‘Yết Kiêu’ trên chiến trường B: Chiến công vang dội ở ‘cái dạ dày’ nước Việt

13/04/2016 06:00 GMT+7

Trên mảnh đất Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị) chiến lược, là cửa ngõ ra Bắc vào Nam, người lính đặc công hải quân dù vũ khí thô sơ nhưng đã lập những chiến công lẫy lừng với cách đánh sáng tạo ít ai ngờ tới.

Trên mảnh đất Cửa Việt - Đông Hà (Quảng Trị) chiến lược, là cửa ngõ ra Bắc vào Nam, người lính đặc công hải quân dù vũ khí thô sơ nhưng đã lập những chiến công lẫy lừng với cách đánh sáng tạo ít ai ngờ tới.

Biển số tàu LCU và đồng hồ điện, tay lái, bảng điện của con tàu địch thứ 100 bị đặc công hải quân đánh chìm ở Cửa Việt (Quảng Trị), tháng 12.1968. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hải quân - Ảnh chụp lạiBiển số tàu LCU và đồng hồ điện, tay lái, bảng điện của con tàu địch thứ 100 bị đặc công hải quân đánh chìm ở Cửa Việt (Quảng Trị), tháng 12.1968. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hải quân - Ảnh chụp lại
Bơi ra biển đánh tàu dầu 15.000 tấn
Cuối tháng 11.1966, đội 1 và bộ phận tiền phương của Đoàn đặc công hải quân 126 vào tới Vĩnh Linh (Quảng Trị). Theo thiếu tướng Mai Năng (tên thật là Tạ Văn Thiều), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trưởng Đoàn đặc công hải quân 126, hàng vạn quân địch bị chôn chân ở mặt trận đường 9 - Khe Sanh nên địch coi tuyến đường biển Cửa Việt - Đông Hà là “cái dạ dày” để tiếp tế vũ khí, nhu yếu phẩm.
dac-cong-hai-quan
Thiếu tướng Mai Năng (tên thật là Tạ Văn Thiều), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những người "khai sinh" ra Đoàn đặc công hải quân 126 - Ảnh: V.N.K
“Mặt trận B5 và Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao cho Đoàn 126 nhiệm vụ trinh sát kỹ cảng Cửa Việt và cảng Đông Hà, chuẩn bị lực lượng vào tác chiến tiêu diệt sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng trên sông, làm tắc nghẽn tuyến giao thông trọng yếu này của địch”, ông Mai Năng nói và kể lại nhiều trận đánh táo bạo, bất ngờ của lính đặc công hải quân khiến cho mảnh đất Quảng Trị “dậy sóng”. 
Tối 31.3.1967, lực lượng chiến đấu của đội 1 đã chiến thắng trận đầu khi đánh chìm tàu cuốc Hayda đi nạo vét ở cảng Cửa Việt. Theo thiếu tướng Mai Năng, ngoài tổ đánh tàu còn có bộ phận trinh sát, vận tải, cứu thương đã bí mật vượt sông Bến Hải tiến vào xóm Cát Sơn trước đó một ngày để tạm giấu quân, nghe ngóng tình hình địch và đột nhập bờ bắc Cửa Việt an toàn. 
“Đêm hôm đó, lính gác vẫn đi lại trên tàu cuốc và đèn pha ở bờ nam chiếu xuống sáng trắng. Chiến sĩ Tống Duy Kiên và Nguyễn Văn Kiểm đã bơi ra giữa sông tiếp cận mục tiêu, đặt mìn hẹn giờ khiến cho chiếc tàu nổ tung. Khu vực cảng Cửa Việt náo loạn, trên trời máy bay quần lượn bắn pháo sáng, còn tàu chiến, xe lội nước M113 chạy nhốn nháo”, ông Mai Năng kể lại và đánh giá, trận đầu ra quân giành thắng lợi đã “luồn một lưỡi dao vào yết hầu của địch”, tạo tiền đề cho lực lượng đặc công hải quân 126 trên mặt trận B5 Quảng Trị đánh thắng nhiều trận tiếp theo. 
dac-cong-hai-quan1
Đội 1, Đoàn đặc công hải quân 126 được Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân tại Bắc Quảng Trị - Ảnh chụp lại tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Còn đại tá Nguyễn Đình Thi, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó tham mưu trưởng Binh chủng đặc công cho biết, lực lượng đặc công hải quân không ngừng sáng tạo các cách đánh tàu neo đậu của địch ở nhiều hướng bằng kỹ thuật áp mạn thô sơ CK2, đánh tàu địch bằng kỹ thuật người nhái kết hợp với CK2, rồi kỹ thuật người nhái đánh mục tiêu cố định như cầu, tàu neo đậu trong cảng.
“Lực lượng đặc công ở Cửa Việt đã luồn sâu, ém sát, đánh hiểm, gặt hái nhiều thắng lợi, có trận đánh chìm 5 tàu LCU và LCM của Mỹ trong một đêm tại cảng Đông Hà. Một trận đánh diễn ra 6 ngày liên tục vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.1968, đánh chìm 3 tàu gồm: tàu LST 5000 tấn, tàu LCU 360 tấn và tàu tuần tiễu. Lãnh đạo Mặt trận B5 đã đặt tên trận đánh là “ngựa hý biển Đông”, bịt cảng Cửa Việt trong 5 ngày liền”, ông Thi cho biết. 
Bị đặc công nước của ta đánh chìm, đánh hỏng, nhiều tàu vận tải ở Cửa Việt - Đông Hà, địch buộc phải phân tán lực lượng, thay đổi phương thức vận tải, các tàu trọng tải lớn trên 4.000 tấn phải neo đậu ngoài biển, cách bờ từ 1 - 5 hải lý, không được vào cảng.
dac-cong-hai-quan2
Ông Mai Xoa (bìa trái), Đoàn trưởng đặc công hải quân 126 đang giao nhiệm vụ cho các phân đội đánh tàu địch tại Cửa Việt - Quảng Trị, năm 1969 - Ảnh chụp lại tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Theo thiếu tướng Mai Năng, thực tế trên chiến trường đặt ra cho đặc công hải quân ngoài nhiệm vụ đánh tàu ở cảng, trên sông, phải tìm cách đánh tàu địch ở ngoài biển. “Đây là một nhiệm vụ hết sức mới mẻ và đầy khó khăn. Ban chỉ huy Đoàn 126 xác định phương châm đánh tàu địch trên biển là dùng lực lượng nhỏ, kiên trì, táo bạo, thọc sâu, giấu kín, quyết đánh và đánh thắng”, ông Mai Năng chia sẻ. 
Trong khi 5 tàu tuần tiễu và 3 máy bay trực thăng lượn tuần tra khu vực cảng thì các chiến sĩ đã tìm được nơi hiểm yếu, cạo hà, gắn mìn và con tàu dầu nổ tung, bùng cháy dữ dội sau đó 2 giờ. 
Quá trình chiến đấu, đặc công hải quân sáng tạo ra nhiều cách sử dụng và kết hợp các loại vũ khí, phương tiện như đánh phục kích bằng thủy lôi, kết hợp hỏa lực bắn thẳng và dùng chướng ngại vật trên sông… Tiêu biểu là trận đánh phối hợp giữa Đoàn 126 với du kích xã Cam Giang, huyện Cam Lộ, Quảng Trị bày binh bố trận, cắm cọc tre vót nhọn xuống lòng sông Hiếu, rồi nghi binh đánh lừa địch sa bẫy để dụ các tàu khác vào, máy bay trực thăng của địch đến để giải vây.
Trong trận này, đã có 8 tàu bị đánh chìm, bắn rơi 2 máy bay, chiến công này được ví như trận Bạch Đằng trên sông Hiếu vào tháng 3.1968.
dac-cong-hai-quan3
Một số vũ khí như đầu thủy lôi HAT-2, bơm phóng HBF được đặc công hải quân dùng trong các trận đánh. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hải quân - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan4
Ngòi nổ thủy lôi áp suất được Đoàn 126 Hải quân sử dụng đánh chìm nhiều tàu địch ở Cửa Việt - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan5
Bức tranh vẽ chiến sĩ đặc công hải quân tiếp cận mục tiêu, trưng bày tại Bảo tàng Hải quân - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan
Tài liệu của địch thống kê số lượng tàu bị đặc công hải quân đánh chìm, đánh hỏng, năm 1972 - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan6
Ngày 24.12.1968, Bác Hồ đã trao cờ thưởng cho lực lượng đặc công hải quân khi đánh chìm, đánh hỏng 100 tàu chiến, tàu chở hàng của Mỹ - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan7
Lực lượng đặc công hải quân đón nhận lẵng hoa của Bác Tôn Đức Thắng tặng về thành tích đánh chìm chiếc tàu địch thứ 200, năm 1970. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết thư khen ngợi nhân chiến công xuất sắc này - Ảnh chụp lại tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Dựa vào dân mà chiến đấu
Theo Chuẩn Đô đốc Phạm Ngọc Chấn, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Hải quân, sức mạnh lòng dân chính là nhân tố lập nên chiến công xuất sắc của đặc công hải quân trên chiến trường Quảng Trị. Suốt những năm tháng chiến đấu, đặc công hải quân luôn dựa vào dân để xây dựng cơ sở nắm địch, hợp đồng chặt chẽ với nhân dân, lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích để chiến đấu. Đặc biệt, đã huấn luyện, hướng dẫn cho dân quân du kích xã Vĩnh Quang, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị trực tiếp thả thủy lôi và đánh chìm tàu địch. 
“Tôi không bao giờ quên hình ảnh chiến đấu và hy sinh bi tráng của cả một tiểu đội nữ du kích để bảo vệ an toàn cho đặc công hải quân luồn sâu vào trong lòng địch. Rồi những năm tháng được bà con trên tuyến lửa Quảng Trị che giấu trong hầm bí mật, nhường cho những nắm cơm thấm đẫm mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt, trong khi họ ăn củ mì, củ chóc để sống và chiến đấu”, ông Chấn kể và cho biết, nhiều người dân bị địch bắt và tra tấn tàn bạo nhưng vẫn không khai ra nửa lời về các chiến sĩ đặc công hải quân.
dac-cong-hai-quan8
Tượng biểu trưng tình quân dân giữa bộ đội đặc công hải quân với nhân dân Quảng Trị - Ảnh chụp lại
Còn thiếu tướng Mai Năng cho biết, đối phương lập vành đai trắng, người dân phải bỏ làng mạc đi sơ tán nên những người lính đặc công hải quân càng hiểu được tầm quan trọng của sức dân, nhờ nhân dân đùm bọc, giúp đỡ. Ông không khỏi xúc động khi nhớ về bà mẹ Hãn ở thôn Quang Thượng, xã Gio Hà, huyện Gio Linh, Quảng Trị đã che giấu ông và đồng đội trong một lần bị địch vây bắt.
“Hôm đó, chúng tôi đi trinh sát thì bị địch truy bắt nên chạy vào nhà mẹ Hãn, được che giấu dưới hầm trong nhà. Khi chúng ập vào thì mẹ Hãn rất bình tĩnh, mời chúng uống rượu và dẫn đi khắp nơi để tìm kiếm, không thấy gì chúng liền bỏ đi. Khi đưa chúng tôi ra, mẹ Hãn nói rằng “với địch thì không nên tỏ ra sợ hãi” rồi động viên chúng tôi. Đó chính là sức mạnh lòng dân”, ông Mai Năng bồi hồi và nói rằng, những chiến công của đặc công hải quân là chiến thắng của nhân dân.
dac-cong-hai-quan
Chiếc áo len của bà Trần Thị Lành, nguyên Bí thư chi bộ thôn An Trung, Gio Linh, Quảng Trị sử dụng từ năm 1968 - 1973. Khi có địch càn, bà mặc áo len này để làm tín hiệu báo tin cho bộ đội đặc công hải quân. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hải quân - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan
Ông Bùi Hiệp, nguyên Phó bí thư chi bộ thôn An Trung, Gio Linh, Quảng Trị đã giấu thư báo tình hình địch trong cán cuốc này để chuyển đến hộp thư bí mật cho đặc công hải quân - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan
Vỏ quả bầu dùng làm hộp thư bí mật để liên lạc giữa chi bộ Gio Hà, huyện Gio Linh, Quảng Trị với lực lượng đặc công hải quân do chị Trần Thị Lành trực tiếp đưa và nhận từ năm 1967 - 1972 - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan
Hũ sành dùng đựng gạo nuôi quân do nhân dân thôn An Trung, Gio Linh, Quảng Trị quyên góp - Ảnh chụp lại
dac-cong-hai-quan
Người dân huyện Gio Linh, Quảng Trị đưa bộ đội đặc công hải quân qua sông đánh địch - Ảnh chụp lại tư liệu tại Bảo tàng Hải quân
Theo Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Ủy viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân, 7 năm liên tục chiến đấu dũng cảm, kiên cường trên mặt trận Cửa Việt - Đông Hà (1966 - 1973), Đoàn đặc công hải quân 126 đã lập nên những chiến công huy hoàng. Trong hơn 300 trận đánh, đã có hơn 370 tàu vận tải, tàu quân sự của địch bị đánh chìm, đánh hỏng, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh…
Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, lực lượng đặc công hải quân đã tham gia giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đoàn đặc công hải quân 126 còn tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. Đoàn đã 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 4 đơn vị và 12 cán bộ, chiến sĩ của đoàn đều được phong tặng anh hùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.