Kết quả phê chuẩn 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của Chính phủ

08/04/2021 10:45 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang nhận được số phiếu đồng ý phê chuẩn cao nhất với 99,37 % phiếu. Với 84,28% số phiếu đồng ý, Phó thủ tướng Lê Văn Thành là người có tỷ lệ phiếu đồng ý phê chuẩn thấp nhất.

Sáng nay, 8.4, Quốc hội đã bỏ phiếu kín phê chuẩn bổ nhiệm 2 phó thủ tướng, 12 bộ trưởng theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Kết quả bỏ phiếu vừa được công bố vài phút trước.

Quốc hội bầu 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng mới của chính phủ

Số phiếu phát ra 477 phiếu, số phiếu thu về 477 phiếu, trong đó có 476 phiếu hợp lệ, 1 phiếu không hợp lệ (riêng trường hợp ông Lê Văn Thành có số phiếu không hợp lệ là 3).
Kết quả cụ thể như sau:
1. Ông Lê Minh Khái: có 471 phiếu đồng ý, chiếm 98,74% số đại biểu Quốc hội (ĐB) có mặt; không đồng ý 5.
2. Ông Lê Văn Thành: (có 474 phiếu hợp lệ, 3 phiếu không hợp lệ), 402 phiếu đồng ý, bằng 84,28% số ĐB có mặt; không đồng ý 72.
3. Ông Phan Văn Giang: 474 phiếu đồng ý, bằng 99,37% số ĐB có mặt; không đồng ý 2
4. Ông Bùi Thanh Sơn: 470 phiếu đồng ý - bằng 98,53% ĐB có mặt; không đồng ý 6
5. Bà Phạm Thị Thanh Trà: 408 phiếu đồng ý, bằng 85,53% ĐB có mặt, không đồng ý 68
6. Ông Lê Minh Hoan: 440 phiếu đồng ý, băng 92,24% số ĐB có mặt, không đồng ý 36.
7. Ông Nguyễn Thanh Nghị: 457 phiếu đồng ý, bằng 95,81% ĐB có mặt, không đồng ý 19.
8. Ông Nguyễn Văn Hùng: 439 phiếu đồng ý, bằng 92,03% ĐB có mặt, không đồng ý 37
9. Ông Hầu A Lềnh: 450 phiếu đồng ý, bằng 94,34% ĐB có mặt, không đồng ý 26
10. Ông Trần Văn Sơn: 460 phiếu đồng ý, bằng 96,44% ĐB có mặt, không đồng ý 16
11. Ông Hồ Đức Phớc: 458 phiếu đồng ý, bằng 96,02% ĐB có mặt, không đồng ý 18
12. Ông Nguyễn Kim Sơn: 424 phiếu đồng ý, bằng 88,89% ĐB có mặt, không đồng ý 52
13. Ông Nguyễn Hồng Diên: 417 phiếu đồng ý, bằng 87,42% số ĐB có mặt, không đồng ý 59
14. Ông Đoàn Hồng Phong: 437 phiếu đồng ý, bằng 91,61% ĐB có mặt, không đồng ý 39
Sau đó, với 455/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội cũng đã biểu thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn bổ nhiệm 2 phó thủ tướng và 12 bộ trưởng, thành viên Chính phủ. 

Độ tuổi trung bình của các thành viên Chính phủ là 57,96

Như vậy, sau khi kiện toàn, Chính phủ có 28 thành viên, gồm Thủ tướng, 5 Phó thủ tướng và 22 bộ trưởng, trưởng ngành.
So với trước khi kiện toàn, Chính phủ đã có thêm 2 thành viên. Trước khi kiện toàn, Chính phủ có 26 thành viên, gồm Thủ tướng, 4 Phó thủ tướng và 21 bộ trưởng, trưởng ngành (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh kiêm Bộ trưởng Ngoại giao).
Tuy nhiên, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình không tái cử T.Ư khóa XIII, do đó, khả năng ông Bình sẽ được miễn nhiệm vào tháng 7 tới khi Quốc hội khóa 15 bầu Chính phủ mới.
Về độ tuổi, độ tuổi trung bình của 28 thành viên Chính phủ sau kiện toàn là 57,96 tuổi, thấp hơn một chút so với Chính phủ trước khi kiện toàn (60,34 tuổi).
Cụ thể, có 2 thành viên dưới 50 tuổi, 17 thành viên từ ở độ tuổi 50 đến 60 tuổi và 6 thành viên từ 61 tuổi trở lên.
Trong Chính phủ trước đó, có 14 thành viên tuổi từ 53 - 60, 12 thành viên tuổi từ 61 - 67, không có thành viên dưới 50 tuổi.
Thành viên Chính phủ mới trẻ tuổi nhất là ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông Nghị sinh năm 1976, năm nay 45 tuổi. 
Người trẻ tuổi thứ 2 trong Chính phủ là ông Hầu A Lềnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 48 tuổi.
Trong Chính phủ trước đó, người trẻ tuổi nhất là bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, 53 tuổi.
Thành viên Chính phủ cao tuổi nhất là ông Trương Hòa Bình, 66 tuổi. Người cao tuổi thứ 2 trong Chính phủ là ông Tô Lâm, 64 tuổi.
Trong Chính phủ trước đó, 2 người cao tuổi nhất là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và ông Ngô Xuân Lịch, cùng 67 tuổi.
Chính phủ mới cũng có 2 thành viên là nữ; bổ sung thêm 1 thành viên nữ là bà Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Trước đó, vào đầu nhiệm kỳ (2016), Chính phủ có 1 thành viên nữ là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tuy nhiên, do bà Tiến không phải là ủy viên T.Ư nên Quốc hội miễn nhiệm vào 11.2019 khi bà Tiến đến tuổi nghỉ hưu.
Vào cuối năm 2020, Chính phủ bổ sung thêm một thành viên nữ là bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thay cho ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng T.Ư Đảng. 
Khác với Chính phủ đầu nhiệm kỳ, toàn bộ 28/28 thành viên Chính phủ đều là Ủy viên T.Ư Đảng khóa XIII (đầu nhiệm kỳ 27/28 thành viên là Ủy viên T.Ư, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế không phải Ủy viên T.Ư).
Trong Chính phủ mới kiện toàn chỉ có 4 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 Ủy viên Ban Bí thư, ít hơn 1 người so với Chính phủ đầu nhiệm kỳ. Cụ thể, Chính phủ đầu nhiệm kỳ có 6 Ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng), Vương Đình Huệ (Phó thủ tướng), Trương Hòa Bình (Phó thủ tướng), Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng), Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an). 
Chính phủ mới kiện toàn có 4 Ủy viên Bộ Chính trị gồm các ông: Phạm Minh Chính (Thủ tướng); Phạm Bình Minh (Phó thủ tướng), Phan Văn Giang (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an). Phó thủ tướng Lê Minh Khái là Bí thư BCH TƯ Đảng.
Theo quy định tại Hiến pháp, sau khi được Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước sẽ ký quyết định bổ nhiệm chức vụ đối với những người được phê chuẩn, khi đó những người này mới chính thức nhậm chức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.