Vì sao Trung Quốc đứng ngoài cuộc vụ căng thẳng Hàn-Triều?

24/08/2015 20:17 GMT+7

(TNO) Giữa lúc căng thẳng hai miền Triều Tiên leo thang, Trung Quốc, đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên, nay lại đứng ngoài cuộc, lý do là quan hệ Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đang trở nên lạnh nhạt.

(TNO) Giữa lúc căng thẳng hai miền Triều Tiên leo thang, Trung Quốc - đồng minh duy nhất của CHDCND Triều Tiên và thường lên tiếng bảo vệ Bình Nhưỡng - lại đứng ngoài cuộc; điều này có thể giải thích bằng mối quan hệ ngày càng lạnh nhạt giữa Trung Quốc và Triều Tiên.

>> Hàn Quốc và Triều Tiên đồng ý đàm phán tại biên giới để giảm căng thẳng
>> Trung Quốc kêu gọi kiềm chế, Triều Tiên phớt lờ?
>> Hơn 1 triệu thanh niên Triều Tiên đăng ký nhập ngũ

Lính Hàn Quốc tuần tra ở biên giới sát Triều Tiên - Ảnh: Reuters
Trước đây Bắc Kinh thường hay lên tiếng bảo vệ Bình Nhưỡng trong những cuộc đàm phán Hàn - Triều; nhưng nay cuộc đàm phán của quan chức hai bên tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm đã kéo dài ba ngày mà vẫn chưa thấy Trung Quốc có động thái gì, theo tạp chí Time (Mỹ) ngày 24.8.
Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, chỉ lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế. Theo Time, Trung Quốc là đồng minh lâu năm của Triều Tiên nhưng cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vì vậy Bắc Kinh chọn cách đứng ngoài căng thẳng hai miền Triều Tiên.
“Là đồng minh duy nhất của Triều Tiên và cũng là người bạn thân mới của Hàn Quốc trong khu vực, vì thế Bắc Kinh đành phải vắng mặt trong lúc căng thẳng Hàn - Triều leo thang trong thời gian gần đây”, giáo sư John Delury, thuộc Đại học Yonsei ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) nhận định.
“Ngoài việc kêu gọi hai bên tự kiềm chế, Trung Quốc chẳng còn gì để nói hoặc làm để cải thiện tình hình”, ông Delury cho hay.
Quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên từng rất thân thiết dưới thời cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Trung Quốc từng điều động binh lính sang hỗ trợ Triều Tiên trong chiến tranh Triều Tiên, thậm chí con trai ông Mao hy sinh trong cuộc chiến này.
Theo Time, quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên phần nào lạnh nhạt dưới thời cố lãnh đạo Kim Jong-il, và càng lạnh nhạt hơn dưới thời lãnh đạo Kim Jong-un (con trai ông Kim Jong-il). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nhậm chức vào cuối năm 2012 đã từng tuyên bố rằng ông tin là Triều Tiên nên từ bỏ vũ khí hạt nhân, điều này khiến Bình Nhưỡng không mấy hài lòng.
Tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trước khi bị phá hủy vào ngày 27.6.2008 - Ảnh: AFP
Một chuyên gia Trung Quốc, đề nghị giấu tên, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, cho Time biết ông nắm thông tin Trung Quốc trong những tháng gần đây đã cố sắp xếp những cuộc họp cấp cao tại Bình Nhưỡng nhưng bị từ chối. “Người Trung Quốc không thích quỵ lụy một người đàn ông lạ”, chuyên gia nói, ám chỉ ông Kim Jong-un. “Chúng tôi đã mất hết kiên nhẫn”, chuyên gia này cho biết thêm.
Đầu năm 2015, tại thành phố Đan Đông (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), sát biên giới Trung Quốc - Triều Tiên, các doanh nhân phàn nàn về việc hàng hóa giao thương sụt giảm kể từ khi ông Jang Song-thaek, dượng của ông Kim Jong-un, đồng thời là nhân vật quyền lực thứ hai ở Triều Tiên và đứng đầu công tác cải tổ kinh tế, bị tử hình vào năm 2013.
Một cây cầu mới được xây dựng nối Trung Quốc và Triều Tiên nhằm xúc tiến thương mại, thế nhưng hai bên cầu ngày càng vắng. Thay vì nói chuyện hợp tác làm ăn kinh doanh, người dân Trung Quốc ở khu vực biên giới bàn tán xôn xao chuyện lính Triều Tiên vượt biên, dùng súng uy hiếp, cướp của dân Trung Quốc ở khu vực biên giới.
“Công việc kinh doanh buôn bán với Triều Tiên ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Không ai biết khi nào tình hình trở nên khả quan hơn”, một doanh nhân ở Đan Đông từng nhiều lần đến Bình Nhưỡng mua bán làm ăn cho hay.
Binh sĩ Triều Tiên đứng gác tại cây cầu ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trong khi đó, ngày 24.8, tờ Hoàn Cầu Thời báo (Trung Quốc) đã đăng một bài xã luận cảnh báo những lực lượng quân sự ở bán đảo Triều Tiên có thể đang cố “tước bỏ những lợi thế về mặt địa chính trị của Trung Quốc”.
Trung Quốc, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, mất nhiều tháng chuẩn bị cho lễ duyệt binh hoành tráng mừng ngày chiến thắng phát xít Nhật vào ngày 3.9 tới.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye dự kiến sẽ đến Trung Quốc tham dự sự kiện này. Trong khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) dẫn lời các nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc cho biết lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ chối lời mời tham dự buổi lễ.
“Những hành động gần đây của ông Kim Jong-un rõ ràng là nhằm phản đối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh. Hiện có quá nhiều sự thất vọng và không hài lòng lẫn nhau giữa hai phía Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Zhu Feng, chuyên gia chính sách ngoại giao của Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định.
Bài xã luận của tờ Hoàn Cầu Thời báo cũng nhận định những hành động quân sự gần đây của Triều Tiêu có thể nhằm mục đích buộc bà Park phải hủy chuyến thăm Bắc Kinh. Hoàn Cầu Thời báo còn khẳng định “không có bất kỳ lực lượng nào ở bán đảo Triều Tiên có thể dễ dàng gây ảnh hưởng đến Trung Quốc”.
“Bộ Ngoại giao Triều Tiên cũng đã lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh kêu gọi hai bên kiềm chế. Điều này cho thấy mối quan hệ ngày càng lỏng lẻo giữa Trung Quốc và Triều Tiên”, ông Delury nhận định.
Đàm phán Hàn Quốc - Triều Tiên bế tắc?
Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình.
Quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên trong cuộc đàm phán tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm - Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích dự đoán hai bên khó đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào trong cuộc đàm phán lần này, vì cả hai đều sợ mất mặt, theo AFP.
Seoul từng tuyên bố sẽ tắt các loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên, với điều kiện Bình Nhưỡng xin lỗi vụ cài mìn ở khu vực biên giới khiến hai lính biên phòng Hàn Quốc bị thương nặng hồi đầu tháng 8.2015.
Trong khi đó, Triều Tiên bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc về vụ nổ mìn ở biên giới và cáo buộc Seoul tự tô vẽ chứng cứ trong vụ việc này. Tình hình tiếp tục leo thang vào chiều 20.8 khi Hàn Quốc và Triều Tiên nã pháo qua lại tại khu vực biên giới, và sau đó Triều Tiên đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Cuộc đàm phán đang diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực biên giới hai nước bắt đầu vào chiều ngày 22.8, ngay sau khi kết thúc thời hạn 48 giờ Triều Tiên đưa ra, yêu cầu Hàn Quốc phải chấm dứt chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc theo biên giới hai nước, nếu không Bình Nhưỡng sẽ có hành động quân sự trả đũa, theo AFP.
Giáo sư Hàn Quốc Yang Moo-jin, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định. “Để hai bên đạt được thỏa hiệp rõ ràng là điều khó khăn, nhưng ít nhất họ đã nhất trí mở lại đàm phán”.
Binh sĩ Triều Tiên tại một trạm gác ở Khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên, ảnh chụp ngày 24.8 - Ảnh: Reuters
Giữa lúc diễn ra đàm phán, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 24.8 tiếp tục yêu cầu Triều Tiên phải xin lỗi về vụ cài mìn biên giới. Nếu không, Hàn Quốc vẫn tiếp tục chiến dịch tuyên truyền phát sóng tin tức và nhạc K-pop qua các loa phát thanh dọc theo biên giới hai nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.