'Ốc đảo' nhiều không

02/12/2016 14:38 GMT+7

Chúng tôi trở lại xã Cư M'Lan (H.Ea Súp, Đắk Lắk) vào một ngày cuối năm. So với cách đây 10 năm, đường về thôn Bình Lợi tuy vẫn là đường đất nhưng phẳng phiu hơn nhiều.

Bà trưởng thôn của “ốc đảo nhiều không”
Từ trung tâm xã Cư M'Lan, đi thêm hơn 27 km đường đất nữa mới đến thôn bà An Kỳ nổi tiếng heo hút một thời, tức thôn Bình Lợi bây giờ.
Trong những người đầu tiên đặt chân đến cánh rừng phía Tây huyện Ea Súp hơn 20 năm trước, có một người phụ nữ người dân tộc Dao, sau này, tên bà được người dân ở đây dùng đặt tên thôn, một cái tên khá lạ: Bàn Diệu An Kỳ.
Năm 1995, bà An Kỳ dắt díu bầy con nhỏ đi tìm đất mưu sinh và đậu lại nơi này. Ban đầu chỉ có vỏn vẹn 3 hộ dân sống cạnh rừng già, đêm nào trước nhà cũng phải đốt một đống lửa to để xua đuổi thú rừng. Rồi người tứ xứ cũng tìm đến, hình thành một điểm dân cư mới. Mọi người tín nhiệm bầu bà làm trưởng thôn. Đó là những trang đời đầu tiên của điểm dân cư xa xôi bậc nhất của huyện vùng sâu Ea Súp này.
Nhắc lại những khó khăn của người đi băng rừng mở đất, bà An Kỳ, năm nay đã ngoài 50, vẫn không thôi trăn trở. 10 năm liên tục làm trưởng thôn ở một điểm dân cư cực kỳ khó khăn, bà nói, khổ nhất là những khi có tiền gạo ở trên hỗ trợ về, không biết nên chia cho ai, ai nhiều ai ít, vì nhìn quanh thấy ai cũng còn thiếu thốn. 10 năm làm trưởng thôn là mười năm bà lội bộ ra xã, ra huyện họp rồi ngủ lại mai mới về vì đường rừng xa xôi nguy hiểm.
Những năm trước đây, người ta gọi thôn bà An Kỳ là "ốc đảo nhiều không", không đường sá, không điện nước, không trường học, không trạm y tế, không hộ khẩu, không cả chứng minh nhân dân... Trên bản đồ hành chính của H.Ea Súp, vị trí này có tên là Tiểu khu 265 thuộc xã Cư M'Lan, sự tồn tại của người dân ở đây không được chính quyền địa phương thừa nhận.
Khu vườn trù phú của một người dân Bình Lợi
Những quả ngọt mùa đầu...
Về thôn Bình Lợi hôm nay, ấn tượng đầu tiên là màu xanh của những khu vườn. Tiêu, điều, cao su đã bén rễ đâm chồi, cho thu hoạch đáng kể. Bà An Kỳ chỉ tay phía trước, phía sau nhà, "Còn lại hơn chục héc ta đất đấy, nhưng làm không xuể, cho người ta làm bớt rồi, bắp đậu cũng nhiều nhiều, riêng tiêu mới thu bói, mùa này cũng chừng 4 đến 5 tạ!”.
Lý Tòn Chuông, trưởng thôn người Dao còn trẻ măng, cho biết hiện đã có 241 hộ dân với 948 nhân khẩu cư ngụ tại đây, gồm người Dao, Tày, Nùng, H'Mông. Nhìn chung bà con đoàn kết, chí thú làm ăn, nhà nào cũng có đất đai canh tác, biết trồng xen canh cây ngắn ngày với cây công nghiệp để lấy ngắn nuôi dài.
Chúng tôi ghé thăm Phân hiệu của Trường TH CưM'Lan, nơi mà cách đây dăm năm còn là niềm ao ước cháy bỏng của người dân nơi đây, giờ đã là một trường học khang trang nằm trên ngọn đồi đất đỏ. Thầy Lê Ngọc Quyết, người đã 3 năm liền bám điểm trường này, cho biết phân hiệu được thành lập năm 2014-2015, lúc đầu chỉ có 2 lớp, đến nay đã có 7 lớp cấp Tiểu học và 3 lớp mẫu giáo. Các thầy cô vượt hơn 27 km từ trường chính ở trung tâm xã vào đây để các cháu không còn "đói chữ".
Những bộn bề còn lại
Đường vào thôn Bình Lợi hôm nay
Cuộc sống đã bớt gian khổ, nhưng Bình Lợi vẫn còn đó những bộn bề lo toan không thể giải quyết xong trong một sớm một chiều. Thôn Bình Lợi đến nay vẫn chưa có điện, chưa có trạm y tế, khó khăn nhất là vẫn chưa có hộ khẩu, chưa được cấp chứng minh nhân dân. Hơn 900 con người vẫn chưa được pháp luật thừa nhận.
Trưởng thôn Lý Tòn Chuông nói: “Không có hộ khẩu, dân khó khăn nhiều lắm, tôi đi họp cũng đề xuất nhiều mà chưa được! Bà cựu trưởng thôn than thở: không có hộ khẩu là không được vay vốn ngân hàng, không có tiền đầu tư, đồng bào mình đi vay ngoài với lãi suất cao, làm không đủ trả nợ đâu!”.
Không chỉ có vậy, Phân hiệu trường Bình Lợi mới chỉ có cấp Tiểu học, các cháu học xong lớp 5 là nghỉ, ở nhà đi làm rồi lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Cái khổ nghèo lại luẩn quẩn đi theo.
Còn ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND H.Ea Súp cho biết: Thôn Bình Lợi là một vấn đề nan giải, bởi theo các quy định của pháp luật hiện hành thì toàn bộ đất ở đó là đất rừng, không được phép khai phá. Thực tế thì người dân đã định cư tại đó rồi, muốn quy hoạch thành điểm dân cư thì phải xin phép cấp quản lý cao hơn về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp.
"Huyện đã có quy hoạch, đã có đối thoại với bà con, nhưng khi quy hoạch lại, diện tích đất cấp cho họ phải ít hơn chứ không thể mạnh ai nấy giành, người 2 héc ta, người 5 hoặc 7 héc ta như bây giờ. Bà con nghe thế lại không đồng ý. Chúng tôi biết rằng không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân và cơ sở hạ tầng thì người dân không được hưởng chính sách của Nhà nước, nhưng khi giải quyết thì vướng rất nhiều thủ tục. Hiện UBND đang xin chủ trương của tỉnh, trung ương để giải quyết khúc mắc này", ông Đông cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.