Thuê trọ xa để tiết kiệm tiền, đau lòng khi xăng tăng

27/05/2023 10:26 GMT+7

Nhiều người trẻ đã chọn việc thuê trọ xa trung tâm để tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, việc này liệu có khả quan khi giá xăng tăng, vật giá leo thang, chưa kể việc di chuyển hàng chục km đến chỗ làm gây mất sức, mất thời gian?

Liệu có “tính già hóa non”?

Cách đây 1 năm nhóm bạn của Nguyễn Dương Hoàng, sinh viên Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM, đã quyết định chuyển đến sống tại 150 đường số 35 Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM) để có được nơi ở rộng rãi, giá rẻ. 

Chạy đâu cho khỏi cái nghèo, thuê trọ xa lắc… thế là xăng tăng! - Ảnh 1.

Nhiều người trẻ ở trọ xa trung tâm phải ăn uống tiết kiệm để bù cho chi phí đi lại

KIM NGỌC NGHIÊN

“Thuê trọ ở chỗ xa trung tâm mình thấy cũng có nhiều cái lợi như không gian yên tĩnh vào buổi tối, phù hợp để nghỉ ngơi, sáng tạo”, Hoàng chia sẻ.

Ngoài các lợi ích nêu trên thì những tháng gần đây nhóm bạn của Hoàng lại rơi vào... thế khó, khi xăng, điện, thức ăn… cái gì cũng tăng giá. Mỗi ngày di chuyển lên Q.1 (TP.HCM) để đi học, chàng trai này phải mất gần 1 giờ đồng hồ để chạy xe, chưa kể lúc kẹt xe. Mỗi tuần, Hoàng phải đổ xăng 2 lần, mỗi lần hơn 100.000 đồng thì mỗi tháng nam sinh mất ít nhất 800.000 đồng cho chi phí đi lại.

Chạy đâu cho khỏi cái nghèo, thuê trọ xa lắc… thế là xăng tăng! - Ảnh 2.

Bữa cơm không thịt, cá để tiết kiệm của một bạn trẻ thuê trọ xa trung tâm trong thời "bão" giá

KIM NGỌC NGHIÊN

“Mình cũng hoang mang không biết bản thân có đang tính già hóa non hay không khi tiền xăng xe đi lại, tiền thuê trọ, tiền điện cộng lại mỗi tháng mình phải chi trả là gần 3 triệu đồng. Mình hỏi những người bạn khác sống tại các khu vực gần trung tâm hơn như Q.Tân Bình, Q.8, Q.7 (TP.HCM) thì có khi họ chỉ mất tầm 2 triệu cho khoản ở trọ và đi lại (hình thức ở ghép 2 đến 3 người)”, Hoàng chia sẻ.

Có được không gian rộng rãi, yên tĩnh còn tiết kiệm thì…

Cùng nỗi niềm với Hoàng, Nguyễn Minh Anh (24 tuổi) cũng lựa chọn một căn trọ tại hẻm 1078 Phước Kiển, H.Nhà Bè, TP.HCM, để có được giá thuê vừa túi tiền. Trong suốt 4 năm đại học, gen Z này ở ký túc xá của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Q.11, TP.HCM), nên hầu như không phải lo nghĩ về tiền trọ. Khi tốt nghiệp, chưa có việc làm ổn định nên điều kiện kinh tế cũng không mấy dư giả. Với túi tiền ít ỏi của mình, chàng trai này đã tìm thuê một căn trọ cách xa chỗ làm 15km. Với số tiền 1,8 triệu mỗi tháng, Minh Anh thuê được một căn trọ rộng rãi, có gác và chỗ để nấu ăn.

Chạy đâu cho khỏi cái nghèo, thuê trọ xa lắc… thế là xăng tăng! - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ thuê trọ xa trung tâm phải chịu cảnh chạy xe xa gần 1 giờ đồng hồ mới về tới nhà sau buổi tan tầm

KIM NGỌC NGHIÊN

Mỗi ngày Minh Anh phải mất hơn 45 phút để đến chỗ làm, buổi chiều thì Minh Anh tranh thủ ra về trước giờ tan tầm từ 10 đến 20 phút để "né" bớt cảnh kẹt xe. Tuy nhiên, việc này cũng không mấy khả quan khi “ai cũng nghĩ như vậy”. Mỗi ngày về đến chợ Phước Kiển (H.Nhà Bè, TP.HCM) chàng trai này đều tranh thủ đi chợ mua đồ về nấu ăn để tiết kiệm tiền.

Minh Anh cho biết nhiều đồng nghiệp khuyên anh nên thuê trọ gần chỗ làm, chọn hình thức ở ghép, chấp nhận không được riêng tư nhưng có thể tiết kiệm công sức cũng như chi phí xăng xe cho việc đi lại.

Cũng thuê trọ tại hẻm 1078 Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM), Nguyễn Hoàng Quân (26 tuổi) phải tiết kiệm tiền ăn mỗi ngày để bù qua phần chi phí đi lại. Gặp Quân vào một buổi chiều cuối tuần, chàng trai này đang loay hoay chuẩn bị bữa tối cũng là bữa sáng mang đi làm. 3 miếng đậu hũ giá 10.000 đồng, 10.000 đồng đậu que và một ít đồ chay bán sẵn với giá 15.000 đồng là những gì có trong bữa ăn của chàng trai này.

“Mình thuê trọ ở Nhà Bè nhưng đi làm ở tận Q.3 (TP.HCM) nên chi phí đi lại có phần tốn kém hơn. Vốn dĩ mình chấp nhận đi làm xa là vì tiền trọ sẽ rẻ hơn, cùng một số tiền nhưng ở những nơi xa trung tâm sẽ có được phòng ốc rộng rãi, có cửa sổ và yên tĩnh. Còn về việc tiết kiệm thì mình nghĩ cũng không được bao nhiêu so với ở khu vực gần trung tâm”, Quân chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.