Thông rạch

06/08/2014 03:00 GMT+7

Là một nhánh nhỏ của sông Sài Gòn, rạch Bà Láng thuộc P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM vốn bị bỏ hoang lâu ngày, khiến cỏ và lục bình bao phủ dày đặc, làm bít luôn dòng chảy thoát nước, trở thành nơi trú ẩn cho ruồi muỗi sinh sôi...

Thông rạch
Sinh viên tình nguyện vớt rác, lục bình tại rạch Bà Láng - Ảnh: Lê Quý

Cái nắng gay gắt như đổ lửa làm cho mùi hôi thối bốc lên từ con rạch này trở nên nặng mùi hơn, nhưng không vì thế mà làm chùn bước những bạn trẻ vốn không quen với công việc tay lấm, chân bùn.

Không một chút chần chừ, một nhóm sinh viên nam cầm theo liềm, cuốc xung phong lội xuống dòng nước đen đặc quánh để cắt cỏ, vớt rác, lục bình rồi buộc lại thành bó kéo vào bờ.

Những đống rác, lục bình sau khi kéo vào bờ được một nhóm bạn nữ trực sẵn dùng dao, rựa băm nhỏ ra hốt bỏ vào sọt để nhóm khác khiêng đổ lên xe ép rác cách đó vài chục mét. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại như một quy trình khép kín và được các bạn làm việc rất khẩn trương.

Không khí tại hiện trường lúc nào cũng đầy ắp tiếng reo hò, hát ca đã làm cho khu vực này vui nhộn hơn mọi ngày.

 

Lê Thanh Vũ, Chủ tịch Hội LHTN Q.Bình Thạnh, cho biết: "Con rạch này có chiều dài khoảng 800 m, chúng tôi dự kiến với hơn 200 lượt sinh viên tình nguyện của 4 trường ĐH tham gia làm gồm: Kỹ thuật công nghệ, Giao thông vận tải, Quốc tế Hồng Bàng và Văn Lang thì phải mất ít nhất khoảng một tuần mới xong. Tuy nhiên, với tốc độ làm việc lăn xả, cật lực nên mới 4 ngày công trình đã hoàn tất, đó là thành công ngoài mong đợi của những người thực hiện”.

Mồ hôi đổ ra như tắm, quần áo lấm lem bùn sình, Phạm Quốc Tuấn - sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Không khí làm việc rất khẩn trương, vui vẻ nên dường như không còn biết mệt là gì. Mỗi lần vớt lên được đống rác, mớ lục bình để chuyển lên xe đổ rác là mình cảm thấy rất vui. Chỉ mong sao góp một phần công sức nhỏ bé làm cho con rạch này được thông thoáng, để không còn chỗ cho ruồi, muỗi trú ẩn”.

Thấy nhóm sinh viên tình nguyện hăng say làm việc, chị Nguyễn Thị Lan, một người dân ngụ tại khu vực này tỏ vẻ thán phục: “Từ trước đến giờ tôi cứ nghĩ sinh viên chỉ lo học hành, nghiên cứu khoa học hoặc làm những công việc nhẹ nhàng chứ đâu ngờ các em cũng tham gia làm những công việc nặng nhọc như thế này, mà làm rất giỏi nữa chứ”.

Được đóng góp một phần công sức làm cho con rạch này được sạch hơn là suy nghĩ chung của hầu hết các tình nguyện viên. Phạm Thu Hiền - sinh viên năm 4, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tâm tình: “Mấy năm trước, vào dịp hè em phải đi làm thêm để trang trải cho cuộc sống nên không có dịp tham gia Mùa hè xanh. Lần đầu tiên tham gia chương trình này, được đóng góp một phần công sức để làm cho con rạch thêm xanh, thêm sạch hơn, cải tạo môi trường trong lành cho bà con nơi đây em cảm thấy rất vui. Không những thế, đây còn là cơ hội để em được trải nghiệm, giao lưu, trao đổi với nhiều bạn bè ở các trường khác trong học tập”.

Còn Nguyễn Hoàng Kim Phụng, sinh viên năm 2, Trường ĐH Văn Lang thổ lộ: “Ngoài việc học, theo em mỗi sinh viên nên dành ra một ít thời gian tham gia vào các hoạt động tình nguyện để góp phần giúp ích cho xã hội. Không những thế, khi tham gia các hoạt động tình nguyện, chúng ta sẽ có cơ hội tự rèn luyện bản thân, sống có trách nhiệm và biết chia sẻ với cộng đồng”.

Việc làm của các bạn còn được người dân nơi đây xem như một dấu hiệu để đánh động mọi người có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Anh Trần Thanh Tuấn, một người dân ngụ tại đây cho rằng: “Việc làm của các em không những giúp con rạch này được sạch sẽ, thông thoáng mà quan trọng hơn là góp phần làm thay đổi nhận thức của một số người vốn có thái độ thờ ơ với môi trường”.

Lê Thanh - Lê Quý 

>> Sinh viên tình nguyện làm 'dải phân cách' phân luồng giao thông
>> Thăm, tặng quà sinh viên tình nguyện 'Tiếp sức mùa thi
>> Hơn 2.500 sinh viên tình nguyện tập huấn tiếp sức mùa thi
>> Tuyển 3.000 sinh viên tình nguyện 'Tiếp sức mùa thi  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.