Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ ít nhắc về Trung Quốc?

09/06/2015 14:57 GMT+7

(TNO) Trung Quốc đang trỗi dậy với tham vọng trở thành siêu cường thế giới, nhưng nhiều chính trị gia tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ tập trung nói về Iran và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trong chiến dịch tranh cử của mình, tạp chí The Atlantic (Mỹ) bình luận.

(TNO) Trung Quốc đang trỗi dậy với tham vọng trở thành siêu cường của thế giới, nhưng nhiều chính trị gia tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng chỉ tập trung nói về Iran và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) trong chiến dịch tranh cử của mình, tạp chí The Atlantic (Mỹ) bình luận.

Bà Hillary Clinton và nhiều ứng viên tranh cử chức tổng thống Mỹ ít đề cập đến Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Trong bài xã luận đăng cuối tuần trước, The Atlantic cho biết ưu tiên hàng đầu của các chính khách Mỹ ngày nay là chính sách đối với chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và tham vọng hạt nhân của Iran. Cách đây 2 năm, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel kéo dài 7 tiếng rưỡi tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, các thượng nghị sĩ đã nhắc đến Israel 178 lần và Iran 171 lần, trong khi số lần nhắc đến Trung Quốc chỉ là 5, theo thống kê của tạp chí Mỹ.

Trong khi đó, The Atlantic lại bình luận “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh quốc gia Mỹ không phải là Iran hay phần tử Hồi giáo cực đoan, mà là Trung Quốc.

Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ

Binh sĩ Hải quân Trung Quốc bắn pháo trong lễ tưởng niệm chiến sĩ hi sinh trong Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất, diễn ra ở tỉnh Sơn Đông hồi tháng 8.2014 - Ảnh: Reuters

The Atlantic, một trong những tạp chí uy tín và lâu đời nhất nước Mỹ, thống kê IS và những nhóm Hồi giáo cực đoan khác giết hại khoảng từ 10 đến 20 công dân Mỹ một năm. Tuy nhiên trong nhiều năm gần đây, con số này đã giảm rất mạnh vì các tổ chức Hồi giáo cực đoan hiện tập trung vào kiểu tấn công khủng bố đơn lẻ.

Còn đối với Iran, quốc gia Hồi giáo này chỉ là một cường quốc tầm trung có tham vọng thống trị Trung Đông, nhưng khó có cơ hội thành công một phần vì phải đối đầu với những cường quốc khác trong khu vực, chẳng hạn Israel, Ả Rập Xê Út, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, tạp chí Mỹ bình luận. Tất nhiên, nếu phát triển được vũ khí hạt nhân, sức mạnh của Iran sẽ gia tăng. Tuy nhiên, Tehran vẫn sẽ phải đối mặt với các thế lực hạt nhân nằm sát bên như Israel, Pakistan và Ấn Độ, theo The Atlantic.

Trong khi đó, Trung Quốc không phải là cường quốc tầm trung, mà là một siêu cường. Hiện tại, GDP của Trung Quốc cao hơn gấp 28 lần so với Iran. Ngân sách dành cho quốc phòng của Bắc Kinh cũng nhiều gấp khoảng 13 lần so với Tehran.

Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, âm mưu thống trị vùng biển có một trữ lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn và là nơi 1/3 lượng tàu vận chuyển của thế giới đi qua.

Ngoài ra, những khoản tiền khổng lồ đầu tư vào phát triển kinh tế tại các quốc gia khác mang lại cho Bắc Kinh “quyền lực mềm” cực kỳ to lớn, tạp chí Mỹ nhận định.

Tàu Trung Quốc bồi đắp đảo tại Đá Chữ Thập ở Quần đảo Trường Sa thuộc Việt Nam
- Ảnh: Reuters

Từ năm 1941 đến năm 1989, Mỹ đã mạo hiểm phát động các cuộc chiến để ngăn cản những thế lực muốn thống trị các khu vực trọng yếu về kinh tế và công nghiệp của thế giới để giành lấy khả năng giao thương quốc tế của Mỹ. Và đó là điều Trung Quốc đang mong muốn, tạp chí Mỹ khẳng định.

The Atlantic nhận xét khi các nhà sử học nhìn lại giai đoạn này trong lịch sử nước Mỹ, họ sẽ kinh ngạc vì thấy có quá ít các cuộc tranh luận về Trung Quốc của giới chính khách.

Vì sao các ứng viên tổng thống Mỹ ít nhắc đến Trung Quốc?

Các tướng lĩnh Trung Quốc tham dự một sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters

Chính khách từ 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa đang tranh cử chức tổng thống Mỹ, chẳng hạn Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng hòa) và Hillary Clinton (Dân chủ), ít có tuyên bố gì nhiều về Trung Quốc. Theo The Atlantic, có 3 lý do chính.

Thứ nhất, mối đe dọa từ Trung Quốc vẫn chưa thực sự lộ rõ. Hồi năm ngoái, IS khiến toàn nước Mỹ biết đến vì những cuộc hành quyết man rợ, đặc biệt là đối với các con tin phương Tây.

Những hình ảnh giết chóc kinh hoàng của các cuộc hành quyết, được tường thuật liên tục trên các kênh truyền hình, đã tạo ra một nỗi sợ hãi trong công chúng và các chính trị gia tại Washington đã nhanh chóng tận dụng điều này. Các chính trị gia này đã gây áp lực khiến chính quyền Tổng thống Barack Obama phải tiến hành chiến dịch đánh bom diệt IS ở Iraq và Syria.

Thông qua cụm từ “Hồi giáo cực đoan”, các chính khách Mỹ đã truyền tải nỗi sợ hãi IS của công chúng sang Iran, rằng "ngày nay chúng có dao kiếm, mai mốt sẽ có vũ khí hạt nhân".

Trong khi đó, việc Trung Quốc tăng cường xây đảo nhân tạo ở Biển Đông hay thậm chí là cho tàu tuần duyên đâm vào tàu cá Philippines lại chẳng tạo ra kịch tính gì đối với cử tri Mỹ. Bất kể hành động của Trung Quốc thách thức vai trò của Mỹ ở Thái Bình Dương đến mức nào, nó vẫn không đe dọa mạng sống của người dân Mỹ, The Atlantic phân tích. Và trừ phi chiến tranh giữa 2 nước nổ ra, các thách thức của Bắc Kinh đối với Washington vẫn chỉ nằm trong các trang cuối của các tờ báo tại Mỹ.

Thứ hai, các ứng viên dành phần lớn thời gian nói về “Hồi giáo cực đoan”, chứ không phải Trung Quốc, là vì tiền tài trợ.

Nhiều nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của các ứng viên Cộng hòa thừa nhận với The Atlantic rằng “an ninh” Israel và chương trình hạt nhân Iran là mối quan tâm hàng đầu của họ. Ít nhà tài trợ nào quan tâm đến sự hiếu chiến của Trung Quốc.

Thực tế là với việc nhiều tập đoàn tài chính và doanh nghiệp liên quan đến quan hệ kinh tế Mỹ - Trung, không rõ là các nhà tài trợ cho các ứng viên đảng Cộng hòa có muốn cứng rắn với Bắc Kinh hay không, tạp chí Mỹ cho hay.

Lý do cuối cùng là ý thức hệ. Đối với người Mỹ, quan trọng là các nước thù địch phải là “ma quỷ”. Từ thời Chiến tranh lạnh, nhiều chính khách Mỹ đã xem Liên Xô như một mối đe dọa về địa chính trị và là một lực lượng của quỷ dữ. Cựu Tổng thống Ronald Reagan thậm chí từng gọi Liên bang Xô Viết là một “đế chế ma quỷ”, theo The Atlantic.

Ngày nay, “Hồi giáo cực đoan” được xem là thứ quỷ dữ chống lại phẩm giá của nước Mỹ, và sự tàn bạo của các phần tử này đối với người Công giáo cho thấy Mỹ đang tham gia vào một cuộc chiến tôn giáo, tạp chí Mỹ cho biết.

The Atlantic phân tích điều này lại khó áp dụng cho Trung Quốc, vì Bắc Kinh không thể hiện là thế lực chống lại nền dân chủ hay chống Công giáo trên toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.