Tiếng rao hàng

09/11/2014 04:20 GMT+7

Ba trái bí đao, bí đỏ, mướp năm ngàn. Năm ngàn ba trái bí đao bí đỏ mướp mua đây. Buổi trưa ở Bình Dương, nằm nghe tiếng rao hàng.

Tiếng rao chạy luồn quanh các hẻm phố nghèo, dưới bầu trời tím bầm mây của những cơn mưa cuối mùa. Người bạn tôi chép miệng: Bình thường, bí đỏ 12.000 đồng/kg, các loại khác 10.000 đồng. Đầu ra mà như thế, năm nay nông dân chỉ có nước… chết thôi!

Hầu như ai cũng biết, cầm trên tay một loại nông sản cũng là “sờ” thấy được mồ hôi và bao nỗi nhọc nhằn của nông dân. Ở Bình Thuận, mùa chính thanh long từ tháng 5 đến tháng 9, không cần giăng thêm điện. Sau thời điểm đó, cây không được nghỉ, lại phải vắt kiệt chính mình để cho thêm mùa phụ, đặng mà có trái xuất đi nước ngoài (phần lớn là sang Trung Quốc). Nông dân phải giăng điện trong khoảng 21 ngày, thanh long mới “mở mắt” (khi cây kết nhụy, để lớn thành bông to, rồi bông rụng, mới ra cái cùi, đó là trái thanh long nhỏ, rồi 40 ngày sau thì thu hoạch). Mà nào có dễ ăn. Phải bón phân, một xe phân bò giá khoảng 10 - 12 triệu đồng. Rơm, cái loại tưởng như vứt đi ấy, giá leo đến 3,5 triệu đồng/xe bò… Và biết bao công chăm bón, nâng giấc cho cây.

Bạn tôi kể: Thay vì hỏi thăm sức khỏe khi gặp nhau thì người trồng thanh long ở Bình Thuận nói: Năm nay nhà ông (bà) được mấy trăm (hoặc mấy ngàn) trụ thanh long? Nghĩa là, cây thanh long không chỉ là… cây, mà còn là nước mắt, mồ hôi, là chính đời sống, niềm hy vọng… của họ.

Ba trái năm ngàn, giá rao của người bán dạo, bán lẻ. Còn ở ngay nhà vườn, thì giá thương lái õng ẹo “bĩu môi” với người nông dân chỉ… 500 đồng/kg. Mà phải năn nỉ, may ra mới được giá đó. Phải mất gần chục trái mới đủ tiền một lần gửi xe ở thành phố. Nếu không bán được, thì chỉ đem đổ cho trâu bò ăn. Vài vụ như thế, nông dân không chỉ trắng tay mà còn chồng chất nợ nần.

Buổi trưa, nằm nghe tiếng rao hàng, không hiểu sao, văng vẳng mấy câu thơ của nhà thơ Trần Hồ Thúy Hằng, chị viết về cây thanh long không được phép ngủ: Đêm chưa bao giờ đêm/mặt trời chưa hề lặn…/thất thường trong gió trưa mùi rơm ủ gốc /đất ủ giấc mơ… Những người nông dân cần cù chịu đựng của chúng ta liệu có sống được với giấc mơ?

Buổi trưa, tiếng rao hàng như nghẹn lại… 

Nguyễn Đông Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.