Thoảng gió

05/08/2012 03:00 GMT+7

Sáng hôm đó người đàn bà khoảng ba mươi hoặc trẻ hơn bị tiếng động từ sân trước đánh thức sớm hơn thường lệ.

Đầu những năm sáu mươi thế kỷ trước trở về trước, quý bà ở Huế vẻ như nhỉnh hơn tuổi bởi cung cách điệu đàng thư thả mà cha mẹ khổ công rèn từ thuở mới đi chập chững, lâu dần thành cốt cách, không phải cố thể hiện nữa khi tóc thề ngang vai. Người đàn bà có gương mặt buồn này cũng xuất thân danh gia vọng tộc nhưng có gần năm năm nội trú trường đầm ở Sài Gòn nên nét dáng có nhỉnh hơn tuổi thế kia hẳn không vì đậm chất Huế mà có lẽ do đã tự dìm mình vào rêu phong của Huế. Tại sao ư? Chỉ có thể đoán vậy thôi. Vì cho đến lúc truyện này được viết ra, người con trai duy nhất của bà vẫn như mơ hồ, và hẳn cũng đã tự dìm mình vào thứ ký ức rêu phong, không thấy có nhu cầu, hay đúng hơn là không dám, vén những bức màn tơ ngả màu thời gian mà người xưa đã buông xuống sau lưng họ, mùa mưa sau nối tiếp mùa mưa trước.

Trên tường phòng ngủ và dưới bức ảnh cưới lồng trong khung lớn chạm lá nho mạ vàng là cuốn lịch bóc dở hai năm trước, một ngày cuối thu 1959, ngày người đàn bà về nhà chồng. Ở Huế thời kỳ này mà chấp nhận được vậy thì rõ người chồng rất Tây, hoặc nhu nhược, hoặc không còn thiết tha gì. Hơn hai mươi thành viên trong ngôi biệt thự này, từ cụ ông ngoài tám mươi đã mấy năm không thể tự ra khỏi giường đến cô bé lên mười học việc ở nhà bếp đều biết “tình hình” giữa ông chủ và vợ. Cô bé còn nghe các chị các bà cùng thân phận thỉnh thoảng rúc rích ôn chuyện đêm tân hôn của hai người.

Cô dâu độc chiếm chiếc giường và không tắt đèn, chàng rể trải nệm nằm dưới sàn, nửa đêm về sáng khát khô do uống nhiều rượu, thức giấc, chưa kịp chạm đến chai nước lọc trên bàn ngủ cạnh giường thì cô dâu vùng dậy, vớ chai nước vung ngược dọa kẻ dám vi phạm “hiệp ước”, mũ chụp miệng chai bằng giấy bìa rơi xuống, nước tuôn òng ọc vào cô, làm bày hiện vẻ đẹp che giấu dưới áo ngủ. Hai người trân trối nhìn nhau trong im lặng thách thức, rồi cùng bật cười, ban đầu khẽ ngượng, sau vỡ òa, đánh thức cả nhà, rồi tắt đèn chung giường tới mười giờ sáng hôm sau mới xuất hiện. Nhưng chừng đó không đủ giúp hai người có thêm nhiều tiếng cười như thế. Các chị các bà bảo trường đầm đã làm hư người nội trợ trong bà chủ. Còn về ông chủ, họ tránh bình luận, chỉ chép miệng cảm thương, nên mỗi khi hóng chuyện, cũ mà như mới, cô bé thầm ước có thể làm chi cho ông chủ vui trở lại, còn làm cách chi thì nó mụ mị.

***

Tiếng lịch kịch vật nặng chất lên thùng xe và mấy câu trao đổi ngắn ngủi ngoài sân làm người đàn bà tỉnh hẳn, trở mình nằm nghiêng hướng ra cửa.

Nhẹ tay, vỡ bầu đất hại cây đó, giọng người chồng. Dạ con biết, lái xe xưng con dù lớn hơn chủ mấy tuổi. Đã nói là đi thật sớm kẻo nắng, chừ còn đây. Dạ không lo, trên nớ bốn mùa mát mẻ. Cửa xe đóng chát chúa sắt thép, máy nổ rền một lát rồi trầm êm, lốp xe nghiến mặt sân gạch kin kít, xa dần, mất hút, chỉ thoảng mùi xăng nhớt trong không khí một lúc.

Người đàn bà ngồi vào bàn trang điểm, nhìn môi hồng nhạt trong gương, rồi nhìn xuống mấy thứ son phấn không động đến dù thỉnh thoảng vẫn được thay mới, và dừng hơi lâu ở lọ nước hoa bằng sứ trắng, quà từ Paris đều đặn gửi về, mỗi năm một lần, và chỉ mỗi thứ ấy thôi, như điệp khúc hoài niệm của bản tình ca viết dở, Chanel N05. Khẽ nhíu mày với mình trong gương khi người đàn bà nghĩ đến chồng, người chẳng hề lên tiếng về việc vợ không tô son, cũng chẳng nhìn lâu vào lọ nước hoa lạ trên bàn phấn của vợ. Cho đến lúc này người đàn bà vẫn chờ đợi một trận tra hỏi đay nghiến, một cơn giận bộc phát từ chồng, như chờ viên sỏi ném xuống mặt hồ phẳng lặng, nhưng nó vẫn không xảy ra, có thể vì người chồng quá kiêu ngạo, hoặc mềm yếu. Dẫu sao điều bà chờ đợi cũng đã xảy ra sau đó, khá muộn.

Ngay sau đám tang mẹ, người con trai tìm thấy Chanel N05 xếp chật trong ngăn kéo tủ phấn, và anh bối rối khi gặp ánh mắt không bình thường của cha vừa bước lại gần. Ông lặng lẽ cầm lên xem qua từng lọ, trán hằn những nếp nhăn mới khi thong thả xếp chúng vào chỗ cũ bằng những ngón tay run run. Và như đọc thấu câu hỏi nên làm gì với Chanel N05 trong mắt con, ông bảo cứ để nguyên vậy, là mẹ gửi lại cho ba đó, và nói thêm khi đã quay đi mấy bước, nghe như vọng lại từ nơi rất xa: Mẹ muốn nói mẹ thương ba hơn ba tưởng. Người con đứng lặng nhìn theo lưng cha cho đến khuất, rồi nhìn xuống ngăn kéo vẫn đang mở, thử chạm tay vào các lọ Chanel N05. Tất cả đã chỉ nằm trên bàn phấn như món trang trí không thể thiếu, hoặc như dấu hiệu của sự thách thức bền bỉ, bởi không bao giờ được mở dùng, rồi lần lượt đứng bên nhau trong góc khuất này.

***

Đến thị trấn Cầu Hai, chiếc Citroen Traction màu đen rời quốc lộ, rẽ phải. Lo bầu đất hai gốc kiểng có thể bục vỡ trên đoạn đường xấu, lái xe giảm tốc. Anh đã biết ông chủ quan tâm đến điều đó thế nào khi hai thầy trò trần ai rước chúng từ đỉnh núi mây mù về biệt thự. Người đàn ông cũng đang nhớ về những ngày đó. Kỹ sư lâm nghiệp trưởng khu bảo tồn Bạch Mã chiều ước muốn của bạn thời trung học, đã cho ông bứng hai gốc đỗ quyên bên thác Đỗ Quyên đưa về. Mặc công tưới bón, hè năm đó cả hai rủ nhau chết héo. Không nguôi khát khao sở hữu loài hoa đỏ bên thác, ông lại lên Bạch Mã.

Người bạn cho thêm cơ hội, lần này kỳ công đến khó tin. Sau khi chọn hai gốc đỗ quyên vừa ý, họ chuyển chúng xuống trại cây giống ở lưng chừng núi, nơi nghiên cứu và nhân giống cây rừng bản địa. Việc này chưa từng xảy ra ở đây, bởi đỗ quyên thuộc loài cây bụi không nằm trong danh mục nghiên cứu. Với mức chênh lệch vài độ nhiệt so với tiểu khí hậu mát mẻ nơi sinh ra trên nghìn mét cao, hai gốc đỗ quyên phục hồi nhanh. Khi chúng tỏ ra đã thích nghi môi trường mới, họ tiếp tục hạ độ cao, thêm một lần như thế thì chạm chân “cõi trần”, rồi chờ chúng ăn chịu khí hậu đồng bằng. Vậy là sau gần một năm trời hai cây đỗ quyên kết thúc hành trình xuống núi, được trồng bên con “thác” của hòn giả sơn, thay cho gốc tùng và gốc sanh trước đó.

Cuối xuân đầu hạ năm sau chúng trổ hoa, tuy không sum suê bằng hồi ở bên thác đẫm sương lạnh, những cánh hoa nở giữa cố đô vẫn thắm màu đỏ riêng của loài đỗ quyên, đủ cho ông hứng khởi mở một chai Martell thưởng hoa với bằng hữu. Nhưng ngay mùa hoa sau đó đỗ quyên nhà ông đã từ đỏ thắm ngả sang hồng đào, và vừa rồi chỉ cho vài cánh phớt hồng buồn lạnh. Những tàn phai của tự nhiên làm ông nặng lòng, ngẫm nghĩ nhiều về nơi chốn mặc định của hoa, của người, rồi thấy có lỗi, và muốn chuộc lỗi... Lần này ngược lên Bạch Mã ông mang theo chai rượu, không biết chắc lòng mình buồn hay vui, hay cả hai, nhưng thế nào cũng có bữa rượu thú vị trong mây mù se lạnh với người bạn kỹ sư lâm nghiệp, và cả với hai gốc đỗ quyên ông mang trả cho con thác ầm ào, cho rừng hoa rực rỡ đỏ, cho cả gió sương đôi khi khắc nghiệt.

***

Dọc hành lang mái vỏ cua nối từ nhà bếp lên nhà lớn, người đàn bà đi trước, cô bé học việc theo sau, hai tay bưng khay đựng các món điểm tâm. Nó vừa đi vừa dán mắt vào những đốm nắng mai lọt qua giàn thiên lý đang nhảy nhót trên vạt áo dài tơ tằm phấp phới trước mặt, hình dung ngày được mặc một áo dài như thế, và có những bước đi uyển chuyển sang trọng như thế. Còn người đàn bà bận rộn với ý nghĩ sao hôm nay ông cụ yêu cầu con dâu đến hầu bữa sáng, việc mà ông từ chối đã lâu. Khi qua khung cửa, người đàn bà để ý thấy chòm râu trắng thưa của ông cụ khẽ rung như có gió thoảng theo bước chân mình len vào gian phòng và đồng thời nhận ra lòng mình chợt ấm trước nụ cười ngượng nghịu trên gương mặt phong lưu một thời. Ông cụ không muốn phơi bày tình trạng hoàn toàn thụ động của bản thân trước phụ nữ, dù đó là con dâu.

Khiến con phải vất vả rồi, ông thì thào như có lỗi. Liếc sang khay điểm tâm cô bé giúp việc vừa đặt xuống chiếc bàn chân quỳ thấp ở cạnh giường, rồi ngước nhìn con dâu với ánh mắt cầu cứu, ông nói con cho ba ra sân, sáng nay trời ấm thì phải. Nhưng ba phải ăn chút chi đã, súp con nấu ngon lắm đó. Ừ, mà nửa chén nho nhỏ thôi. Một chén. Ừ, thì một chén.

Chiếc xe lăn dừng giữa tiểu sảnh, nơi có thể nhìn bao quát sân trước, nhưng người đàn bà biết ông cụ sẽ chỉ chú tâm vào một điểm, hòn giả sơn, mà cũng không hẳn, vì nó chỉ là cái cớ để ông nhớ tới một người đàn bà không phải vợ ông. Năm bốn mươi tuổi ông làm bản vẽ và đích thân chỉ huy thợ dựng lên hòn giả sơn này. Ai đến xem cũng thầm chê, họ chờ đợi ở một kiến trúc sư thế hệ đầu tiên của Huế cái gì hơn thế kia, thậm chí là một tác phẩm sắp đặt. Nhưng nhìn vào hòn giả sơn của ông người ta cứ cảm thấy thiêu thiếu cái gì. Cũng có người nói thẳng suy nghĩ. Nghe, ông chỉ mỉm cười. Cuộc sống của ông cũng kín đáo như nụ cười của ông. Rồi một đêm ông lái ô tô đâm phải trụ điện sau bữa rượu, tưởng không qua khỏi.

Hôm người ta đưa ông từ bệnh viện về nhà chờ chết, một người đàn bà đẹp đến ngồi khóc bên giường. Tiếng khóc làm ông hồi tỉnh. Việc đầu tiên là ông cho mở nhà kho không mái che nằm cuối vườn, nơi cất giữ một khối đá khổng lồ đã xanh rêu sau nhiều năm phơi mưa nắng. Rồi ông đòi người đàn bà đưa ông ra sân. Nằm trên ghế sofa ông coi sóc việc lắp đặt khối đá vào đúng vị trí vẫn chờ nó ở hòn giả sơn. Cầm tay người đàn bà ông nói anh đã làm hòn giả sơn dở dang để mỗi sáng, mỗi chiều nhìn vào mà nhớ nghĩ về cuộc tình dở dang của mình, về khoảng trống khuyết em để lại trong anh... Chỉ khi nào em quay về, chỉ khi nào em tha thứ cho anh thì mọi thứ mới được hoàn thành. Bây giờ anh đã mãn nguyện, bây giờ anh đã có thể chết... Nhưng ông không chết, còn thiếu phụ quay về với chồng con nơi xứ tuyết, và rồi ông phải thực hiện lời hứa hiếu đạo với cha, lấy vợ sinh con.

Sau một lúc ngắm hòn giả sơn, ông cụ ngước nhìn vào mắt con dâu đứng cạnh, giọng bất an, hỏi sao có chỗ trống vậy con. Người đàn bà lúng túng không thể trả lời ngay. Cô bé từ đằng sau xe lăn nhanh nhảu thuật chuyện sáng nay ông chủ đã đưa đỗ quyên lên trồng lại trên Bạch Mã. Ông cụ gật gù, ừ, được, cái gì ở chỗ nào nên trả về chỗ đó, đến mùa, lên núi ngắm hoa của riêng mình nở chung với ngàn hoa bên thác chẳng thú vị hơn sao. Dạ, người đàn bà đáp khẽ. Sau một lúc im lặng, ông cụ bỗng nói trỏng, nhưng ở đây cũng không thể để trống như vậy. Người đàn bà lại dạ, rồi ngoảnh lui cô bé giúp việc, chút nữa cô cháu mình cùng trồng cây nghe. Dạ, mà cây chi cô hè? Người đàn bà lại lúng túng, nhìn nhanh xuống ông cụ. Vờ như không thấy ánh mắt cầu cứu của con dâu, ông hắng giọng, thì hoa hồng, mà phải trước khi hắn về đó.

***

Tối hôm đó cả nhà mở tiệc mừng sự kiện bà chủ trồng hoa, và tối hôm đó cô bé học việc kín đáo đặt một chai nước lọc có mũ chụp bằng giấy bìa màu hồng lên bàn ngủ bà chủ. 

Truyện ngắn của Vĩnh Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.