Vùng đất dữ Tân Cương

03/11/2013 09:00 GMT+7

Vụ 'tấn công khủng bố' ở Thiên An Môn mới đây đặt ra những thách thức an ninh đối với nhà chức trách Trung Quốc tại khu vực Tân Cương.

Những người Hán đổ ra đường trong vụ bạo loạn ở Tân Cương vào tháng 7.2009 - Ảnh: AFP
Những người Hán đổ ra đường trong vụ bạo loạn ở Tân Cương vào tháng 7.2009 - Ảnh: AFP 

Phát biểu bên lề hội nghị về an ninh khu vực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan ngày 31.10, Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc Mạnh Kiến Trụ khẳng định tổ chức khủng bố có tên gọi Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM) đứng sau vụ tấn công tự sát ở Quảng trường Thiên An Môn. “Vụ khủng bố bạo lực ở Bắc Kinh được tổ chức và vạch kế hoạch bởi ETIM, vốn cố thủ ở khu vực Trung và Tây Á”, tờ China Daily dẫn lời ông Mạnh.

Khủng bố ở Bắc Kinh

Tổng cộng có 5 người thiệt mạng và 40 người bị thương khi một người đến từ Tân Cương tên Usmen Hasan lái xe chở mẹ và vợ mình đâm vào đám đông ở Thiên An Môn ngày 28.11. Tân Hoa xã cho biết có 5 người đồng lõa cũng đến từ Tân Cương đã bị bắt. Theo China Daily, ông Mạnh đã thông báo cho các thành viên SCO giáp giới với Tân Cương là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan về vụ tấn công; đồng thời khẳng định nhiều nước, kể cả Trung Quốc, đang bị các hoạt động khủng bố toàn cầu đe dọa.

Theo China Daily, Liên Hiệp Quốc và Mỹ đã liệt ETIM vào danh sách tổ chức khủng bố năm 2002. Trung Quốc xem đây là một trong 4 tổ chức khủng bố liên hệ đến lực lượng Đông Turkistan (Đông Thổ) cùng với Tổ chức Giải phóng Đông Turkistan, Đại hội Thanh niên Duy Ngô Nhĩ thế giới và Trung tâm thông tin Đông Turkistan. Trung Quốc khẳng định ETIM đã thực hiện vụ tấn công khiến 14 cảnh sát thiệt mạng ở Kashgar ngày 4.8.2008, bốn ngày trước khi Olympic Bắc Kinh khai mạc. Trong cùng năm, cảnh sát phá một ổ khủng bố của ETIM âm mưu tấn công tự sát, đầu độc và bắt cóc các vận động viên Olympic, theo China Daily.

Biên cương mới

Về địa lý, Tân Cương (tên chính thức là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương) là khu vực ít được chú ý bởi cách xa hơn so với các vùng phên dậu khác của Trung Quốc. Thủ phủ Urumqi của Tân Cương cách Bắc Kinh hơn 3.100 km, còn Kashgar - thành phố từng là trung tâm của Con đường Tơ lụa lịch sử - cách bờ biển phía đông 4.400 km. Trong 2.500 năm qua, khu vực từng được gọi là Tây Vực này nhiều lần tách ra và nhập vào Trung Quốc cho đến tận thế kỷ 18. Nhà Thanh (1644 -1911) đã thôn tính hoàn toàn Tân Cương trong nỗ lực đối phó với sự trỗi dậy của nước Nga. Cái tên Tân Cương nghĩa là “Biên cương mới” xuất hiện từ đó.

Tân Cương chủ yếu là những vùng sa mạc hoang vu bị chia tách bởi dãy Thiên Sơn. Phần lớn dân số 22 triệu người tập trung vào ba khu vực chính là lòng chảo Tarim ở phía nam, lòng chảo Junggar ở phía bắc và thung lũng sông Ili. Ngày nay, Tân Cương chiếm khoảng 17% lãnh thổ Trung Quốc song chỉ chiếm chưa đầy 2% dân số. Dù điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng Tân Cương là tuyến đường lớn duy nhất nối Trung Quốc và Trung Á trước khi tầm quan trọng của Con đường Tơ lụa suy giảm theo chiều dài lịch sử. Tuy vậy, Tân Cương từ lâu được xem như là huyết mạch trao đổi văn hóa và công nghệ giữa Trung Quốc và châu u.

Hiện tại, Tân Cương trở thành khu vực trọng tâm của Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách phát triển các tuyến giao thương trên bộ để giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến đường biển ở bờ đông, nơi các tranh chấp lãnh thổ đặt ra nguy cơ gián đoạn tuyến cung cấp năng lượng và nguyên liệu thô cho các trung tâm công nghiệp ở ven biển. Vào giữa tháng 9, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến công du 10 ngày ở Trung Á, với các trạm dừng chân tại Turkmenistan, Kazakhstan, Uzbekistan và Kyrgyzstan. Tại mỗi nước, ông Tập đều đưa ra những cam kết hỗ trợ tài chính hào phóng và kêu gọi tăng cường hợp tác ngoại giao, an ninh và năng lượng. Chuyến công du của ông Tập nhấn mạnh nhu cầu tái lập Con đường Tơ lụa chạy qua các nước Trung Á và Tân Cương, khu vực được kỳ vọng trở thành hành lang vận chuyển năng lượng và tài nguyên.

Thách thức an ninh

Một trong những dự án hứa hẹn nhất là phát triển tuyến đường sắt nối Trung Quốc và châu u. Vào tháng 7, Trung Quốc đã khánh thành tuyến đường sắt nối trực tiếp thủ phủ Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam với thành phố Hamburg của Đức. Tuy nhiên, cùng với nỗ lực phát triển Tân Cương như là trung tâm tài nguyên và giao thương, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đối mặt với các nguy cơ an ninh gia tăng tại khu vực này.

Khi nhà nước CHND Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, người Hán chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ ở Tân Cương, song sau nhiều thập niên di cư, tỷ lệ này đã gia tăng lên 38%, theo thống kê chính thức. Những người Duy Ngô Nhĩ thường phàn nàn về việc bị cách ly và phân biệt đối xử. Căng thẳng đã dẫn đến làn sóng bùng nổ bạo lực trong vài năm gần đây, đỉnh điểm là cuộc bạo loạn sắc tộc ở Urumqi năm 2009 khiến gần 200 người thiệt mạng. Trung Quốc xem các vụ bạo loạn là tác phẩm của những “phần tử khủng bố” Hồi giáo có liên hệ với al-Qaeda, theo tờ The Australian. Trong năm nay, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo hãng phân tích tình báo Stratfor, điểm nóng ở Tân Cương sẽ là dải định cư xung quanh lòng chảo Tarim, đặc biệt là hai thành phố Kashgar và Hotan, nơi đại đa số trong khoảng 9,5 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo sinh sống. Với dân số 3,9 triệu người (gần 90% là người Duy Ngô Nhĩ), Kashgar lâu nay là căn cứ của các tay súng Hồi giáo cực đoan ở khu vực. Nhiều vụ tấn công đã diễn ra tại đây trong vài năm qua, gồm một loạt các cuộc đột kích vào tháng 7.2011 khiến ít nhất 19 người thiệt mạng. Với sự gia tăng các tuyến đường nối Tân Cương và Trung Á, nhiều khả năng các hoạt động buôn vũ khí và ma túy nhằm hỗ trợ các tổ chức tội phạm và mạng lưới thánh chiến ở Trung Quốc cũng sẽ nở rộ, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2014.

Trung Quốc từ lâu đã tỏ ra lo ngại việc các phần tử khủng bố Hồi giáo nước ngoài sẽ “cực đoan hóa” những người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Truyền thông Trung Quốc từng đưa tin về việc những người Hồi giáo ở Tân Cương gia nhập phe nổi dậy ở Syria, song không đưa ra bằng chứng. Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn lời các chuyên gia cảnh báo vụ tấn công ở Thiên An Môn thể hiện bước dịch chuyển mới trong hoạt động khủng bố tại Trung Quốc. “Cả nước phải đề cao cảnh giác trước tấn công khủng bố, vốn có thể gây thêm nhiều thương vong nữa dù có ít người tham gia”, chuyên gia chống khủng bố thuộc Viện Quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc Lý Vỹ nói với Hoàn Cầu thời báo. Dẫu vậy, theo AFP, một số chuyên gia nước ngoài tỏ ra thận trọng về thực lực cũng như mối liên hệ với khủng bố quốc tế của ETIM và nghi ngờ Trung Quốc phóng đại mối đe dọa để biện minh cho các chính sách cứng rắn tại Tân Cương. Trong bài xã luận ngày 1.11, Hoàn Cầu thời báo cảnh báo về việc lợi dụng vụ Thiên An Môn để phân biệt đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và tạo thêm “vết thương khác”.

Sơn Duân

>> Khủng bố Hồi giáo hỗ trợ vụ đâm xe Thiên An Môn
>> Vụ Thiên An Môn là tấn công khủng bố
>> Bí ẩn vụ đâm xe ở Thiên An Môn
>> Vụ tông xe ở Thiên An Môn có thể do khủng bố
>> Xe jeep lao vào đám đông, bốc cháy tại Thiên An Môn
>> Xe jeep bốc cháy tại Thiên An Môn, 3 người chết
>> Trung Quốc siết chặt tuần tra Tân Cương
>> Lo sợ bạo động, Trung Quốc xem xét tuần tra 24/24 ở Tân Cương
>> Tập trận lớn ở Tân Cương
>> Lại bạo động ở Tân Cương, 27 người chết
>> Bạo loạn ở Tân Cương, 27 người chết

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.