TP.HCM: Người thuê trọ chật vật trong khu phong tỏa những ngày giãn cách

22/07/2021 10:00 GMT+7

Từ khi bùng phát dịch Covid-19 đến nay, trên địa bàn P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân (TP.HCM) có khoảng 100 điểm phong tỏa. Phần lớn người dân sống trên địa bàn là dân nhập cư, thuê trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Đã 15 ngày từ khi khu thuê trọ của chị Bùi Thị Hường (31 tuổi, quê Đồng Tháp) trên đường Trần Thanh Mại (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) được căng dây, đặt rào chắn phong tỏa vì liên quan đến ca nhiễm Covid-19, cuộc sống gia đình chị và nhiều người dân khác thuê trọ tại đây nhiều thay đổi.

Một trong nhiều chốt phong tỏa được dựng lên tại khu chợ tự phát gần chợ truyền thống Bà Hom (P. Tân Tạo A)

ẢNH: TRẦN KHA

Chuỗi ngày vất vả

Chị Hường cho biết, sau khi lập gia đình, chị cùng chồng rời quê Đồng Tháp lên TP.HCM thuê trọ kiếm sống. Chồng đi làm hồ, vợ đi bán vé số dạo, tuy vất vả nhưng số tiền kiếm được cũng đủ để anh chị trang trải cuộc sống, nuôi hai con ăn học.
Dịch bùng phát, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch, nhiều ngành nghề trong đó có hoạt động bán vé số cũng tạm ngưng. Gần đây phát sinh ca nhiễm Covid-19, lực lượng chức năng cho phong tỏa một phần đoạn đường Trần Thanh Mại, trong đó có khu trọ chị Hường thuê ở. 
Sống trong khu phong tỏa, không thể đi làm, không tiền, khiến cuộc sống gia đình chị Hường trở nên bế tắc. “Mình làm lao động chân tay, làm ngày nào ăn ngày đó. Nghỉ một ngày là khổ rồi”, chị Hường chia sẻ.
Lo lắng nhất của chị Hường là bản thân đang mang thai tuần thứ 37, vài ngày nữa hạ sinh em bé nhưng hiện tại vẫn chưa thể chuẩn bị được gì cho việc vượt cạn của mình.“Bị phong tỏa cuộc sống mình giờ rối ren hết, tiền ăn, tiền sinh nở sắp tới, không biết sao”, chị Hường buồn rầu.

Việc trao nhận hàng hóa tại chốt phong tỏa đường QL1 - đường số 7 nối dài (P.Tân Tạo A)

ẢNH: TRẦN KHA

Ở cùng khu trọ với chị Hường, hai vợ chồng chị Châu Ngọc Diễm (quê Hậu Giang) nuôi hai con nhỏ 4 tuổi và 5 tháng tuổi cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Con nhỏ, chị Diễm phải nghỉ việc ở nhà trông nom, lo việc nội trợ. Mọi mưu sinh cuộc sống gia đình trông chờ vào người chồng. Cuối tháng 12.2020, chồng chị Diễm phải phẫu thuật, mổ ruột thừa, dù đang sức yếu chồng chị Diễm vẫn cố gắng đi làm, kiếm tiền nuôi gia đình nhỏ của mình.
Khi khu trọ phong tỏa, công việc chồng chị Diễm cũng bị gián đoạn, cái ăn trở thành gánh nặng thật sự với cả gia đình chị Diễm. “Ở trong này người ta cho gì ăn nấy thôi. Có bữa hai vợ chồng phải nhịn đói, chỉ tội hai con còn nhỏ quá. Mong hết dịch đi làm lại, nấu bữa cơm có cá, thịt cho con ăn thỏa thích”, chị Diễm nghẹn ngào.

Ông chủ xưởng cơ khí chế tạo xe chống giọt bắn vận chuyển lương thực cho hẻm phong toả ở Sài Gòn

Chật vật lo cái ăn

Cách đó không xa, tại khu trọ 1102 QL1, Khu phố 2, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân cũng bị phong tỏa, cuộc sống của nhiều gia đình tại đây cũng “chật vật” để lo cái ăn.
Là công nhân làm việc lâu năm tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân), vợ chồng chị Phạm Anh Thư (quê Trà Vinh) chưa bao giờ thấy cuộc sống công nhân thuê trọ lại khó khăn như hiện nay.
Trước đây, mức lương công nhân đủ để hai vợ chồng chị trang trải cuộc sống, dư ít tiền chị gửi về quê cho gia đình và lo cho con ăn học. Dịch bệnh ập đến, khu trọ phong tỏa, không đi làm cuộc sống gia đình trở nên eo hẹp. Tiền hai vợ chồng đi làm dành dụm cũng đã xài hết. Số lương thực gia đình mua dự trữ ăn những ngày cách ly cũng không còn. “Thật sự mình rất khủng hoảng, muốn về quê nhưng cũng không được”, chị Thư cho biết.

Người dân trong khu phong tỏa đặt mua thực phẩm qua mạng và được người bán chuyển đến

ẢNH: TRẦN KHA

Đáng thương hơn là hoàn cảnh của chị Lê Thị Ánh Tuyết (quê Tiền Giang), hàng xóm cạnh phòng trọ chị Thư.
Những ngày sống một mình tại phòng trọ, trong khu cách ly, cuộc sống vật chất thiếu thốn, không có người bầu bạn, chăm sóc khiến chị Tuyết thêm tủi thân, khóc nghẹn vì nhớ nhà.
Chị Tuyết cho hay, cuộc đời công nhân 19 năm đi làm xa nhà nhưng đây là giai đoạn khó khăn nhất chị phải trải qua. Không thể ra ngoài mua đồ ăn, cũng không có người thân tiếp tế lương thực, cuộc sống của chị Tuyết phải dựa vào những phần mì tôm chủ nhà trọ hỗ trợ trước đó để sống qua ngày. “Cầu mong hết dịch đi làm lại, không thì về quê, sống như vầy khổ quá”, chị Tuyết nói.
Theo chị Tuyết, khu trọ chị đa phần là công nhân, cuộc sống khó khăn, hiện tại vẫn chưa được sự hỗ trợ từ bên ngoài. Để động viên người thuê trọ, bà Viễn chủ nhà cùng em trai mua mì tôm, gạo… đến tặng. Ngoài ra bà còn giảm không thu tiền trọ tháng 7 để động viên người thuê trọ ở lại, yên tâm chống dịch.
Không chỉ bà Viễn, nhiều chủ nhà trọ khác trên đường số 5, đường số 7 nối dài (P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân) cũng đã chủ động giảm tiền nhà để hỗ trợ người thuê trọ trong thời điểm khó khăn này.

Trời mưa, người phụ nữ che dù đi tiếp tế lương thực cho người thân trong khu phong tỏa trên đường Trần Thanh Mại (P. Tân Tạo A)

ẢNH: TRẦN KHA

Đội tình nguyện hoạt động hết công suất

Ông Lại Văn Hùng, Chủ tịch UB MTTQ P.Tân Tạo A (Q.Bình Tân), cho biết từ khi bùng phát dịch đến nay, P.Tân Tạo A có khoảng ngoài 100 điểm phong tỏa. Hiện tại theo danh sách trên địa bàn còn 79 điểm phong tỏa. Nằm gần khu công nghiệp nên địa bàn có nhiều người dân nhập cư, thuê trọ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
Để kịp thời hỗ trợ đến người dân trong các khu cách ly, phong tỏa, ảnh hưởng do dịch Covid-19, hiện UB MTTQ P.Tân Tạo A lập đội tình nguyện viên khoảng 30 người làm việc hết công suất.
Công việc hàng ngày của đội bao gồm nhận hàng hóa nhu yếu phẩm của các nhà hảo tâm gửi đến rồi phân chia hàng hóa, chở các nhu yếu phẩm đến các chốt phong tỏa để hỗ trợ người dân. "Đến thời điểm này hầu hết những hộ dân trong khu phong tỏa điều nhận được ít nhất một phần quà gồm 5 kg gạo và mì cùng rau, củ, quả từ các nhà hảo tâm”, ông Hùng nói.

Vội vàng tiếp tế khi cả phường ở Bình Thạnh bị phong tỏa vì Covid-19

Cũng theo theo ông Hùng, do công việc hiện tại rất lớn nên cũng không tránh khỏi thiếu sót. Tuy nhiên thông qua các kênh thông tin mà người dân phản ánh, các nhóm làm việc ghi nhận một số trường hợp thiếu sót đã được ông đích thân xuống kiểm tra và trao quà. “Khi nhận sự phản ánh hay có những hoàn cảnh nào khó khăn bị thiếu sót tôi sẽ cho kiểm tra ngay, tránh trường hợp những hoàn cảnh khó khăn không được hỗ trợ kịp thời”, ông Hùng cho biết thêm. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.