Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Doanh nghiệp, người dân khó khăn trong trả nợ

Mai Hà
Mai Hà
01/11/2023 15:24 GMT+7

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, doanh nghiệp và người dân khó khăn trong trả nợ, khiến các tổ chức tín dụng cũng khó thu hồi nợ.

Tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 1.11, kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, những khó khăn nội tại của nền kinh tế chưa thể xử lý trong một thời gian ngắn. 

Thống đốc NHNN: Doanh nghiệp, người dân khó khăn trong trả nợ - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

GIA HÂN

Điều này đã tạo áp lực cho việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi chính sách tiền tệ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ như kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, giảm mặt bằng lãi suất ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng trong mọi tình huống. 

Bà Hồng cũng nhắc lại việc Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt về tín dụng, thúc đẩy cả bên cung vốn tín dụng cũng như các giải pháp để thúc đẩy bên cầu vốn tín dụng. Đặc biệt, NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. 

Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm, đến 27.10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.

Theo bà Hồng, nhiều giải pháp đang được thực hiện song song, như xúc tiến thương mại để tăng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng. 

Bà Hồng cũng cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Liên quan đến tín dụng phát triển thủy sản theo Nghị định 67, bà Hồng cho biết, những ngân hàng chần chừ và chưa quyết liệt cũng bị phê bình và nhắc nhở ngay. Đến nay thì dư nợ tín dụng đối với Nghị định 67 này là khoảng 9.000 tỉ đồng nhưng mà có tới 8.000 tỉ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra ngoại bảng. 

"Hiện nay doanh nghiệp và người dân khó khăn trong trả nợ và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong thu hồi nợ", bà Hồng nêu và cho rằng cần các giải pháp triệt để xử lý vấn đề này. 

Trước đó, nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho biết, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới, tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra... 

Ngoài ra, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, ông Tuấn cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. 

Đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số... là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.