Biển và cảm hứng sống

'Thuyền và biển': Chắt lọc làm nên sự bất tử

25/04/2024 13:00 GMT+7

Còn khá nhiều bài hát biển mà tôi không có dịp để kể hết. Kết thúc series này, tôi nghĩ không có bài hát nào hợp lý hơn 'Thuyền và biển'.

Ai cũng biết bài hát Thuyền và biển được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của thi sĩ Xuân Quỳnh; ai cũng biết nội dung của bài hát và mức độ nổi tiếng của nó. Bài viết này chỉ muốn đề cập sâu hơn một chút về mặt chuyên môn âm nhạc, để thấy vì sao bài hát nổi tiếng.

'Thuyền và biển': Chắt lọc làm nên sự bất tử- Ảnh 1.

"Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào..."

Ảnh: V.T.T

Vì sao thế? Vì nếu người phổ nhạc “tham” mà phổ nguyên cả bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh thì Thuyền và biển có thể sẽ không nổi tiếng như bây giờ. Chính sự chắt lọc thật tài tình của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi chỉ chọn 12 dòng cuối của bài thơ để phổ nhạc đã làm nên một Thuyền và biển bất tử!

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố”

Thật là sự lựa chọn tối ưu phải không? Khi linh hồn của bài thơ dường như nằm ở 12 dòng cuối, điều gì sẽ xảy ra?

Cấu trúc âm nhạc sẽ gãy gọn hơn. Nhìn vào có thể nhận thấy mỗi khổ thơ tương ứng với một đoạn nhạc. Nội dung sẽ cô đọng hơn. Từ đó, giai điệu mặc sức thong dong và kéo giãn ra hết mức có thể, để những tính toán chi tiết nhất về các dấu luyến láy, tiến hành giai điệu sao cho ngôn từ rõ ràng nhất về mặt ngữ điệu, phát âm những quãng đắt giá rất đặc trưng miền Trung, cảm xúc đẩy tới cao độ hoàn hảo nhất. Và khi bài hát vang lên, người nghe không thể bỏ sót bất cứ một từ nào của những khổ thơ trác tuyệt về tình yêu này. Mà lại như đang nghe một ngữ điệu “có vẻ” là từ khúc Quảng Bình, Hà Tĩnh đổ đến Huế. “Biển - mênh - mông”: la - rê - mi - fa - sol. Những quãng này xuất hiện vài lần cho ta cái cảm giác “giọng miền Trung” là vậy. Cái dấu nặng giọng miền Trung chính là ngay nốt la quãng tám trung.

Có lẽ cụ Phan Huỳnh Điểu đã đọc đi đọc lại rồi nghiền ngẫm bài thơ của Xuân Quỳnh không biết bao nhiêu lần. Chính cái “trực giác âm nhạc” bên trong đã dẫn dắt cụ chăng?, để khi chọn 12 dòng thơ cuối ấy, thơ ca giao hòa với âm nhạc không thể chia cắt được, mà nó như một hơi thở, một ý nghĩ, một nỗi niềm khởi lên rồi cứ thế đi đến hết bài (giống trường hợp Biển cạn). Nó trọn vẹn một cách hoàn hảo. Nếu như chọn phổ nhạc hết cả bài thơ, sẽ khó có thể có được một giai điệu chắt chiu đến thế, một bức tranh cô đọng đến thế, một thông điệp tình yêu tinh luyện đến thế. Và người nghe có thể sẽ chán ngán, khó cảm thụ và nhớ bài hát.

Chính vì sự thong dong và kéo giãn ra hết mức có thể, để những tính toán chi tiết nhất về các dấu luyến láy như vậy, giai điệu của bài hát có tính khí nhạc cao. Điều này là một thách thức lớn cho người hát. Giọng hát không được phép bỏ sót một luyến láy nào, như cây đàn cello đang chơi một khúc andante nhịp tự do với nhiều cung bậc trầm bổng chính xác đến từng nốt.

Với những đòi hỏi về tính chuyên môn như thế, không thể phủ nhận cố ca sĩ Quang Lý là người hát thành công nhất. Ở anh, cảm xúc, kỹ thuật cùng sự trải nghiệm rất đàn ông hòa quyện thật thắm thiết, dịu dàng nhưng cũng đầy khắc khoải và khát khao, giúp cho Thuyền và biển chinh phục rất nhiều thế hệ, đến nỗi cảm giác như bài hát là viết cho riêng anh vậy. Tôi có nghe câu chuyện xúc động rằng bài hát Thuyền và biển đã vang lên xuyên suốt trong tang lễ của anh và theo anh đến nơi yên nghỉ cuối cùng.

Nhưng nếu chỉ giọng hát không thôi thì bức tranh mênh mông của tình yêu mà bài hát mang lại sẽ chưa thể trọn vẹn. Thuyền và biển cũng cần một bản phối như là một soundtrack, mà ở đó sự dạt dào mênh mông của dàn dây, sự thăng trầm lên xuống của dàn nhạc, khi bão táp, lúc bình yên, sẽ vẽ nên bức tranh biển cả lớn lao đầy kịch tính hơn mà bài hát đáng ra phải được đặt vào, như cái khung treo xứng tầm, mà phía sau là bức tường trang nhã. Một thách thức đang đợi các nhà hòa âm phối khí trẻ là đây!

Câu hỏi cuối cùng là liệu thơ ca và âm nhạc ngày hôm nay có thể làm nên sự giao hòa kỳ diệu như thế nữa không?

Câu hỏi cuối cùng là liệu thơ ca và âm nhạc ngày hôm nay có thể làm nên sự giao hòa kỳ diệu như thế nữa không?

Ảnh: V.T.T

Câu hỏi đặt ra là nếu cụ Phan Huỳnh Điểu không phổ nhạc thì Thuyền và biển có nổi tiếng như bây giờ? Tôi nghĩ bài thơ của Xuân Quỳnh tự thân nó đã là một tuyệt tác rồi. Nhưng tôi tin rằng chính sự chắt lọc và tỉ mỉ của cụ Phan Huỳnh Điểu giúp cho Thuyền và biển bay xa hơn và trở nên bất tử. Chắt lọc chọn ra 12 dòng thơ cuối thay vì phổ nhạc nguyên cả bài. Chắt chiu tỉ mỉ trong từng dấu luyến, từng cái quãng miền Trung để người nghe có thể “nuốt” trọn từng chữ, từng dòng, từng khổ thơ rút ruột từ thi sĩ Xuân Quỳnh, như từng giọt mật ngọt của tình yêu.

Câu hỏi cuối cùng là liệu thơ ca và âm nhạc ngày hôm nay có thể làm nên sự giao hòa kỳ diệu như thế nữa không? Tôi không biết nữa. Nhưng hãy tin tâm hồn con người sẽ không bao giờ khô héo, cho dù những ngày nắng làm xơ xác niềm tin. Hãy cố chắt chiu một buổi chiều tháng tư, ta ngồi nghe sóng biển ru êm, phía xa hoàng hôn đỏ rực. Chợt có bài hát vang lên khiến con tim ta vẫn còn bao niềm thổn thức:

“Chỉ có thuyền mới hiểu

Biển mênh mông nhường nào

Chỉ có biển mới biết

Thuyền đi đâu, về đâu

Những ngày không gặp nhau

Biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

Lòng thuyền đau - rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

Biển chỉ còn sóng gió

Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố”

Tôi phát hiện ra một bí mật: chắt lọc và tỉ mỉ làm nên sự bất tử!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.