Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các tôn giáo luôn cùng đất nước vượt qua khó khăn, thách thức

30/08/2022 12:56 GMT+7

'Đất nước ta có khó khăn, thách thức gì thì với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, các tôn giáo cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc', Thủ tướng Phạm Minh Chính đúc kết.

Sáng 30.8, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị biểu dương các tổ chức tôn giáo có đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo như Việt Nam, mỗi tín ngưỡng mang nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị "chân - thiện - mỹ", có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng. Đảng và nhà nước luôn nhất quán quan điểm tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tôn giáo, không cản trở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của các tôn giáo trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước

sỹ đông

Cách đây 77 năm, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, nhiều vị chức sắc tôn giáo được mời làm cố vấn cho Chính phủ. Từ đó đến nay, có gần 60 vị chức sắc, chức việc làm đại biểu Quốc hội, và hàng ngàn đại biểu tham gia HĐND các cấp. Trong đấu tranh bảo vệ tổ quốc, hàng chục ngàn chức sắc, chức việc đã tham gia, góp phần vào sự nghiệp chung.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sống “tốt đời đẹp đạo” là kim chỉ nam hành động của các tôn giáo. Hằng năm, các tôn giáo phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyến học, Hội Hỗ trợ bệnh nhân nghèo và các đoàn thể hỗ trợ an sinh xã hội, xe chở bệnh miễn phí, lớp học tình thương, hỗ trợ học phí và xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, cứu trợ thiên tai, xây dựng nông thôn mới… với giá trị hàng ngàn tỉ đồng.

“Đất nước ta có phong trào gì thì tôn giáo tích cực hưởng ứng và đóng góp có hiệu quả vào phong trào đó. Đất nước ta có khó khăn, thách thức gì thì với tinh thần đại đoàn kết dân tộc, các tôn giáo cùng đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đất nước ta có thuận lợi, thời cơ gì thì tôn giáo thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng đúc kết về việc tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc.

Thường xuyên lắng nghe nguyện vọng của các tôn giáo

Thay mặt lãnh đạo Đảng và nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương và cảm ơn những đóng góp tích cực, hiệu quả của tôn giáo trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, chống đại dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế xã hội thời gian qua. Ông cũng bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng và cách làm của các tôn giáo đã chăm lo đời sống tâm linh cho người đang sống và cả những người không may quá cố.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thường xuyên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của đồng bào có đạo và các tổ chức tôn giáo

trung dung

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục vận động chức sắc, chức việc, tín đồ thực hiện chủ trương, chính sách của nhà nước; duy trì đường hướng hành động gắn bó đồng hành cùng dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các bộ, ngành tiếp tục tham mưu với Đảng, nhà nước để hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan tín ngưỡng, tôn giáo; xây dựng cơ chế huy động, phát huy mọi nguồn lực xã hội, trong đó có tôn giáo trong xây dựng, phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào tôn giáo, tăng cường đối thoại với các tổ chức tôn giáo để giải quyết các kiến nghị chính đáng, phù hợp quy định; phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo, xử lý hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc…

Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp hình lưu niệm cùng các chức sắc tôn giáo tiêu biểu tại Hội trường Thống Nhất, Q.1, TP.HCM)

sỹ đông

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết hiện nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; trong đó có hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự.

“Dù mỗi tôn giáo có hệ thống giáo lý, giáo luật và đường hướng hành đạo khác nhau nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần hòa hợp dân tộc, truyền thống yêu nước”, ông Thắng nhìn nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.