TNO

Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu

25/06/2015 16:33 GMT+7

(Tin Nóng) Trong 14 năm qua, lính bắn tỉa của Thủy quân lục chiến Mỹ thường chịu nhiều tổn thất trong chiến đấu, mà theo họ, nguyên nhân là do sử dụng vũ khí lạc hậu, theo Washington Post .

(Tin Nóng) Trong 14 năm qua, lính bắn tỉa của Thủy quân lục chiến Mỹ thường chịu nhiều tổn thất trong chiến đấu, mà theo họ, nguyên nhân là do sử dụng vũ khí lạc hậu, theo Washington Post.

Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 1
Một sĩ quan hướng dẫn lính bắn tỉa TQLC Mỹ sử dụng khẩu M40A5, loa6i bị kêu ca là lạc hậu - Ảnh: Quân đội Mỹ

Mùa hè năm 2011 tại tỉnh Helmand, Afghanistan, Trung sĩ Ben McCullar thuộc Tiểu đoàn 3 Thủy quân lục chiến Mỹ cùng đội bắn tỉa 8 người, được giao nhiệm vụ thâm nhập khu vực cồn cát phía bắc thị trấn Musa Qala nóng bỏng.

Theo McCullar, đôi khi họ nổ súng vào đối phương, nhưng có lúc kẻ địch tấn công họ trước bằng súng máy có tầm bắn xa hơn loại súng bắn tỉa của họ, đến mức không thể ngóc đầu lên được: “Họ thường đặt chế độ bắn xa nhất và xả đạn về phía chúng tôi. Chúng tôi nằm chịu trận, cho tới khi buộc phải gọi pháo binh hoặc máy bay gần đó yểm trợ”.

Câu chuyện của McCullar cùng đồng đội của anh không phải là cá biệt. Trong 14 năm qua, lính bắn tỉa của Thủy quân lục chiến Mỹ thường chịu nhiều tổn thất trong chiến đấu, mà theo họ, nguyên nhân là do sử dụng vũ khí lạc hậu và sự bất lực của lực lượng khi không thể cung cấp loại súng có thể phát huy hiệu quả lúc cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề của cộng đồng bắn tỉa Thủy quân lục chiến xem ra chẳng được mấy quan tâm, do xuất phát từ các thành viên cấp dưới cùng với việc luân chuyển nhanh thời gian phục vụ. Thêm vào đó, các tay súng bắn tỉa cho rằng quy trình mua sắm vũ khí của Thủy quân lục chiến Mỹ “là một phần trong bộ máy quan liêu cố hữu”.

Lính bắn tỉa Thủy quân lục chiến Mỹ thua trong cuộc đấu súng

Lính bắn tỉa Thủy quân lục chiến Mỹ phải chịu thất bại cả trong huấn luyện và chiến đấu do không được trang bị loại súng trường có thể phát huy hiệu quả.

Thủy quân lục chiến Mỹ vốn nổi tiếng trong việc sử dụng “đồ chơi” cũ so với các binh chủng khác. Trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, trong khi Lục quân đã lái những chiếc tăng M1A1 Abrams “mới keng” ra chiến trường, Thủy quân Mỹ vẫn xung trận vào Kuwait với những chiếc tăng Patton cổ lỗ thời chiến tranh Việt Nam những năm 1960. Khi đến Iraq năm 2003, các tay súng bắn tỉa Thủy quân Mỹ lại vác theo súng bắn tỉa M40A1, với nhiều khẩu đã “khởi nghiệp” từ ngay sau chiến tranh Việt Nam. Hiện nay, súng bắn tỉa chính của Thủy quân lục chiến là loại M40 cải tiến, vẫn khoảng cùng một tầm bắn: 914 m.

Các lính bắn tỉa Thủy quân lục chiến hiện nay và trước kia đều nói rằng vũ khí họ sử dụng không có cùng tính năng như vũ khí các binh chủng khác, chưa nói tới loại súng trong tay kẻ thù như Taliban và Nhà nước Hồi giáo (IS). Một trinh sát bắn tỉa giấu tên, nói: “Chẳng cần biết được huấn luyện tốt tới đâu, nhưng nếu chúng tôi bị hạ trước khi có thể nổ súng vào quân địch từ cự ly 914 m, thì việc đào tạo phỏng có ích gì?”.

McCullar, người vừa rời khỏi nhiệm vụ huấn luyện viên tại trường bắn tỉa chính của Thủy quân lục chiến Mỹ tại Quantico, bang Virginia, có cùng quan điểm: “Với cự ly giao chiến trung bình khoảng 730 m, rất nhiều vũ khí của chúng tôi trở nên vô dụng”. Nhiệm vụ gần đây nhất của McCullar tại Afghanistan vào năm 2011, đối thủ thường xuyên thay đổi chiến thuật, khiến McCullar và đồng đội của anh rơi vào tình huống cần có loại súng bắn tỉa tốt hơn.

Theo McCullar: “Đôi khi chúng tôi thấy rõ các xạ thủ súng máy Taliban, nhưng không thể giao chiến với họ”. Anh cho biết nếu Thủy quân Mỹ có loại súng khác, chẳng hạn như súng bắn tỉa dùng đạn .300 hoặc .338 Winchester Magnum, khả năng chính xác hẳn đã được cải thiện. Lục quân Mỹ đã dùng súng loại .300 Win Mag làm vũ khí chính từ năm 2011, súng này bắn xa hơn 274 m so với súng M40 của Thủy quan lục chiến vốn sử dụng đạn .308 nhỏ hơn.

Trước những lời kêu ca, Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ tuyên bố “đang đánh giá vài lựa chọn thay thế súng trường bắn tỉa M40. Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn đáp ứng yêu cầu hoạt động của chúng tôi”.

Súng M40 được chế tạo bởi Bộ phận Vũ khí chính xác (PWS) của Thủy quân Mỹ, nơi chuyên sản xuất và sửa chữa các vũ khí chính xác của lực lượng. Chris Sharon, cựu huấn luyện viên bắn tỉa tại Quantico cho rằng Thủy quân lục chiến Mỹ ngại phải cắt bỏ chương trình M40 vì có thể khiến bộ phận này trở nên dư thừa: “Chẳng ai muốn ‘xóa sổ’ PWS”, vì nếu dẹp bỏ sẽ làm giảm đáng kể một bộ phận của Thủy quân lục chiến".

Sharon cho biết các giải pháp cho vấn đề của Thủy quân lục chiến Mỹ nằm trong một hệ thống gọi là ‘Súng bắn tỉa có độ chính xác cao’(PSR) của một hãng chế tạo vũ khí tư nhân. Sharon nói: “Nó không đắt tiền. Bạn có thể mua và duy trì hai PSR cho một khẩu M40. Tất cả các đồng minh NATO đều dùng đạn .338, chúng tôi là người duy nhất còn sử dụng loại .308”.

Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 2
Súng trường bắn tỉa SVD của Nga: tầm bắn 800 m
Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 3
Súng trường bắn tỉa M40A5 của Thủy quân lục chiến Mỹ: tầm bắn  914 m
Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 4
Súng trường bắn tỉa M2010 của Lục quân Mỹ: tầm bắn 1.189 m
Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 5
Súng trường bắn tỉa của Lực lượng đặc nhiệm Mỹ (SOCOM): tầm bắn 1.463 m
Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 6
Súng trường bắn tỉa L115A3 của Anh: tầm bắn 1.463 m
Thủy quân lục chiến Mỹ xài súng bắn tỉa lạc hậu - ảnh 7
Súng  trường bắn tỉa M99 của Trung Quốc: tầm bắn  1.463 m+

Trung sĩ JD.Montefusco, một cựu huấn luyện viên nhóm đào tạo Lực lượng đặc nhiệm, kể lại một khóa học bắn tỉa trên núi mà anh đã tham gia cùng một số lính Thủy quân Hoàng gia Anh trên địa hình gồ ghề vùng Bridgeport, bang California. Montefusco cho biết các tay súng bắn tỉa Mỹ có kỹ thuật thành thạo hơn lính Anh, nhưng do thời tiết và súng của Anh dùng đạn lớn hơn, nên Thủy quân Mỹ phải trả giá. Montefusco thêm: "Lẽ ra đạn súng trường .338 nên được sử dụng từ khi chúng tôi chiến đấu ở Afghanistan”.

Thủy quân lục chiến gần đây đã quyết định nâng cấp súng M40A5 lên M40A6, một biến thể mới nhưng vẫn cùng một tầm bắn. “Phải hỏi xem ai đang điều hành các chương trình nâng cấp đó?”, Sharon nói. McCullar, Sharon và các tay súng bắn tỉa khác đều bày tỏ quan ngại của mình về cuộc xung đột tiếp theo và lính bắn tỉa Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đối phó ra sao với kẻ thù trên chiến trường.

Một huấn luyện viên lính bắn tỉa, đề nghị giấu tên, nói với tờ Washington Post: “Chúng tôi đào tạo ra những người lính bắn tỉa giỏi nhất thế giới, những sĩ quan giỏi nhất trong quân đội. Là những thợ săn đáng sợ nhất trên mọi địa hình, nhưng lần ra trận tới, Thủy quân Mỹ sẽ nhận được bài học cay đắng về điều sắp xảy ra, khi họ mang dao tới một cuộc đọ súng”.

P.Nguyễn Dũng
(tổng hợp)

>> Lính Anh nã 10.000 viên đạn mỗi ngày tại Afghanistan
>> Người Anh giành danh hiệu lính bắn tỉa đáng sợ nhất thế giới
>> 'Xạ thủ người Mỹ' được đề cử phim xuất sắc nhất Oscar 2015
>> Cận cảnh viên đạn thông minh tự chuyển hướng bay
>> Quân đội Philippines trang bị tiểu liên M4
>> Đạn bắn tỉa có điều khiển đầu tiên trên thế giới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.