Tiền chảy mạnh vào chứng khoán

Mai Phương
Mai Phương
21/08/2023 06:34 GMT+7

Hàng tỉ USD giao dịch trong một phiên, giá trị nhiều cổ phiếu tăng vọt, một số doanh nghiệp phát hành tăng vốn thành công..., chứng khoán đang trở thành kênh hút dòng tiền trên thị trường.

Mỗi ngày có tỉ USD giao dịch

"Mình mới mua thêm cổ phiếu", "Tài khoản đã full cổ", "Chờ nhịp chỉnh hoài mà chưa được, sốt cả ruột", "Mã nào sẽ hưởng lợi khi lãi suất (LS) tiếp tục giảm?"… là những lời trao đổi nhộn nhịp trên một số diễn đàn chứng khoán gần đây. Chị Thanh An (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ sau hơn 1 năm "gồng mình" vì thua lỗ khi cổ phiếu rớt mạnh trong năm trước thì mới đây tài khoản của chị đã "về bờ" (hết lỗ). 

Tiền chảy mạnh vào chứng khoán  - Ảnh 1.

Dòng tiền quay lại chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

NGỌC THẮNG

Điều này khiến chị phấn khởi hơn và bắt đầu tham gia mua bán trở lại sau nhiều tháng hầu như "đóng" tài khoản. Thậm chí, theo chị Ngọc Anh (Q.3, TP.HCM), sau nhiều tháng chần chừ thì cuối tháng 7, chị đã bỏ thêm 200 triệu đồng vào tài khoản chứng khoán để giao dịch trở lại sau khi đã bán cắt lỗ và rút hết tiền ra từ cuối năm 2022. "Từ tháng 6, mình đã thấy nhiều cổ phiếu tăng rồi nhưng cứ lo sẽ giảm trở lại. Chờ mãi không thấy giảm nên thôi cứ chuyển tiền vô luôn và mua một ít cổ phiếu. Vô muộn nên cũng chưa lãi bao nhiêu nhưng mình nghĩ từ giờ đến cuối năm thị trường cũng không quá xấu đi nên vẫn đang theo dõi", chị Ngọc Anh cho hay.

Tâm lý của nhiều nhà đầu tư (NĐT) tích cực hơn khiến dòng tiền tham gia chứng khoán bắt đầu cao hơn. Nếu như giá trị giao dịch trong năm 2022 sụt giảm và kéo dài đến quý 1/2023 thì kể từ quý 2/2023, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu sôi động mạnh. Chẳng hạn trong tháng 6, giá trị giao dịch bình quân đạt gần 19.000 tỉ đồng/phiên, tăng 64,8% so với bình quân của tháng 1, đưa giá trị giao dịch bình quân quý 2/2023 tăng khoảng 37% so với quý 1. Bước sang tháng 7, thanh khoản TTCK vẫn tiếp tục tăng, trong đó các phiên giao dịch có giá trị tỉ USD diễn ra liên tục. Sang tháng 8, đã xuất hiện những phiên giao dịch với thanh khoản lên đến 1,2 tỉ USD. Đặc biệt phiên ngày 18.8 vừa qua, sàn TP.HCM chứng kiến khối lượng giao dịch lập kỷ lục hơn 1,7 tỉ cổ phiếu với giá trị gần 1,5 tỉ USD. Tính chung cả TTCK phiên cuối tuần qua đã có 1,75 tỉ USD được giao dịch.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, nhận định thanh khoản TTCK đã tăng cao trở lại với mức 1 tỉ USD/phiên trở lên và vẫn có xu hướng đi lên do có khá nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là LS tiết kiệm trong ngân hàng (NH) giảm sâu. Khoản tiền gửi với lãi cao từ quý 3/2022 đến nay cũng đã và sắp đáo hạn khá nhiều nên nhiều người muốn tìm kiếm kênh đầu tư khác với mức sinh lời hấp dẫn hơn. Trong thời điểm hiện tại, bất động sản (BĐS) vẫn còn trầm lắng, vàng không còn hấp dẫn thì chỉ có kênh chứng khoán là "sáng" nhất. Vì vậy, dòng tiền đã và đang đổ vào thị trường này là dễ hiểu. Song song đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), kích thích kinh tế phục hồi như giảm thuế, phí hay hàng loạt chỉ đạo của Chính phủ để kéo nhanh giảm LS cho vay, tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS cũng như đầu tư công được thúc đẩy… đã khiến NĐT có tâm lý tích cực hơn. Tình hình của nhiều DN sau quý 1/2023 thua lỗ thì quý 2/2023 cũng đã giảm lỗ hay có lãi trở lại.

Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), cũng cho rằng dù vẫn chưa hồi phục về mức cao như trước đây nhưng kinh tế vĩ mô đã có một số cải thiện hơn so với quý đầu năm. Cụ thể, lạm phát trong nước vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Lạm phát nhiều nước trên thế giới cũng được khống chế và xu hướng chung là hạ dần. LS ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, ít có khả năng tiếp tục tăng và tại VN, LS NH giảm mạnh từ đầu vào và đầu ra cũng đã giảm. "Theo thông thường, lúc nào cũng vậy, khi LS giảm thì dòng tiền sẽ bắt đầu chảy vào TTCK và những kênh đầu tư khác như BĐS. Nhưng hiện BĐS vẫn có giá cao, giao dịch còn thấp nên chứng khoán là kênh dễ được chọn lựa đối với nhiều người nhất", ông Nguyễn Hoàng Hải nói.

Mở ra cơ hội huy động vốn mới cho DN

Khi giao dịch trên sàn chứng khoán tăng cao, nhiều DN niêm yết cũng đã khởi động trở lại kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu mới để huy động vốn, trái ngược với tình hình im lặng của năm trước đó.

Ông Nguyễn Hoàng Hải đánh giá dòng tiền tham gia mạnh vào chứng khoán tích cực sẽ hỗ trợ ngược lại cho DN. Chẳng hạn, dù các DN BĐS vẫn chưa hết khó khăn, còn thua lỗ trong 6 tháng đầu năm nay nhưng khi dòng tiền đổ vào sàn chứng khoán, giá cổ phiếu các công ty này cũng tăng trở lại. Từ đó, nhiều lãnh đạo DN bán được cổ phiếu có giá cao để có thêm vốn duy trì hoạt động thay vì không bán được hoặc với giá quá thấp như đầu năm. Tương tự, giá trị cổ phiếu tăng cao sẽ giúp nhiều lãnh đạo DN đã cầm cố cổ phiếu để vay vốn cũng không phải lo lắng nhiều khi giá trị tài sản xuống thấp. Chính vì vậy, giao dịch trên sàn chứng khoán sôi động là cơ hội để DN huy động vốn mới, giảm một phần lệ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng. 

Theo nhận định của ông Phan Dũng Khánh, TTCK vẫn tích cực trong xu hướng trung và dài hạn. Mức thấp nhất của VN-Index là 912 điểm vào giữa tháng 11.2022 có thể được xem là đáy trung hạn bởi xác suất để thị trường giảm trở lại mức này là khá thấp. Thời gian qua có nhiều NĐT chờ thị trường điều chỉnh để bắt đầu mua vào nhưng hầu như các cổ phiếu chỉ giảm nhẹ hoặc đi ngang. Sau phiên rớt sâu trong cuối tuần qua, tâm lý nhiều NĐT cũng lo lắng không biết liệu thị trường sẽ như thế nào và nhịp điều chỉnh thường cũng sẽ kéo dài nhiều phiên. Nhưng đó cũng có thể là cơ hội xem xét để dòng tiền mới lựa chọn được các cổ phiếu mong muốn.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường (Công ty Quản lý quỹ VinaCapital), cho rằng LS giảm đã góp phần thúc đẩy VN-Index tăng 20% so với đầu năm (tính đến ngày 8.8). Nhiều NĐT đã rút tiền từ NH để đầu tư vào TTCK khi các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đến thời điểm đáo hạn và vì thị trường đã bị bán tháo vào năm ngoái. Đáng chú ý, sự phục hồi của VN-Index đến từ nhóm cổ phiếu NH và BĐS có mức tăng gần 30% do hai ngành này chiếm tỷ trọng lớn trong chỉ số VN-Index (NH chiếm 35% và BĐS chiếm 18%). LS thấp cũng đã cải thiện tâm lý của NĐT đối với thị trường BĐS khi các hoạt động giao dịch đang có dấu hiệu bắt đầu phục hồi trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.