Thức dậy trước Biển Đông

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
19/06/2023 09:30 GMT+7

Dải đất Quảng Bình, 'khúc ruột của khúc ruột miền Trung', tỉnh có chiều ngang hẹp nhất đất nước theo chiều đông - tây, lại được thiên nhiên ưu đãi với nhiều bãi biển từ đẹp đến cực đẹp: Hòn La, Đá Nhảy, Nhật Lệ, Hải Ninh, Ngư Thủy…

Quảng Bình là tỉnh có chiều ngang hẹp nhất đất nước theo chiều đông - tây, chỉ 40,3 km, nhưng với chiều dài 120 km thì đã có 116 km bờ biển. Nếu lấy chiều dài bờ biển "chia" cho dân số thì cứ 9 người có 1 m mặt tiền bờ biển, tạm lấy thống kê số dân 905.895 người của năm 2022.

ĐÈO NGHẾCH…

Không lâu sau khi tỉnh Quảng Bình được tái lập, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về làm việc. Nhớ hôm ông ra khu vực Hòn La, đi một vòng con đường rất nhỏ trước biển rồi lên đỉnh Đèo Ngang. Ông đứng, nhìn về Hòn La (Quảng Bình) và Vũng Áng (Hà Tĩnh), đoạn hỏi: "Dân mình đây hay nói lái Đèo Ngang thành "đang nghèo" phải không?", ông Trần Sự, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, liền gật đầu. Thủ tướng cười, nói tiếp: "Giờ tui đổi lại rồi mấy ông lái: Đèo Nghếch. Phải làm cho nó "đếch nghèo" (không nghèo) mấy ông ha!".

Rồi ông nói với lãnh đạo 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình rất nhiều, trước hết là về vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng và ý tưởng về phát triển vùng đất này. Những ý tưởng đó, giờ đã có cái thành hiện thực, có cái đang thành hiện thực và có cái (chắc chắn) sẽ thành hiện thực.

Thức dậy trước Biển Đông - Ảnh 1.

Hòn La

NGỌC MAI

Dân gian thường gọi vùng này là Hòn La, đúng ra thì phải là Hòn La - Hòn Cỏ. Đó là hòn đảo sát bờ Biển Đông thuộc xã Quảng Đông, H.Quảng Trạch (Quảng Bình). Hòn La kết hợp cùng các đảo Hòn Cỏ và Mũi Ông che chắn, là nơi để tàu thuyền ngư dân neo đậu từ ngàn xưa. Thời chiến tranh, nó trở thành một cảng biển tự nhiên vô cùng quan trọng.

100 ngày "Chiến dịch Hòn La"

Ông Lại Văn Ly, người đã nhiều năm làm trong ngành giao thông - vận tải và có mặt ở nhiều địa điểm trong những thời khắc quan trọng, từng là Trưởng tuyến Thống Nhất (tuyến vận chuyển hàng bằng ô tô và xe đạp thồ từ Quảng Bình vào Quảng Trị), sau là Trưởng ty Giao thông - Vận tải rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình. Trong hồi ký viết chuyên về giao thông của mình, ông dành một chương về Hòn La với tên "Chiến dịch đặc biệt 100 ngày".

Năm 1972, chiến tranh đang thời kỳ ác liệt. Không quân và hải quân địch bắn phá dữ dội. Các cảng Hải Phòng - Bến Thủy bị phong tỏa bằng ngư lôi đến mức tàu không thể cập bến. Trong năm 1972, trên địa bàn vịnh Hòn La, máy bay và tàu chiến Mỹ đã đánh 4.092 trận, ném 22.000 quả bom các loại, hơn 400 loạt bom bi và 2 lần dùng máy bay chiến lược B-52. Trong lúc đó, chiến trường miền Nam lại đang rất cần lương thực.

Một phương án táo bạo được vạch ra: Đưa tàu Hồng Kỳ chở 6.000 tấn gạo vào cảng Hòn La. Vì tàu phải đậu xa bờ nên việc vận chuyển gạo từ đó vào bờ để lên xe vào miền Nam là một vấn đề nan giải. Máy bay Mỹ thả pháo sáng rực trời, ném bom không ngớt, ngoài biển thì 3 tàu chiến không ngừng nã pháo. Và một "đại đội tổng hợp đặc biệt" ra đời để tiến hành "Chiến dịch Hòn La" với mật danh "KHR1". Đại đội gồm hơn 70 chiến sĩ thuộc các đơn vị bộ đội địa phương các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh và thị xã Đồng Hới.

Thức dậy trước Biển Đông - Ảnh 2.

Cột cờ trên đảo Hòn La

TRƯƠNG QUANG NAM

Ban đầu ta dùng thuyền nhỏ tiếp cận để "tăng bo", dù đánh lạc hướng cách nào cuối cùng cũng bị phát hiện, nhiều thuyền nhỏ bị đánh chìm. Các chiến sĩ đại đội đặc biệt phải dùng cáp buộc vào tàu và gốc phi lao để tời, sau nữa thì lợi dụng gió và thủy triều để thả gạo xuống biển (bao gạo được bọc 4 lớp, gọi là gạo 4 bì) trôi vào bờ. Do gió mùa đông bắc nên gạo trôi vào bờ các huyện thị ven biển, lại phải huy động nhân dân vớt chất lên bãi phi lao.

Cuối cùng, sau 100 ngày, số gạo trên tàu Hồng Kỳ cũng được đưa hết lên bờ và chuyển vào Nam nhưng 15 chiến sĩ đã hy sinh. Nhân dân Quảng Bình và ở miền Bắc lúc đó, không ai không nghe đến chiến dịch đặc biệt này. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Hòn La, ông cũng đã đến gốc phi lao mà các chiến sĩ buộc cáp để tời hàng.

Thức dậy trước Biển Đông - Ảnh 3.

Quy hoạch chi tiết khu du lịch Hòn La

TƯ LIỆU CỦA BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ QUẢNG BÌNH

Vũng Chùa - Đảo Yến

Đây là nơi được chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 2006 đồng ý chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng, và sau khi ông từ trần năm 2013, thi hài của Đại tướng đã được an táng ở đó như di nguyện. Trước đó, ít ai biết đến vùng đất phong cảnh hữu tình với địa thế cong hình cánh quạt, được bao bọc bởi Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm này.

Theo TS Phan Viết Dũng, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ở địa đầu phía bắc của tỉnh, dưới chân dãy Hoành Sơn, giữa trời nước mênh mông có một vịnh biển, mặt nước phẳng lặng mà sách Đại Nam dư địa chí ước biên của Cao Xuân Dục thời nhà Nguyễn gọi là vịnh La Sơn, ngày nay ta thường gọi là vịnh Hòn La. Cũng theo sách của Cao Xuân Dục, vịnh La Sơn còn có tên là Vũng Từ vì nơi đây kín gió, vào những đợt gió mùa đông nam, thuyền chài thường vào neo đậu tránh gió bão. Vịnh La Sơn được bao bọc bởi những ngọn núi như những bức tường thành. Phía đất liền là dãy Hoành Sơn "thế như rồng cuộn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển" với đỉnh Mũi Rồng che chắn phía tây - bắc. Ở phía đông có nhiều đảo nhỏ (dân gian gọi là hòn) đó là Hòn Nồm, Hòn Cỏ, Hòn La...

Chuyện kể rằng năm vua Lê Thánh Tông xuất chinh đi đánh Chiêm Thành có dừng lại ở La Sơn. Trời yên biển lặng, hàng trăm chiếc thuyền phất phới hoàng kỳ đỗ kín mặt nước. Vua lên bờ, cho quân sĩ lập đàn trên núi Hoành Sơn hướng về kinh đô bái lạy và xin thần linh phù hộ đánh thắng quân giặc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và sự an lành cho dân chúng. Lần đó, Đại Việt thắng lớn, khi trở về đến vịnh La Sơn, vua lại cho lập đàn cáo cùng trời đất. Đỉnh núi mà vua Lê lập đàn cúng tế gọi là núi Vọng Bái (còn gọi là núi Kính Quân) và tảng đá nơi đặt kỳ đài xưa đến nay vẫn còn.

Nhắc lại điều này để nói rằng vịnh Hòn La không chỉ là vị trí chiến lược quốc phòng quan trọng mà nó còn là nơi giang sơn cẩm tú, một cảng biển nước sâu tự nhiên và một điểm du lịch kỳ thú. Nó hội tụ tất cả các điều kiện để Hòn La thức dậy trước Biển Đông.

Thức dậy trước Biển Đông - Ảnh 4.

Cảng Hòn La

TƯ LIỆU CỦA BAN QUẢN LÝ KHU KINH TẾ QUẢNG BÌNH

ĐÁNH THỨC Hòn La

Tháng 10.2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu kinh tế Hòn La. Theo ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình: "Quảng Bình sẽ đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế động lực của tỉnh, gồm Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo gắn với hành lang QL12A; hoàn thiện kết cấu hạ tầng cứng, tăng tỷ lệ lấp đầy, phát huy hiệu quả các khu công nghiệp Bắc Đồng Hới, Quán Hàu, Cam Liên và các cụm công nghiệp".

Khu kinh tế Hòn La thuộc H.Quảng Trạch, được quy hoạch với tổng diện tích tự nhiên 10.000 ha, gồm 8.900 ha đất liền, 1.100 ha mặt biển và đảo. Đây là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp phụ trợ theo Quy hoạch Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, tập trung các ngành công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Bình như công nghiệp phụ trợ, sản xuất điện năng, đóng tàu, công nghiệp xi măng, sản xuất thủy tinh...

Tại Khu kinh tế Hòn La, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã và đang đầu tư xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện lớn. Tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với EVN tái khởi động triển khai xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I để kịp đưa vào vận hành trong năm 2023 - 2024; xúc tiến đầu tư Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch II, các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối…), triển khai đầu tư các dự án đường dây và trạm biến áp 500 kV, 220 kV, 110 kV.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hòn La, phục vụ cho Khu Kinh tế Hòn La, các khu công nghiệp của tỉnh, kết hợp chuyển tiếp hàng cho Lào và vùng đông bắc Thái Lan. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỉ đồng, do Công ty CP Cảng Hòn La làm chủ đầu tư, chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ 2022 - 2024 với số vốn gần 940 tỉ đồng; giai đoạn 2 dự kiến năm 2025 - 2026, số vốn hơn 1.170 tỉ đồng. Công suất thiết kế của cảng gồm 4 bến cập tàu; trong đó, giai đoạn 1 có 2 bến cho tàu trọng tải 50.000 DWT và 100.000 DWT, giai đoạn 2 có 2 bến cho tàu trọng tải 70.000 DWT và 100.000 DWT…

Bên cạnh đó, ai từng đến Hòn La hẳn đều nhìn thấy tiềm năng du lịch ở đây. Không phải tuyệt vời mà trên cả tuyệt vời. Nhưng, dù đã có Quy hoạch chi tiết khu du lịch Hòn La thì các dự án triển khai còn chậm, Hòn La vẫn còn "hoang sơ". Hàng vạn lượt người về viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp mỗi năm nhưng các dịch vụ tự phát và nhỏ lẻ. Khách du lịch vẫn phải "tự chăm sóc mình". Đó là một điều đáng tiếc.

Quảng Bình có một thứ "trời ban" là khu hang động Phong Nha - Kẻ Bàng nổi tiếng thế giới. Phát triển du lịch Hòn La để liên kết "giữ chân" du khách là việc cần làm trước mắt. Để, như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt căn dặn, phải làm cho Đèo Ngang không chỉ thành Đèo Nghếch - "đếch nghèo" mà còn trở nên giàu có. Để Hòn La thức dậy trước Biển Đông! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.