Thư gửi ba mẹ từ phòng học nội trú

Bích Thanh
Bích Thanh
22/05/2018 08:02 GMT+7

Những dòng thư chứa đầy cảm xúc, những giấc mơ đang ấm ủ được viết ra trong nỗi nhớ nhà da diết của học sinh nội trú.

Sao con không lo học hành ngay từ đầu để bây giờ con phải xa mẹ?

Kết thúc chuỗi hoạt động kỹ năng sống, từ ngày 19 đến 21.5, gần 400 học sinh lớp 10 và lớp 11 trường THPT Nhân Việt (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã viết bài thu hoạch dưới hình thức viết thứ với chủ đề Mật mã của trái tim. Đề bài bắt đầu từ chính câu chuyện, theo lời thạc sĩ Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường là “những mảnh ghép của giáo viên trong trường trải qua trong quãng đời học trò phải học xa gia đình”.

Từ đó dẫn dắt đến: “Trang giấy thơm em đã cầm trên tay, hãy viết lên đó những dòng chữ ngay ngắn và đẹp nhất của trái tim mình với những cảm xúc chân thành nhất để nó không còn là mật mã. Hãy viết một lá thư, gửi về người mà em hướng đến. Đó có thể là những tâm sự của em về khoảng thời gian xa nhà, xa mẹ cha. Đó có thể là những ước vọng của em về ngày mai mà em muốn sẻ chia với người thân gia đình, đó có thể là trang nhật ký của chính em cho một quãng thời gian em trải qua mà cha mẹ chưa thấu hiểu; cũng có thể là những điều mà từ trước tới nay em muốn bật ra nhưng chưa có điều kiện để hoàn thành hoặc đơn giản chỉ là một lời cám ơn cho những gì em được thụ hưởng…Cuộc sống sẽ gần gũi và ấm áp biết mấy khi những điều cần nói được nói phải không em?”. Với đề tài này, nhiều học trò nhận xét rằng “đã chạm vào trái tim, thức dậy cảm xúc của học trò nội trú xa nhà”.

Đ.H, học sinh lớp 10C1, đến giờ vẫn chưa quen được cảm giác ở trong một tập thể mà không có sự chăm sóc của ba mẹ. “Ở trường một tuần mới về nhà một ngày rưỡi, được ngủ với mẹ một đêm, trưa mai lại phải lên đường đi học tiếp, lời thăm hỏi qua điện thoại như gió, lời dăn dò như tan trong sương”. Và Đ.H nhớ lại: “Ngày mẹ đưa tôi đến trường, mẹ nói học ở đây sướng lắm nhưng tôi có thấy sướng gì đâu, chỉ thấy nỗi nhớ nhà mỗi lúc một nhiều. mỗi khi buồn con hay tự hỏi bản thân 'Sao con không lo học hành ngay từ đầu để bây giờ con phải xa mẹ?'.


Hay N.N, lớp 10 C5, kể rằng: “Với mong muốn tôi được là học sinh giỏi như bao bạn khác, mẹ đã đè nặng việc học, đặt nó lên hàng đầu. Thứ mẹ dùng để khen hoặc la mắng tôi đó chính là điểm số. Tôi rất muốn nói để mẹ hiểu rằng, điểm số không quan trọng bằng những gì mình đã học được, tiếp thu được”.

Mẹ hãy đợi con trưởng thành, mẹ nhé!

Một nữ sinh khác tâm sự, từ bé đã được cha mẹ cưng chiều, chăm sóc và chu cấp đầy đủ dù gia đình không mấy khá giả. Gần đến ngày thi vào lớp 10, ba mẹ dành trọn thời gian sau giờ làm để chăm sóc, đưa đón đi học. Tuy nhiên, cô bé ấy 'vô tâm và đáng trách' đã xao nhãng chuyện học hành. Sau đó để chiều con gái, ba mẹ đã đưa lên thành phố với lời nhắn nhủ: "Cố gắng học con nhé, môi trường mới thì phải biết nỗ lực". Hôm nay, chính nữ sinh đã nhớ lại: "Ngày vào trường, ba tôi khệ nệ mang cái va li to đùng vào phòng nội trú. Mẹ tôi đã chuẩn bị tất cả như sợ tôi thiếu thốn, từ quần áo, giày dép đến tiền bạc”. Và sau khi trải qua những đêm nội trú mất ngủ, khóc vì nhớ ba mẹ, nữ sinh lớp 10 đã nhận ra rằng: “Con càng lớn, khỏe khoắn, tuổi trẻ dâng trào đồng nghĩa sự đánh đổi với tuổi tác ba mẹ càng cao, sức khỏe càng yếu".

Với lời văn mạnh mẽ nhưng gây xúc động không kém là bức thư tâm sự của V.T, học sinh lớp 10C2,  kể về khó khăn trong những ngày đầu nhập học với cuộc sống thiếu cha, vì ông không muốn ở bên gia đình nữa. Trong khi đó mẹ là người khó tính, cổ hủ và khó gần để tâm sự.

Cuộc sống tẻ nhạt, thiếu sự quan tâm tình cảm của mẹ và áp lực về điểm số khiến cô học trò cảm thấy chán nản. “Tôi không còn khoe điểm cao với mẹ vì nó chả là gì so với lớp. Mẹ rất tin tưởng tôi. Tôi thì luôn cố gắng nhưng thành quả đạt được chưa có gì. Dù mẹ nói không sao, nhưng đó chỉ là sự an ủi để che đi nỗi thất vọng. Tôi sợ ngày mẹ đi họp phụ huynh, sợ mẹ lại tủi thân với 'con nhà người ta'". Nữ sinh viết tiếp: "Những lúc nản lòng, tôi khóc rất nhiều. Tôi chán nản vì bản thân không làm được gì cho mẹ và ngoại...".

Trong những lời cuối kết cho lá thư tâm sự, dù có vẻ còn giận mẹ, nhưng nữ sinh lớp 10C2 bày tỏ lời cảm ơn bà ngoại và mẹ bởi họ là động lực duy nhất của cô và gửi lời nhắn “Mẹ hãy đợi con trưởng thành, mẹ nhé. Con sẽ bù đắp cho mẹ và ngoại. Bây giờ thì chưa nhưng sau này mẹ sẽ tự hào vì con".

Hoạt động rèn kỹ năng, viết bài thu hoạch này là ý tưởng của ông Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt. Ngay sau khi nhận những bài viết của học sinh nộp, ông Quang Thoại cho biết, mỗi lá thư của học trò, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao tận tay phụ huynh để phụ huynh hiểu những cảm xúc, những tình cảm của con em. Hãy chia sẻ những tâm tư, những nguyện vọng của các em được viết từ phòng nội trú.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.