trong đó, Chiêu Hoàng vẫn luôn bị xem như người “phạm tội” và làm mất hơn 200 năm vinh quang triều Lý, dẫn đến quãng đời sau khi trở thành phế hậu của bà không được ghi chép.

Tiểu thuyết dã sử về Lý Chiêu Hoàng: Chiêu tuyết cho cuộc chuyển giao - Ảnh 1.

Tiểu thuyết dã sử kiếm hiệp Nguyệt ảnh thư kiếm của tác giả Bình Chi

NXB

Từ khoảng trống ấy, tác giả Bình Chi đã hư cấu hóa câu chuyện của Lý Chiêu Hoàng, khớp nối với các sử kiện đã từng xảy ra, từ đó hình thành một tuýp nhân vật can trường, mạnh mẽ. Bằng những sử liệu chính xác, kết hợp cùng trí tưởng tượng và lòng yêu mến tiểu thuyết Kim Dung, Nguyệt thư ảnh kiếm là một tác phẩm lạ lùng, độc đáo nhưng hấp dẫn và đầy mê hoặc.

Như chính tác giả chia sẻ, cô xem Kim Dung như một người bạn, và những vỉa tầng của triết lý Phật giáo, tình yêu… trong các tác phẩm của ông đã ảnh hưởng nhiều lên phong cách viết của cô. Bình Chi từng có thời gian nghiên cứu về thư pháp, chữ Hán… nên tất cả những điều này đều xuất hiện trong Nguyệt thư ảnh kiếm, như một “khao khát muốn tìm về gốc rễ của mình, mong phần nào cắt nghĩa con người và văn hóa Việt Nam tự cổ chí kim”.

Âm hưởng truyền thống

Điều đó được thể hiện bằng việc mở đầu mỗi chương đều là một quẻ kinh dịch, dự đoán kết quả về phía sau này. Bình Chi có cách tiếp cận vô cùng bất ngờ, với kết cấu truyện được giữ bí mật cho đến phút cuối, khiến độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Tác giả cũng có khả năng kiểm soát mạch truyện, khi oai hùng, gấp gáp ở những trận đánh cũng như giao chiến… để rồi chậm rãi và nhiều suy tư ở những cảnh truyện nặng tính triết lý, nói về hồng trần.

Thành công đầu tiên của Nguyệt thư ảnh kiếm có thể đề cập đó là bối cảnh lịch sử hoàn hảo, với sự chuyển giao thế lực của hai triều đại, cũng như tình hình chính trị có diễn tiến lớn, khi nhà Tống suy vi và quân Mông - Nguyên trên đà phô trương sức mạnh. Từ "gông kìm" đó, nhân vật của tác phẩm này không chỉ dằn vặt ở phía nội hàm là chuyện cá nhân, tình yêu; mà bao trùm lên là một bối cảnh vô cùng xáo động, với quyền lực, chính trị cũng như âm mưu không thể biết trước.

Tiểu thuyết dã sử về Lý Chiêu Hoàng: Chiêu tuyết cho cuộc chuyển giao - Ảnh 2.

Tranh Nguyệt quải hàn sơn (Trăng treo núi lạnh), tác giả Bình Chi họa lại dung nhan Lý Chiêu Hoàng với hàm ý trăng nào cũng khó chạm tới

TGCC

Đi từ bối cảnh có phần hỗn mang, các tuyến nhân vật được Bình Chi sử dụng cũng sắc nét và  độc đáo. Giữ nguyên tính cách của phe nhà Trần với Trần Liễu hống hách tự cao nhưng tâm thật thà, Trần Cảnh khôn khéo nhưng cũng thật tâm, Trần Thủ Độ đa mưu, chuyên quyền… Tất cả các nhân vật đều có “đất diễn”, tạo nên được sự gần gũi, như vén qua bức màn lịch sử để đến gần hơn với độc giả.

Trong các nghiên cứu sâu hơn về thư pháp, kiến trúc… truyền thống của người Đại Việt, tác giả Bình Chi cũng kéo giãn thời gian như một vòng tròn để cho thấy lại những cuộc gặp gỡ hơn 200 năm của vương triều Lý. Ca ngợi được sự tuần hoàn, cương - nhu mềm dẻo cũng như trạng thái “không” của thiền trong Phật giáo, Nguyệt thư ảnh kiếm vừa là áng văn tả lại lịch sử một cách khác biệt, nhưng cũng không quên ca ngợi truyền thống một cách rõ ràng và đầy ấn tượng.

Theo đó trong tác phẩm này, Bình Chi đã dùng lại nhiều những áng thơ văn, những câu đối chữ… cũng như các quy tắc đoán trước kinh dịch… để làm động lực cho mạch văn chung. Điều này không những tạo ra điểm mới so với các tiểu thuyết lịch sử đã có trước đó, khi chủ yếu xử lý yếu tố khó giải thích, thuộc về sắp đặt… theo lối báo mộng thêm logic hơn, mà ít nhiều cũng nhắc lại lề thói quen thuộc của cha ông ta.

Chiêu tuyết cho một con người

Ngược lại với phía nhà Trần, Lý Chiêu Hoàng trong tác phẩm này được tưởng tượng với nhiều tính cách khác biệt. Sinh thời là một “tiểu hổ” hung dữ, Bình Chi xây dựng xuyên suốt một người phụ nữ nhiệt huyết, hoang dại, mạnh mẽ, nhưng cũng không quên tái hiện những sự mềm yếu của người thiếu nữ. Việc cho Lý Chiêu Hoàng hiện diện trong các trận chiến với phe Mông - Nguyên cũng như quá trình hành tẩu giang hồ ít nhiều tạo ra một ấn tượng mới về người phụ nữ, từ đó cho thấy góc nhìn hiện đại khi áp vào thể loại dã sử có thể tạo ra những ấn tượng mới.

Tiểu thuyết dã sử về Lý Chiêu Hoàng: Chiêu tuyết cho cuộc chuyển giao - Ảnh 3.

Tranh Thiên Nhẫn Kiếm do tác giả Bình Chi họa, khắc họa nhân vật Trần Cảnh

TGCC

Ngoài điều kể trên, Bình Chi cũng đang chiêu tuyết cho một nhân vật thuộc dòng lịch sử. Trong các sử liệu để lại, không ít nhân vật đã phải chịu nhiều điều tiếng chính bởi quyền lực và các tác động bên lề. Trong số đó, những Nguyễn Thị Lộ (của Võ Khắc Nghiêm), Công chúa Đồng Xuân - Nguyễn Phúc Gia Phúc (của Trần Thùy Mai) hay Lý Chiêu Hoàng… đều là những người phụ nữ không có tiếng nói, và cũng đồng thời nằm trong âm mưu chính trị phức tạp, có nhiều khuất tất mà ở giai đoạn sử sách ghi lại, họ chưa từng được minh xét một cách rõ ràng.

Với việc hư cấu cho Chiêu Hoàng kết hôn thuận tình với Lê Tần, việc cho phế hậu tham gia chiến đấu giành lại nước Việt trong sự giằng dai giữa lý trí và tình cảm với Trần Cảnh, giữa triều Lý với triều Trần… ít nhiều cho thấy Chiêu Hoàng không chỉ là một “bù nhìn” ngắm nhìn đời trôi, mà trong dòng chảy của dòng lịch sử, của quyền lực thay nhau đổi chủ, bà cũng là một nạn nhân giữa những âm mưu vô cùng phức tạp.

Diễn biến tâm lý của những “tam giác tình cảm” Trần Cảnh - Chiêu Hoàng với Lý Oanh, Ni Khất và Lê Tần cũng được khai thác khác biệt, từ đó mang đến triết lý tình yêu nhẹ nhàng mà đầy cảm xúc về sự buông bỏ, hướng đến quên mình và thức tỉnh trước nhân sinh này. Như một cành dương chạm khẽ làn nước, như cánh hoa trôi xuôi theo dòng suối… những nhân vật ấy dù có khuyết thiếu và đớn đau nào, nhưng đến cuối cùng họ đã sống trọn vẹn và có lý tưởng.

Là tác phẩm đầu tay, nhưng Bình Chi đã cho thấy được khả năng sáng tạo cũng như tưởng tượng độc đáo. Mượn tiểu thuyết kiếm hiệp - dã sử mang đậm dấu ấn Kim Dung, nhưng Nguyệt thư ảnh kiếm lại rất Việt Nam và đầy truyền thống, qua các dấu ấn Phật giáo cũng như những sắp đặt hợp lý, logic và có ý nghĩa, không những chiêu tuyết cho một con người mà còn mở ra những góc nhìn mới, những hình dung mới hướng về quá khứ.

Bình Chi tên thật là Nguyễn Thu Nga. Cô có thời gian dài học tập tại Nhật Bản và Anh quốc. Qua việc tiếp cận chữ Hán, học thư pháp, vẽ tranh thủy mặc, tác giả thấy được tình yêu của người Nhật và người Hoa với văn hóa của họ, nhờ đó mà càng khao khát tìm về gốc rễ của mình, để có thể phần nào cắt nghĩa người Việt và văn hóa Việt Nam từ cổ chí kim. Vẽ lại những con người Việt, bằng chất liệu hội họa và văn chương, là điều tác giả mong muốn theo đuổi.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.