Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet gặp gỡ sinh viên ngoại thương

Mai Hà
Mai Hà
12/12/2023 12:15 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã được hàng trăm sinh viên Trường đại học Ngoại thương (Hà Nội) chào đón nồng nhiệt. Đây cũng là một trong những trường đại học Việt Nam có nhiều sinh viên Campuchia theo học.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam (11 - 12.12) của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet đã dành thời gian tới thăm và giao lưu với sinh viên, giảng viên Trường đại học Ngoại thương sáng 12.12. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet trên cương vị mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet gặp gỡ sinh viên Ngoại thương - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet được chào đón nồng nhiệt bởi sinh viên hai nước đang theo học tại Trường đại học Ngoại thương

NHẬT BẮC

Trường đại học Ngoại thương đã đào tạo nhiều sinh viên từ Campuchia trong các ngành kinh tế, kinh doanh, thương mại và quan hệ kinh tế Á - Âu, quản trị đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.

Chia sẻ với các bạn sinh viên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết như được tiếp thêm niềm cảm hứng tươi trẻ, sống lại thời sinh viên nhiệt huyết, sôi động. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, không phải ngẫu nhiên hai Thủ tướng chọn Trường đại học Ngoại thương để giao lưu với sinh viên cả hai nước. Đây là ngôi trường có truyền thống lâu đời với bề dày thành tích, cũng như “chất riêng” của ngoại thương mà ai cũng tự hào mong muốn được theo học.

Theo Thủ tướng, Việt Nam và Campuchia “uống chung dòng nước Mê Kông”, là hai nước láng giềng đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Lịch sử quan hệ hai nước có lúc thăng trầm, có lúc đột phá, nhưng truyền thống mối quan hệ giữa hai dân tộc tốt đẹp, với yêu cầu khách quan phải đoàn kết, thống nhất.

“Tôi cũng trao đổi với Thủ tướng Hun Manet chúng ta không yêu quý nhau, không đoàn kết cũng không chuyển đi đâu được, vì hai đất nước có vị trí địa lý gần kề. Vì thế, phải cùng nhau đoàn kết, yêu thương và cùng thắng lợi”, Thủ tướng chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Manet gặp gỡ sinh viên Ngoại thương - Ảnh 2.

Nữ sinh viên Trường đại học Ngoại thương tặng hoa cho Thủ tướng Campuchia Hun Manet

NHẬT BẮC

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam cũng bày tỏ vui mừng khi có các bạn sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam và ngược lại, góp phần vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp giữa hai dân tộc. Hiện có khoảng 3.000 sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam. Hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo tiếp tục gắn kết giữa hai nước.

“Mối quan hệ có lúc thăng trầm, có lúc đột phá, nhưng phải làm sao để ngày càng tốt đẹp. Khi chính trị đã tốt đẹp thì kinh tế cũng đi theo”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cho biết đây là lần đầu tiên trao đổi với sinh viên tại nước ngoài, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chia sẻ những thông tin quan trọng với chủ đề về chính sách kinh tế của Campuchia cũng như mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.

Theo ông Hun Manet, mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia về địa lý rất gần gũi, sát gần nhau, không tách rời. “Lịch sử hai nước cũng có sự đan xen và hỗ trợ lẫn nhau. Campuchia đã tham gia giúp Việt Nam trong đấu tranh thực dân, đế quốc. Việt Nam đã giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng năm 1979, khắc phục và xây dựng lại đất nước. Đó là chân lý lịch sử cần tiếp tục vun đắp”, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh.

Đây cũng là cơ sở để xây dựng tiếp mối quan hệ tích cực giữa hai nước trong 20 - 30 năm sau và nhiều năm sau nữa. Người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Campuchia cũng cho biết, trong chuyến thăm chính thức tới Việt Nam lần này, ông đã có các cuộc hội đàm sâu sắc với các lãnh đạo cấp cao để làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. 

 Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo nhân lực chất lượng cao là một trong những ưu tiên của hai nước

NHẬT BẮC

Ông Hun Manet cũng nhấn mạnh quan điểm, “đất nước phụ thuộc vào người dân, nếu nhân dân không có sức khỏe, kiến thức, năng lực thì đất nước không phát triển được”. Do đó, phải đào tạo nguồn nhân lực, cũng như thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hai nước trong kinh tế, du lịch, giáo dục...

Chính sách kinh tế của Campuchia tương đồng với Việt Nam về nhiều dấu mốc, như phát triển kinh tế thị trường hội nhập những năm 1980, gia nhập ASEAN và đẩy nhanh hội nhập khu vực những năm 1990, gia nhập WTO những năm 2000.

Nhờ chính sách “thắng - thắng” của nguyên Thủ tướng Hun Sen, Campuchia đã xây dựng được cơ sở vững chắc phát triển kinh tế, bắt nguồn từ nỗ lực hiện đại hóa nền kinh tế, thúc đẩy và thu hút FDI, củng cố cơ sở hạ tầng, nâng cao lĩnh vực tư nhân và doanh nghiệp… Nền kinh tế nước này đã đạt tốc độ tăng trưởng bền vững khoảng 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người tăng 7 lần, tỷ lệ người nghèo giảm xuống 10% trước Covid-19…

Dù đang gặp phải khó khăn, thách thức bên ngoài, nhưng theo Thủ tướng Hun Manet, Campuchia quyết tâm đạt mục tiêu và Tầm nhìn Campuchia đến 2050. Trong đó, ổn định, hòa bình là cơ sở cốt yếu. Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã đề ra chiến lược ngũ giác với 5 ưu tiên quan trọng và đang tiến tới bước phát triển mới.

Về hợp tác kinh tế giữa Campuchia - Việt Nam, Thủ tướng Hun Manet cho biết đang có những bước tiến quan trọng khi quan hệ thương mại giữa hai nước tăng trung bình 25%/năm từ 2017 đến nay. Việt Nam đã đầu tư nhiều vốn trong nhiều lĩnh vực, tạo việc làm và góp phần phát triển cho Campuchia. Khách du lịch Việt Nam sang Campuchia cũng đứng thứ 2.

“Với Campuchia, sự hợp tác cấp tiểu vùng sông Mê Kông vô cùng ý nghĩa, trong đó kết nối hạ tầng cứng như các tuyến cao tốc đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng trong khu vực, có nhiều sự lựa chọn trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Campuchia có thị trường nhỏ, luôn coi Việt Nam là điểm nối và cửa ra quan trọng trong phát triển kinh tế của Campuchia cũng như kết nối với kinh tế toàn cầu”, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.