Vụ máy bay AirAsia mất tích: Chờ đợi trong vô vọng

30/12/2014 05:12 GMT+7

Hy vọng phát hiện người sống sót trên chuyến bay QZ8501 mất tích gần như đã cạn khi lực lượng tìm kiếm đa quốc gia tiếp tục “về tay không”.

Hy vọng phát hiện người sống sót trên chuyến bay QZ8501 mất tích gần như đã cạn khi lực lượng tìm kiếm đa quốc gia tiếp tục “về tay không”.

Chờ đợi trong vô vọng
Không quân Indonesia tìm kiếm máy bay mất tích trong ngày 29.12 - Ảnh: Reuters
Cuộc tìm kiếm chiếc Airbus 320-200 của Hãng AirAsia với 155 hành khách và 7 thành viên tổ bay mất tích trên vùng biển Java của Indonesia hôm 28.12 được nối lại lúc 6 giờ sáng 29.12. Máy bay do thám, cứu hộ của không quân các nước Indonesia, Malaysia, Singapore, Úc nối nhau quần đảo khắp vùng biển giữa 2 đảo Sumatra và Borneo. Trong khi đó, các chiến hạm của hải quân 3 nước Đông Nam Á đã xuất phát ra nơi này từ hôm trước. Vùng tìm kiếm được xác định tập trung ở phía đông và bắc đảo Belitung, nơi máy bay mất liên lạc vào sáng 28.12. Sau khi có tin máy bay mất tích, những ngư dân vùng này cho hay họ nghe một tiếng rơi mạnh, có người nói thấy máy bay đã rơi xuống biển nhưng nhà chức trách chưa xác nhận những thông tin này.
“Máy bay rơi do bay cực chậm”
Một giả thiết về nguyên nhân khác có vẻ được nhiều chuyên gia đồng tình là máy bay rơi do bay “cực chậm” tại thời điểm biến mất, dựa trên dữ liệu radar. “Nếu máy bay bỗng dưng bay quá chậm, dưới vận tốc bay ngang tối thiểu, thì nó sẽ rơi xuống”, chuyên gia Gerry Soejatman tại Jakarta nói. Giả thiết này được rút ra từ kết quả điều tra máy bay AF447 của Hãng Air France từ Brazil đi Pháp rơi ở Đại Tây Dương tháng 6.2009. Các nhà điều tra phát hiện trước khi AF447 rơi, không khí lạnh ngưng tụ trên thiết bị đo áp suất khí quyển khiến phi công nhận thông tin sai về vận tốc không khí, dẫn đến điều chỉnh sai các yếu tố tác động lên vận tốc bay ngang. Chuyên gia Davis Cenciotti của website Theaviationist.com còn cho rằng máy bay QZ8501 bay chậm có thể do gió mạnh.
Tổng cộng hôm qua có 15 tàu chiến và 15 máy bay tham gia tìm kiếm. Úc đưa ra hiện trường phi cơ do thám đại dương AP-3C Orion xuất phát từ thành phố Darwin. Bên cạnh lực lượng chuyên nghiệp, ngư dân trong vùng cũng được Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas) đề nghị tham gia phát hiện những vật thể và dấu hiệu có thể từ chiếc máy bay mất tích. Lục quân Indonesia cũng được triển khai tìm kiếm trong vùng rừng núi trên các đảo.
“Nằm dưới đáy biển”
Tại sân bay Changi (Singapore), điểm đến của chiếc máy bay mất tích, một số thân nhân hành khách tiếp tục đến chờ tin với niềm hy vọng hao mòn, một số khác đi Surabaya để được gần hơn với nguồn tin chính thống. Ở sân bay Surabaya, theo nguồn tin của Thanh Niên, khoảng 200 thân nhân vật vã chờ đợi, trong đó có 16 người đến từ Singapore vào đêm trước. Tổng giám đốc AirAsia Tony Fernandes cũng có mặt ở đây để an ủi các thân nhân, sau khi đã ghé trụ sở Basarnas ở Jakarta để theo dõi công tác tìm kiếm. Nhiều người đã òa khóc khi ông Bambang Soelistyo, Giám đốc Basarnas, phát biểu tại họp báo: “Dựa trên tọa độ cuối cùng của máy bay và ước tính vị trí rơi, giả thiết của chúng tôi là máy bay đang nằm dưới đáy biển”. Khoảng 100 thân nhân đã ra về sau những lời này. Ông Bambang cũng thừa nhận Indonesia thiếu các công cụ như tàu lặn để trục vớt máy bay khi tìm thấy và đang hỏi mượn từ các nước đã đưa ra đề nghị hỗ trợ trước đó như Anh, Pháp và Mỹ. Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc cũng ngỏ lời tham gia tìm kiếm, trong khi Hàn Quốc, có 3 công dân trên máy bay mất tích, đã bắt đầu triển khai lực lượng đến biển Java.
Không khí u ám trong phòng chờ ở Surabaya đôi lúc trở nên chộn rộn khi có tin máy bay do thám Úc phát hiện vật thể nghi từ QZ8501 tại nơi cách vị trí cuối cùng của máy bay khoảng 700 hải lý. Đội tìm kiếm của Indonesia cũng thông báo nhìn thấy 2 vệt dầu loang gần nơi nghi máy bay rơi. Nhưng đến cuối ngày, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla khẳng định các dấu tích trên không phải của QZ8501. Như vậy, ngày tìm kiếm thứ hai lại kết thúc trong vô vọng.
Thủ phạm thời tiết ?
Theo thông tin được cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia tiết lộ, sau khi cơ trưởng đề nghị tăng độ cao từ 9,8 km lên 11,6 km để tránh mây, kiểm soát viên mặt đất không đồng ý và chỉ cho phép máy bay chuyển hướng bay sang trái vì ở trên đang có một máy bay khác. Dù vậy, có dấu hiệu cho thấy máy bay đã tăng độ cao bất chấp hiệu lệnh mặt đất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia hàng không cho rằng nếu thực sự phi công đã hành động như vậy thì có thể do thấy nhiễu động khí tượng ở độ cao 9,8 km khi đó là “rất nghiêm trọng” và hành động đó là chính đáng để bảo vệ hành khách. “Không có gì bất bình thường khi phi công cố gắng thay đổi lộ trình đã định nếu có bất trắc trên đường bay”, ông Anthony Brickhouse từ Hiệp hội Điều tra an toàn bay quốc tế giải thích với AFP. Song chuyên gia này tỏ ra không mấy tin tưởng giả thiết thời tiết xấu làm rơi máy bay.
Hiện tại, Pháp và Hãng Airbus đã gửi chuyên viên điều tra đến Jakarta. Và trong lúc công tác tìm kiếm vẫn tiếp tục đến “vô hạn định” như Phó tổng thống Kalla quả quyết, giới chức Indonesia cũng nhắn nhủ: “Chúng ta hy vọng tìm được người sống, nhưng hãy chuẩn bị cho kết cục tồi tệ nhất”.
Khả năng tìm thấy QZ8501 lớn hơn MH370
Ngày 29.12, CNN dẫn lời giới phân tích nhận định nếu máy bay mang số hiệu QZ8501 rơi xuống biển, khả năng tìm thấy các mảnh vỡ sẽ cao hơn so với chuyến bay MH370 của Hãng Malaysia Airlines mất tích hồi tháng 3. Theo họ, QZ8501 bay trên vùng biển cạn và có nhiều tàu thuyền qua lại, trong khi MH370 mất tích ở khu vực sâu bất thường và phạm vi tìm kiếm quá rộng. Vụ mất tích của QZ8501 cũng không có nhiều tình tiết bất thường như MH370. Trước khi biến mất, dường như đã có người cố ý tắt bộ thu phát tín hiệu của MH370 và phi công bị cho là điều khiển máy bay ngược hướng thêm vài giờ một cách bí ẩn.
Năm nay cũng bị xem là năm “đại hạn” của Công ty bảo hiểm Đức Allianz khi đây là nhà bảo hiểm cho cả Malaysia Airlines và AirAsia nên họ sẽ phải chi trả cho cả 3 vụ MH370, QZ8501 mất tích và MH17 bị bắn rơi ở Ukraine, theo Reuters. Hãng này hôm qua từ chối tiết lộ số tiền bảo hiểm cho QZ8501 nhưng các chuyên gia ước tính vào khoảng 100 triệu USD.
Minh Trung

 
Thoát nạn vào giờ chót
Ngày 29.12, Bloomberg đưa tin có 26 hành khách mua vé đi chuyến bay QZ8501 nhưng đã không lên máy bay. Trong đó, gia đình 10 thành viên của cô Anggi Mahesti, Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Indonesia năm 2008, trễ chuyến 15 phút. Trong lúc thương lượng với nhân viên AirAsia để đi chuyến bay khác thì gia đình nghe hung tin máy bay mất tích và quyết định ở nhà. Còn gia đình 5 thành viên của cô Inge Goreti Ferdiningsih hủy chuyến một ngày trước khi máy bay cất cánh vì bố cô bị ốm. Trong khi đó, một thanh niên Indonesia tên Purnomo cho kênh TVOne hay đáng lẽ anh đã đi chuyến QZ8501 cùng
2 người bạn để sang Singapore đón năm mới nhưng phải hủy vì có việc bận. Purnomo nức nở kể rằng trước khi lên máy bay, một trong 2 người bạn còn đùa với anh là “Vĩnh biệt nhé!”.
Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.