Thu lãi hơn 800 triệu đồng/năm từ bánh pía

21/05/2024 08:00 GMT+7

Lập nghiệp với bánh pía truyền thống, anh Lâm Xuân Hùng (ngụ ấp Kiết Lợi, xã Lâm Kiết, H.Thạnh Trị, Sóc Trăng) thu lãi hơn 800 triệu đồng/năm.

Anh Hùng kể gia đình anh làm nghề buôn bán nhỏ, không ai biết làm bánh pía truyền thống. Năm 2018, anh may mắn được một người quen hỗ trợ học nghề. Đến năm 2020, người này tạm gác công việc làm bánh, để lại nhà xưởng cho anh Hùng. Từ đó, anh bắt đầu lập nghiệp với bánh pía truyền thống; lập cơ sở sản xuất với mặt hàng chính là bánh pía, bánh in.

Anh Hùng (thứ 3 từ trái qua) giới thiệu khâu sản xuất bánh pía truyền thống đến đoàn tham quan của Huyện đoàn Thạnh Trị

Anh Hùng (thứ 3 từ trái qua) giới thiệu khâu sản xuất bánh pía truyền thống đến đoàn tham quan của Huyện đoàn Thạnh Trị

DUY TÂN

"Trước kia, tôi chỉ phụ gia đình buôn bán tại nhà. Sau đó, theo người anh học nghề làm bánh pía rồi cùng làm chung. Làm được 2 năm, người anh có việc gia đình nên tạm nghỉ và để lại xưởng cho tôi làm. Từ đó, tôi theo nghề cho đến nay", anh Hùng kể.

Thời gian đầu, dù bánh thơm, ngon, đạt chất lượng nhưng thương hiệu Hùng Lộc Phát chưa được nhiều người biết đến nên số lượng tiêu thụ không cao. Anh Hùng chịu khó đi chào mời đại lý trong và ngoài tỉnh, dần dần nhiều khách hàng biết đến và tin dùng.

Công việc làm ăn "thuận buồm xuôi gió", đầu năm 2024, anh Hùng mua đất, mở thêm 2 nhà xưởng, nâng số nhà xưởng hiện có lên 3, để tăng số lượng bánh, đáp ứng nhu cầu từ thị trường.

Anh Hùng cho biết làm bánh pía truyền thống phải qua nhiều công đoạn thủ công rất cực nên nhiều năm về trước bánh chỉ được làm nhiều vào dịp trung thu và tết. Ngày nay, với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại được đầu tư nên hầu hết các khâu sản xuất đều tự động hóa. Mỗi ngày, cơ sở của anh Hùng sản xuất hàng ngàn cái bánh và xuất bán ra thị trường 10 loại bánh pía, bánh in như: bánh pía đậu xanh sầu riêng trứng, khoai môn đậu xanh sầu riêng trứng, kim sa nhân dứa, đậu... Trong đó bánh pía đậu xanh truyền thống vẫn là mặt hàng bán chạy và được ưa chuộng nhất. Giá sỉ từ 50.000 - 60.000 đồng/cây.

"Để làm bánh, đậu xanh mua về đem ngâm hơn 1 tiếng, hấp, xay nhuyễn, đưa vào chảo quậy cho ra thành phẩm. Tiếp đến thực hiện trộn nhân sầu riêng, mứt bí, mỡ heo. Riêng lớp da bánh ngoài, khi trộn bột ra thành phẩm thì đưa vào máy để máy cuốn thành lớp lớp và tự chạy ra chiếc bánh hoàn chỉnh", anh Hùng cho biết.

Bánh pía tại cơ sở của anh Hùng có vỏ bánh không khô cứng mà mềm dẻo, mịn màng ôm lấy nhân bánh thơm ngọt phía trong nên được nhiều người ưa chuộng. Mỗi năm, anh thu lãi trên 800 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.

Vừa qua, tại buổi tham quan cơ sở của anh Hùng, đại diện Huyện đoàn Thạnh Trị đã tư vấn kiến thức về chương trình OCOP, giúp anh tìm hiểu, nắm được quy trình, kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP thành công. Trước đó, sản phẩm bánh pía, bánh in Hùng Lộc Phát của anh Hùng cũng được Huyện đoàn hỗ trợ đem trưng bày tại gian hàng sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên VN H.Thạnh Trị lần thứ 7, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Anh Khưu Nhật Khánh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên VN H.Thạnh Trị, cho biết: "Một trong những nét nổi bật trong mô hình sản xuất của anh Lâm Xuân Hùng là không chỉ tạo nên thu nhập cho bản thân và gia đình, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên và người dân tại địa phương, hơn nữa, mô hình sản xuất bánh pía, bánh in lại mang nét đặc trưng truyền thống về ẩm thực của người dân Sóc Trăng". 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.