Vì sao người châu Á tốn hàng trăm ngàn USD cho tấm bằng Harvard?

19/06/2015 12:09 GMT+7

(TNO) Để có một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), bạn phải tốn sơ sơ 280.000 USD, tức cao gấp 35 lần GDP bình quân đầu người tại Trung Quốc. Dẫu vậy, nhiều bậc phụ huynh ở châu Á vẫn tìm mọi cách hiện thực hóa "giấc mơ Harvard" cho con cái mình.

(TNO) Để có một tấm bằng tốt nghiệp Đại học Harvard (Mỹ), bạn phải tốn sơ sơ 280.000 USD, tức cao gấp 35 lần GDP bình quân đầu người tại Trung Quốc. Dẫu vậy, nhiều bậc phụ huynh ở châu Á vẫn tìm mọi cách hiện thực hóa "giấc mơ Harvard" cho con cái mình.

Một tân sinh viên châu Á và mẹ mình tham dự một sự kiện ở Đại học Harvard, tại Cambridge, bang Massachusetts. Đại học Harvard sẽ "ngốn" gần 300.000 USD cho một sinh viên tốt nghiệp sau 4 năm - Ảnh: Reuters

Trang tin Nikkei (Nhật Bản) ngày 18.6 dẫn số liệu từ tổ chức cung cấp thông tin nhân lực PayScale cho thấy cái giá của một tấm bằng đại học quốc tế tại Mỹ quả thực đắt một cách khó tưởng tượng.

Tấm bằng Harvard và 35 lần GDP bình quân đầu người Trung Quốc

Theo thống kê của PayScale, học phí và lệ phí của Đại học Harvard riêng niên khóa 2015 - 2016 sẽ vào khoảng 60.659 USD, cộng thêm chi phí sinh hoạt, di chuyển và bảo hiểm, sinh viên sẽ tốn tổng cộng 71.990 USD mỗi năm. Như vậy, sau 4 năm học ở Harvard, trung bình mỗi sinh viên sẽ tốn hơn 280.000 USD cho một tấm bằng. Vậy mà Đại học Chicago, Đại học Columbia và 50 trường khác còn đắt đỏ hơn Harvard, theo số liệu của PayScale năm 2014.

280.000 USD là số tiền cao gấp 35 lần mức GDP bình quân đầu người của Trung Quốc, và gấp 159 lần GDP bình quân đầu người của Ấn Độ. Tuy nhiên, sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ lại chiếm tới 43% lượng sinh viên nước ngoài tại Mỹ, theo số liệu của Viện Giáo dục quốc tế (trụ sở tại New York, Mỹ).

Sự đắt đỏ của các trường đại học Mỹ được cho là hệ quả từ đợt cắt giảm chi tiêu cho giáo dục của chính phủ Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Ngoài ra, lạm phát đã khiến giá cả ở Mỹ tăng 238% so với năm 1980, học phí và lệ phí đại học đã tăng đến 1.039% trong cùng thời gian ấy.

Thế nhưng tại sao nhiều sinh viên Ấn Độ, Trung Quốc hay châu Á nói chung lại chấp nhận chi những khoản tiền khổng lồ như vậy để tiếp thu nền giáo dục Mỹ?

Áp lực xã hội là nguyên nhân lớn khiến sinh viên châu Á buộc phải theo học các trường danh tiếng của Mỹ - Ảnh: Reuters

Người châu Á không dại dột

Câu trả lời là không. Sau khi bỏ ra khoản tiền cực lớn để trải nghiệm "tinh hoa giáo dục", một tấm bằng Harvard sẽ giúp sinh viên "thu hồi vốn" một cách ấn tượng, theo Nikkei.

"Nếu sở hữu một tấm bằng của Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Harvard, Princeton hay Columbia, trở về Trung Quốc làm việc cho một tổ chức tài chính, bạn có thể nhận được một mức lương hàng năm từ 600.000 đến 700.000 nhân dân tệ (tương đương 96.600 đến 112.750 USD), tức gấp 11 lần GDP bình quân đầu người tại đây",Nikkei dẫn lời một đại diện công ty tư vấn du học Vision Overseas (trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc), cho biết.

Vị đại diện này cũng khẳng định nếu "may mắn" tìm được việc tại Mỹ, thu nhập của sinh viên sẽ cao hơn khoảng 20% so với ở Trung Quốc.

Trên thực tế, các công ty hiện nay cũng rất sẵn lòng đãi ngộ nhân viên được đào tạo tại những trường đại học danh tiếng của Mỹ.

PayScale nghiên cứu quá trình làm việc của những sinh viên từ 20-24 năm sau khi ra trường, cho thấy đơn cử nếu tốt nghiệp Viện Công nghệ California (Caltech), họ sẽ kiếm khoảng 901.400 USD. Con số tương ứng tại Đại học Stanford là 809.700 USD. Số liệu này đã trừ đi chi phí trong thời gian theo học.

Kiếm được việc tại Mỹ hoặc các nước khác cũng là động lực lớn trong tình cảnh cạnh tranh khốc liệt trong thị trường việc làm ở châu Á.

Nikkei cho biết mùa hè năm nay, Trung Quốc sẽ có 7.490.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, trong khi không thể đào đâu ra hơn 7 triệu việc làm tương ứng. Các tân cử nhân từ Trung Quốc sẽ tỏa đi khắp nơi, trong đó Hồng Kông là lựa chọn rất phổ biến vì sự tương đồng văn hóa.

Điều này dẫn đến một thực tế khó khăn cho sinh viên Hồng Kông, vốn dĩ đã chịu áp lực cực cao từ giá cả nhà ở đắt đỏ, khan hiếm và thu nhập không tương xứng. Khi gánh chịu một "cơn lũ" đối thủ cạnh tranh từ đại lục, họ càng có thêm động lực du học để tìm kiếm sự khác biệt, và một đại học danh tiếng tại Mỹ có thể đảm bảo nhiều điều.

Nói cách khác, du học Mỹ với giá cả đắt đỏ là "mốt thời thượng", và cũng là con đường thoát thân cho những sinh viên châu Á. Một khoản đầu tư khổng lồ ban đầu cho chi phí học tập cũng sẽ mang lại thử thách cần thiết để họ tập trung học tập với hy vọng sẽ "gỡ vốn" đáng kể về sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.