Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL

Đình Tuyển
Đình Tuyển
14/07/2023 16:12 GMT+7

Liên quan đến các dự án cao tốc tại ĐBSCL, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc xử lý thông tin Báo Thanh Niên phản ánh trong bài "Khủng hoảng cát ở ĐBSCL".


Văn bản số 5093/VPCP-CN do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục ký ngày 10.7.2023 nêu: Báo điện tử Thanh Niên ngày 4.7.2023 đăng bài "Khủng hoảng cát ở ĐBSCL". Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau: Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ TN-MT và Chủ tịch UBND các tỉnh vùng ĐBSCL phối hợp quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho xây dựng đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL. Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các đồng chí biết, chỉ đạo thực hiện".

Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL - Ảnh 1.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang còn thiếu hàng chục triệu mét khối cát

ĐÌNH TUYỂN


Trước đó, trong vệt bài "Khủng hoảng cát ở ĐBSCL", Báo Thanh Niên đã phản ánh tình trạng các tỉnh, thành ĐBSCL đang chịu sức ép rất lớn khi nhu cầu cát cho xây dựng bùng nổ chưa từng thấy, trong khi các địa phương đều than thiếu cát trầm trọng. Chỉ tính riêng nhu cầu về vật liệu san lấp cho các tuyến cao tốc giai đoạn 2022 - 2025, ĐBSCL cần gần 54 triệu m3 cát. Thêm vào đó là khoảng 36 triệu m3 cát cho các dự án giao thông cấp tỉnh đầu tư năm 2023, 2024. 

Trong khi đó, trữ lượng cát còn lại theo các giấy phép trong thời hạn 2023 - 2026 ở ĐBSCL do Cục Khoáng sản (Bộ TN-MT) tổng hợp cho thấy cả vùng chỉ còn 26 triệu m3. Tức chỉ đáp ứng được khoảng 29% nhu cầu cho hạ tầng giao thông ở ĐBSCL trong 3 năm tới. Chưa kể, ngoài cát phục vụ cho hạ tầng, cao tốc, giao thông, mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ (khu vực chủ yếu sử dụng cát từ ĐBSCL) cũng lên đến hàng trăm triệu m3.

Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL - Ảnh 2.

Ngoài cát phục vụ cho hạ tầng, cao tốc, giao thông, mỗi năm nhu cầu cát cho xây dựng dân dụng, hạ tầng khác ở ĐBSCL và TP.HCM, Đông Nam bộ cũng rất lớn

ĐÌNH TUYỂN

Khi tình trạng mất cân đối quá lớn giữa nhu cầu và nguồn cung hạn chế (theo giấy phép khai thác - PV) đã dẫn tới việc quản lý khai thác cát gặp nhiều khó khăn, bất cập, bộc lộ nhiều kẽ hở. Nạn cát tặc, khai thác cát lậu cũng xảy ra thường xuyên ở nhiều địa bàn. Tuy nhiên, nhức nhối nhất là khai thác gian lận trữ lượng, bán cát "buông đuôi" sau đó sử dụng hóa đơn chứng từ khống để hợp thức hóa. Thực tế đã có nhiều vụ vận chuyển cát không có hóa đơn chứng từ hợp pháp cũng bị cơ quan chức năng các tỉnh ĐBSCL phát hiện, bắt giữ.

Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL - Ảnh 3.

Sà lan khai thác cát lậu trên sông Tiền, giáp ranh hai tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang bị lực lượng chức năng bắt giữ hồi đầu tháng 6.2023

CACC

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phòng, chống khai thác, vận chuyển cát trái phép nhất là ở các địa phương giáp ranh ở ĐBSCL hiện chưa chặt chẽ; việc kiểm tra, xử lý không đảm bảo yếu tố bí mật, dẫn đến cát tặc dễ dàng đối phó, cát tặc cho người theo dõi ngay tại cơ quan chức năng… Cát tặc thậm chí còn "lách luật" để tránh bị trừng phạt nặng. Cụ thể, điều 227 Bộ luật Hình sự, tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định mức khởi điểm về giá trị tang vật là 500 triệu đồng, thu lợi bất chính 100 triệu đồng, hoặc tái vi phạm lần 2 mới đủ yếu tố căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Vậy nên cát tặc thường tìm cách chỉ khai thác cát lậu với định lượng dưới mức chịu trách nhiệm hình sự, và thường xuyên thay đổi người khai thác lậu nhằm tránh lỗi tái phạm.

Thủ tướng chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc cung cấp cát cho cao tốc ĐBSCL - Ảnh 4.

Trong bối cảnh tài nguyên cát suy giảm mà nhu cầu lại tăng quá cao, công tác quản lý khai thác cát càng phải được tăng cường chặt chẽ và bền vững hơn

ĐÌNH TUYỂN

Bài "Khủng hoảng cát ở ĐBSCL" đã phỏng vấn các chuyên gia và khẳng định chủ trương đầu tư cho hạ tầng giao thông không chỉ tạo động lực lớn cho ĐBSCL phát triển mà còn đáp ứng mong mỏi của người dân đồng bằng bao đời nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh tài nguyên cát suy giảm mà nhu cầu lại tăng quá cao, công tác quản lý khai thác cát càng phải được tăng cường chặt chẽ và bền vững hơn. Đặc biệt là cần có khảo sát, giám sát trữ lượng cát khai thác thực tế ở các địa phương, kiểm soát hóa đơn, chứng từ để ngăn chặn tình trạng khai thác cát lậu, khai thác cát gian lận, trục lợi từ tài nguyên. 

Các bài viết sau đó của Báo Thanh Niên cũng đặt ra vấn đề sử dụng cát "thông minh", tránh lãng phí cát; đồng thời hướng đến việc tìm nguồn vật liệu thay thế cát sông; xem lại giá trị của cát không chỉ là vật liệu thông thường mà còn có chức năng hỗ trợ hệ sinh thái, hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ tài sản, đất đai của người dân.

Bố trí 2,53 tỉ USD vốn ODA cho 16 dự án khu vực ĐBSCL

Trước đó, chiều 8.7, làm việc với lãnh đạo các tỉnh, thành ĐBSCL và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc vùng ĐBSCL, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh vai trò chiến lược của vùng ĐBSCL cũng như tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông, nhất là cao tốc ở khu vực này. 

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án. Nghiêm túc quán triệt: Phải bảo đảm chất lượng; tiến độ; an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường sinh thái và đặc biệt không để thiếu nguyên vật liệu; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí ở tất cả các khâu; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp... 

Thủ tướng cũng đã phân công Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm ngành GTVT, trong đó có các dự án vùng ĐBSCL. Đôn đốc việc nghiên cứu phương án sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền; nghiên cứu các phương án xây dựng cao tốc trên cầu cạn.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.