Bài viết tham gia cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen:

Tiết kiệm điện đâu chỉ vì hôm nay

31/08/2023 15:15 GMT+7

Thấy chồng cứ vô tư xả nước, bật quạt không tiết kiệm điện là người tôi nóng ran. Để rồi, không lâu sau đó, thế nào cũng lời qua tiếng lại. Nhẹ thì mặt này mặt nọ, thái độ lồi lõm, hơn tí thì cãi nhau ỏm tỏi, nặng nữa là không nhìn mặt nhau… nửa ngày. Nghĩ thật tức cười khi chúng tôi cứ cãi nhau vì những việc bé tí. Nhưng, hẳn mọi việc đều có lí do.

Thời buổi sống tiết kiệm điện này, mọi người sẽ không bất ngờ khi tôi từng học bằng đèn dầu suốt 12 năm phổ thông, và còn gắn bó với chiếc đèn dầu ấy thêm cả thời gian vào đại học nữa. Cho đến khoảng năm 2015, 2016 thì điện mới chính thức vô đến nóc nhà. Riêng khoản nước sạch thì… đến nay nhà tôi vẫn sử dụng nguồn nước từ sông và ...từ trên trời rơi xuống.

Tiết kiệm điện đâu chỉ vì hôm nay - Ảnh 1.

Lắp đặt thiết bị điện mặt trời cho các hộ dân tại TP.HCM

EVNHCMC

Ngày vào đại học, tôi vui sướng biết bao khi được sử dụng điện và nước sạch, dù phải sử dụng dè chừng, tiết kiệm vì sống chung với 10 thành viên trong ký túc xá. Ngày ra trường, ở thành phố làm, tôi lại tiếp tục được hưởng những đặc ân trên. 

Lúc bấy giờ, tuy sống một mình nhưng thói quen tiết kiệm đã được hình thành, lại thêm thu nhập thấp, nên tôi vẫn rất dè sẻn. Mỗi lần ngồi dưới ánh điện đón nhận những cơn gió nhân tạo, tôi lại nghĩ về cha mẹ già nơi quê nhà. Cha tôi vẫn lọ mọ châm trà dưới ngọn đèn hiu hắt, mẹ vẫn lom khom lấy ánh sáng từ bếp lửa để vo cơm, nhặt rau… mà lòng tôi thắt lại. Thương cha, thương mẹ biết chừng nào…

Rồi ngày lập gia đình, tôi và chồng sống nơi phố thị, lại vẫn đủ đầy khoản điện, nước. Thế nhưng, ký ức và thói quen thì vẫn còn nguyên vẹn.

Vậy nên, tôi thường khuyên, thậm chí là bắt buộc chồng cùng mình thống nhất sử dụng tiết kiệm điện, nước, đặc biệt là điện: sử dụng đèn từ 17 giờ 30 phút đến 18 giờ trở đi, tùy từng mùa. Đặc biệt chỉ sử dụng quạt, không lắp máy lạnh, điều hòa; sử dụng bếp gas, không dùng bếp điện, mua thực phẩm hàng ngày, không trữ thực phẩm trong tủ lạnh, uống nước lọc hoặc nước đun sôi, không sử dụng máy nước nóng lạnh, sử dụng máy chạy bằng cơm cho mục đích lau nhà, giặt quần áo, rửa chén bát…

Biết rằng khi thiếu những thiết bị điện ấy, chúng tôi mất rất nhiều thời gian (thời gian để làm việc nhà và thời gian để cãi nhau), nhưng tôi cảm thấy vui vẻ hơn rất nhiều. Đó là một phương pháp vận động thể chất. Hơn nữa, khi làm việc bằng sức của mình chứ không phải năng lượng điện, tôi cảm thấy bớt áy náy với những mảnh đời cơ cực. Còn biết bao con người ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, chưa biết đến điện là gì. Họ phải sống ở những nơi tăm tối, thiếu thốn, vô cùng khổ cực, mình sử dụng ít đi một tí, so với những con người ấy, vẫn còn sướng gấp trăm lần.

Tiết kiệm điện đâu chỉ vì hôm nay - Ảnh 2.

6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tiết kiệm được gần 295 triệu kWh

EVNHCMC

Gia đình nhỏ của chúng tôi vừa có thêm thành viên mới nên mọi người càng phải tiết kiệm. Thành viên chưa biết nói này có nhiều nhu cầu cần thiết, nhưng vợ chồng tôi đang rèn cho cháu thích nghi với cuộc sống giản tiện. 

Nhiều lúc nắng nóng mà thấy thương cho bé phải nằm quạt. Tội cho con khi không được sử dụng điều hòa, máy lạnh. Tuy vậy, nghĩ đi thì cũng nghĩ lại, thế giới này còn biết bao trẻ em phải sống trong nghèo đói, túng thiếu, bị cha mẹ bỏ rơi… Thế nên chúng tôi không được mềm lòng, cần xây dựng thói quen tiết kiệm, miễn sao đảm bảo cho con cuộc sống tương đối đầy đủ về vật chất là vui rồi. Thiếu một chút cũng có sao đâu.

Bạn bè nói tôi quá tiết kiệm, họ nghĩ tôi tiếc tiền nên khuyên tôi xài thoải mái, chẳng tốn bao nhiêu. Tôi chỉ cười. 

Tiết kiệm điện đâu chỉ vì hôm nay - Ảnh 3.

Để tiết kiệm, con tôi chỉ dùng quạt máy mà không cho sử dụng điều hòa tốn điện

TGCC

Tôi nghĩ rằng, hành động tiết kiệm điện của tôi không chỉ cho hiện tại mà nó còn giúp tôi tri ân quá khứ và hướng đến tương lai. Ở đó, mọi sự sẻ chia đều lan tỏa, để mọi người đều được sống trong một thế giới đủ đầy.

Và tiết kiệm điện điện đâu chỉ cho hôm nay...

99 triệu đồng và quà tặng cho Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen":

Cuộc thi viết "Tiết kiệm điện thành thói quen" do Báo Thanh Niên và Tổng Công ty Điện lực TP.HCM tổ chức, là nơi để độc giả chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp.

Cuộc thi viết về các cá nhân và các tổ chức, doanh nghiệp với tổng giá trị giải thưởng là 99 triệu đồng và quà tặng. Bài dự thi gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi "Tiết kiệm điện thành thói quen"). Thời hạn nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023. (Bài viết dự thi đăng báo sẽ được vào vòng trong và không chấm nhuận bút).

Thể lệ chi tiết được đăng tải trên trang thanhnien.vn.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.