Sáng tạo trẻ - Nhà thông minh

31/10/2012 03:05 GMT+7

Sản phẩm với chip điều khiển TI đã đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế ứng dụng với vi điều khiển Texas instruments “TI Contest 2012” khu vực phía nam.

Tác giả của mô hình này là nhóm Chipfc, gồm: Phạm Hữu Nhân, Phạm Văn Vinh, Lâm Xuân Hưng, đang là SV năm cuối Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.

Theo Hữu Nhân, lĩnh vực “nhà thông minh” không phải là một khái niệm mới mẻ, nhất là ở các nước có nền kỹ thuật phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các công ty làm việc trong lĩnh vực này không có nhiều và chưa thực sự có một sản phẩm hoàn chỉnh. Ngoài ra, khi chất lượng cuộc sống của chúng ta ngày một nâng cao, đòi hỏi các thiết bị xung quanh phải "thông minh" hơn. Đặc biệt là trong ngôi nhà mà chúng ta đang sinh sống.

Do đó nhóm nghĩ đến việc thực hiện hệ thống điều khiển chuyên dụng giúp đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu về nhà ở của người sử dụng, đáp ứng được các điều kiện môi trường và sở thích của người dùng, có khả năng hoạt động linh hoạt, thậm chí là tự động bảo vệ khi có xâm nhập, báo động đến chủ nhân của ngôi nhà.

 Sáng tạo trẻ - Nhà thông minh
Từ trái sang: Hữu Nhân, Văn Vinh, Xuân Hưng - Ảnh: N.T.N

Nhóm hoàn thiện một mô hình nhà với kích thước 75 x 60 cm, bao gồm một phòng khách, một gara và nhà vệ sinh, có 2 cửa ra vào. Các thiết bị điện mô phỏng các đồ điện gia dụng như đèn, quạt, motor cửa được bố trí ở các phòng một cách khá bắt mắt.

Văn Vinh lý giải, gọi là “nhà thông minh” bởi có hệ thống điều khiển gồm Master và các Slave, có nhiệm vụ điều khiển các thiết bị trong nhà một cách thông minh nhất.

 

Nhà thông minh cùng với hai sản phẩm Phòng lab mini (Mini lab - giải nhì) và Nhận dạng giọng nói (The effective voice - giải ba) sẽ đại diện khu vực phía nam tham gia tranh tài với sáu đội khác đến từ miền Bắc và miền Trung tại chung kết cuộc thi TI Contest 2012 toàn quốc, diễn ra tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngày 1.11.

Theo đó, các thiết bị Slave làm nhiệm vụ điều khiển các thiết bị điện gia dụng trong phòng, thu thập những thông tin về môi trường, điều kiện phòng… để chuyển về Master. Master vừa thực hiện việc điều khiển và lấy dữ liệu từ Slave, vừa đảm nhiệm việc giao tiếp với người sử dụng (là chủ nhà - NV) thông qua các kết nối trực tiếp tới điện thoại của họ, bao gồm bluetooth - khi người sử dụng đang ở trong nhà và GSM - khi người sử dụng ở ngoài.

Người sử dụng có thể dùng một điện thoại di động Android với chức năng bluetooth đã được bật, kết nối với mạch Master. Một chương trình trên Android với giao diện mô hình nhà ảo được kích hoạt, thông qua các phím nhấn trên điện thoại, người sử dụng điều khiển các thiết bị trong mô hình nhà thật như đóng mở cửa, bật tắt đèn, quạt… Hệ thống giám sát cửa chính cho phép mở cửa thông qua điện thoại, bật báo động bằng SMS khi phát hiện cửa được mở trái phép bằng cách khác.

Ngoài ra, “nhà thông minh” còn có khả năng cảm nhận những sự thay đổi của môi trường, từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp đối với các thiết bị điện trong nhà, hệ thống sẽ bật đèn lên khi thiếu sáng, sẽ bật quạt to hơn khi nhiệt độ cao...

Hữu Nhân cho biết, trong thời gian tới, nhóm sẽ phát triển thêm các chức năng khác cho mô hình như chức năng điều khiển qua lịch hẹn, qua đó có thể hẹn giờ tắt/mở các thiết bị điện; thêm cảm biến các loại để hệ thống thích nghi tốt hơn với sự thay đổi của môi trường; lắp đặt hệ thống xác nhận người dùng để tăng khả năng bảo mật của ngôi nhà; cài đặt các ứng dụng nâng cao để qua đó có thể điều khiển các thiết bị giúp hệ thống nhà thông minh hơn nữa như có thể dựa trên thời gian (ban ngày, ban đêm, thứ trong tuần) hoặc theo các dịp lễ, ngày cụ thể, sự kiện nào đó mà người sử dụng quy định…

Nguyễn Thanh Nam

>> Sáng tạo trẻ - Robot quảng cáo
>> Sáng tạo trẻ: Robot kiến
>> Sáng tạo trẻ - Thiết bị bay không người lái
>> “Cải tiến chuông báo xe buýt” giành giải Ý tưởng sáng tạo trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.