Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, chuẩn bị kỳ họp bất thường

Lê Hiệp
Lê Hiệp
07/01/2024 14:55 GMT+7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền đồng thời chuẩn bị cho kỳ họp bất thường tại phiên họp khai mạc sáng mai 8.1.

Theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, dự kiến sáng mai 8.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp 29, để cho ý kiến công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự, chuẩn bị kỳ họp bất thường- Ảnh 1.

Phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 12.2023

GIA HÂN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự, phát biểu khai mạc và cùng các phó chủ tịch Quốc hội thay phiên điều hành nội dung phiên họp.

Theo quy định tại luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bao gồm: đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, phó chủ tịch Quốc hội, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, tổng Kiểm toán Nhà nước, tổng thư ký Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách thành viên và việc cho thôi làm thành viên ủy ban, quyết định số lượng, phê chuẩn danh sách và việc cho thôi làm phó chủ nhiệm, ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại ủy ban của Quốc hội theo đề nghị của chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội…

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có trách nhiệm phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; phê chuẩn kết quả bầu và việc cho thôi làm trưởng đoàn, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.

Cùng đó, phê chuẩn kết quả bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Cho ý kiến luật Đất đai sửa đổi, chuẩn bị kỳ họp bất thường

Ngoài nội dung trên, tại phiên họp lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Đất đai sửa đổi; luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Đây là 2 dự án luật được để lại từ kỳ họp 6 cuối năm 2023, dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường khai mạc từ 15.1 tới đây.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét việc giải thích quy định tại khoản 1 điều 6 luật Đầu tư công liên quan tới việc sử dụng ngân sách chi thường xuyên để chi cho các khoản có tính chất đầu tư, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất. Đây là vấn đề được cho là gây vướng cho nhiều địa phương và nhận nhiều ý kiến tranh luận tại kỳ họp 6 cuối năm qua.

Tại phiên họp kéo dài trong 2 ngày (8 - 9.1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Cùng đó là việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách T.Ư năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.