Tiếp tục hay dừng lại môn tích hợp?

01/08/2023 14:27 GMT+7

Năm học 2023-2024 sắp bắt đầu và đây cũng là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở cấp THCS. Tuy nhiên, những bất cập về các môn học tích hợp vẫn là những thách thức đối với nhà trường, giáo viên và học sinh.

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội chiều 27.7, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là "một thách thức lớn đang đặt ra". Ông Sơn đồng thời cho rằng môn tích hợp là câu chuyện "quả trứng và con gà''.

Tiếp tục hay dừng lại môn tích hợp? - Ảnh 1.

Một giờ dạy học môn tích hợp khoa học tự nhiên cho học sinh lớp 7 tại TP.HCM

ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo ông Sơn, tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó để giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất.

Ông Sơn đưa ra quan điểm này trong bối cảnh các trường THCS chuẩn bị bước vào giảng dạy lớp 8 (năm thứ 3 thực hiện chương trình mới ở cấp THCS). Điều này cũng cho thấy, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã nhìn ra những khó khăn ở cơ sở. Tuy nhiên, dừng lại hay tiếp tục trong lúc này đối với các môn học tích hợp ở cấp THCS là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn ngành.

Chương trình, sách giáo khoa, nội dung kiến thức dạy cho học sinh phổ thông càng đơn giản càng hiệu quả, càng phức tạp càng tạo áp lực cho học sinh và ngay cả giáo viên giảng dạy. Vì thế, Bộ GD-ĐT hãy nhanh chóng hành động, chọn cái nào có lợi nhất cho học sinh.

Khó khăn chồng chất vì các môn tích hợp

Lâu nay, dư luận chú ý nhiều đến hai môn tích hợp gồm: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý. Hai môn này thực chất là được gộp từ 5 môn học độc lập trong chương trình 2006: lịch sử, địa lý, hóa học, sinh học, vật lý. Trên thực tế, cấp THCS còn có một số môn cũng mang tính tích hợp.

Đó chính là môn nội dung giáo dục địa phương bao gồm 6 phân môn: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, âm nhạc, mỹ thuật. Môn học này chỉ có 35 tiết học/năm học nhưng có 6 phân môn, chia làm 2 học kỳ. Hiện nay, nhiều trường học đang giao nội dung giáo dục địa phương cho ít nhất 3 tổ chuyên môn cùng giảng dạy (tổ ngữ văn, tổ sử-địa-giáo dục công dân, tổ nghệ thuật).

Tiếp tục hay dừng lại môn tích hợp? - Ảnh 1.

Các nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai giáo viên dạy môn tích hợp

ĐÀO NGỌC THẠCH

Môn nghệ thuật gồm 2 phân môn: âm nhạc và mỹ thuật. Hai phân môn này được viết thành 2 cuốn sách giáo khoa riêng, bố trí giáo viên dạy riêng biệt nhưng khi kiểm tra, nhập điểm, vào học bạ lại chung thành môn nghệ thuật. Môn này khiến cho việc giảng dạy, kiểm tra, vào điểm, nhận xét trở nên rối rắm, chắp vá, không theo bất kỳ một trình tự khoa học nào.

Vì thế, nếu tiếp tục đổi mới thì cách thức thực hiện sẽ ra sao để hiệu quả? Một môn học mà 2-3 giáo viên dạy, thậm chí môn nội dung giáo dục địa phương đang có tới 6 giáo viên giảng dạy/35 tiết/năm học thì không thể mang lại hiệu quả.

"Lối cũ ta về" hay "kiên trì đổi mới"?

Nếu tiếp tục dạy các môn học tích hợp thì đến bao giờ các địa phương bồi dưỡng xong giáo viên theo Quyết định số 2454 và Quyết định 2455 của Bộ GD-ĐT để giảng dạy 2 môn học: khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý ở cấp THCS?

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, mỗi môn tích hợp phải do một giáo viên giảng dạy nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược vì không có nhân sự "tích hợp". Dù giáo viên dạy đơn môn (lịch sử, địa lý, hóa học, sinh học, vật lý) được bồi dưỡng để đảm nhiệm dạy tích hợp nhưng nhiều người thừa nhận không thể đảm bảo hiệu quả. Khi mà một môn học có nhiều giáo viên cùng giảng dạy, việc làm đề kiểm tra định kỳ, nhập điểm, nhận xét học sinh cũng khiến cho giáo viên mệt mỏi đợi chờ, phân chia với nhau.

Tiếp tục hay dừng lại môn tích hợp? - Ảnh 2.

Sách giáo khoa môn tích hợp khoa học tự nhiên, môn lịch sử và địa lý lớp 8

THANH VÂN

Ngay cả nội dung các mạch kiến thức sách giáo khoa vẫn đang được viết riêng lẻ, trong khi Bộ GD-ĐT lại yêu cầu một giáo viên dạy một môn tích hợp. Chẳng hạn, môn khoa học tự nhiên lớp 6 có 11 chủ đề và có 140 tiết học/năm. Trong đó, phân môn hóa học được bố trí 4 chủ đề (chủ đề 2, 3, 4, 5) và phân bổ 24 tiết; phân môn sinh học 3 chủ đề (chủ đề 6, 7, 8) được bố trí 58 tiết; phân môn vật lý có 4 chủ đề (chủ đề 1, 9, 10, 11) được phân bổ 58 tiết.

Tuy nhiên, nếu quay về như cũ thành các đơn môn thì Bộ GD-ĐT sẽ xử lý như thế nào đối sinh viên đang theo học chuyên ngành sư phạm tích hợp? Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện tại, dù "quay về như cũ thành các đơn môn; hoặc vẫn kiên trì đổi mới" thì các môn học tích hợp ở cấp THCS vẫn gây ra những xáo trộn và lãng phí rất lớn.

Nếu tiếp tục duy trì các môn tích hợp, Bộ GD-ĐT phải đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn và nhanh chóng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy các môn học tích hợp một cách khoa học, hiệu quả và có sự động viên, sẻ chia với đội ngũ nhà giáo.

Còn quay về như cũ thành các đơn môn cũng là điều bình thường vì các môn học tích hợp chưa mang lại một hiệu quả rõ ràng mà chỉ đem đến nhiều phiền toái, rắc rối cho các nhà trường, giáo viên khi mỗi tuần phải xếp thời khóa biểu 1 lần. 

Chương trình, sách giáo khoa, nội dung kiến thức dạy cho học sinh phổ thông càng đơn giản càng hiệu quả, càng phức tạp càng tạo áp lực cho học sinh và ngay cả giáo viên giảng dạy. Vì thế, Bộ GD-ĐT hãy nhanh chóng hành động, chọn cái nào có lợi nhất cho học sinh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.