Vi phạm Công ước LHQ

04/12/2012 03:10 GMT+7

Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS) không cho phép thu giữ tàu bè nước ngoài trong vùng biển tranh chấp. Thế nhưng, Trung Quốc cố tình lờ đi điểm mấu chốt này khi tuyên bố Cảnh sát biên phòng tỉnh Hải Nam từ ngày 1.1.2013 sẽ được quyền lên tàu, khám xét, bắt giữ, tịch thu, phá hỏng động cơ và trục xuất bất cứ tàu nước ngoài nào đi vào “lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp”.

Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu lại rất kỹ các điều khoản trong UNCLOS và rõ ràng là nó không cho phép việc thu giữ tàu bè nước ngoài trong vùng biển đang tranh chấp. Hãy chờ xem Trung Quốc có vin vào quy định mới để tiếp tục bắt bớ tàu cá tại Trường Sa hay không. Nếu đúng là như vậy, rõ ràng đây sẽ là những động thái hết sức ngang ngược”. Đồng quan điểm với ông Valencia, bà Tôn Vân (chuyên gia Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson - Mỹ) nhận định: “Trung Quốc chưa bao giờ thuyết phục được cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”, vậy nên hãy chờ xem cảnh sát biển Hải Nam sẽ thực thi quyền hành của mình đến đâu”. 

Tham vọng lớn, hành vi nhỏ

Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng những động thái gây quan ngại gần đây của Trung Quốc cho thấy nước này đang tạo dựng một hình ảnh hoàn toàn không xứng đáng với những tham vọng lớn lao mình đặt ra. Tiến sĩ Kerry Brown (Tổ chức Chatham House, Anh) nói: “Trung Quốc muốn trở thành cường quốc biển trong tương lai nhưng lại hành xử không hề có dáng dấp và trách nhiệm như một nước lớn. Hãy xem những gì họ đã và đang làm: gây hấn, khiêu khích với láng giềng trong các tranh chấp lãnh hải dựa trên những bằng chứng và động thái mập mờ và không bao giờ thành tâm xây dựng một giải pháp chung dựa trên luật pháp quốc tế. Tham vọng thành nước lớn, nhưng hành xử không hơn gì một nước nhỏ lúc nào cũng chỉ chăm chăm tự xác lập mọi việc theo hướng có lợi trực tiếp cho mình”.

Các chuyên gia cho rằng, theo quan điểm của Trung Quốc, động thái ban hành quy định trên cùng với việc in “đường lưỡi bò” lên hộ chiếu là những công cụ đắc lực để giúp họ khẳng định cái gọi là chủ quyền lãnh hải trong tương lai. Bắc Kinh tin vào các công cụ này dù chúng chưa phải là động thái cuối cùng và bị chỉ trích là lập lờ trong diễn giải luật pháp quốc tế hay ngang nhiên biến không thành có. Tiến sĩ James Holmes (Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ) kết luận: “Lịch sử cho thấy nước nào áp dụng chiến thuật này để “bắt nạt” các nước láng giềng rồi cũng sẽ tự chuốc lấy thất bại”.

Hải quân Ấn Độ sẵn sàng can thiệp

Hải quân Ấn Độ đang tập luyện để sẵn sàng hoạt động ở biển Đông nhằm bảo vệ những tài sản của nước này tại đây. Ngày 3.12, Đài NDTV dẫn lời đô đốc D.K.Joshi - Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, phát biểu với báo giới tại New Delhi: “Những nơi có liên quan quyền lợi quốc gia, chúng tôi sẽ bảo vệ và sẽ can thiệp”. Theo đó, Bộ Tư lệnh hải quân miền Đông, vốn đóng vai trò then chốt khi New Delhi triển khai lực lượng tại biển Đông, đang được tăng cường sức mạnh. NDTV dẫn lời ông Joshi cho biết Tập đoàn dầu khí Ấn Độ ONGC đang hợp tác khai thác tại 4 lô dầu trên biển Đông. Vì thế, ông tuyên bố: “Nếu được yêu cầu, chúng tôi sẽ can thiệp để bảo vệ (các khu vực trên - NV)”. Ngoài ra, đô đốc này còn khẳng định New Delhi đang quan ngại cả vấn đề tự do hàng hải ở các vùng biển. Phát biểu trên của ông Joshi được đưa ra sau khi Trung Quốc đơn phương tuyên bố triển khai cảnh sát biển kiểm soát khu vực biển Đông.

Lê Loan

An Điền

>> Iran dọa “cấm cửa” thanh sát viên LHQ
>> Tổng thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn ở Gaza
>> Việt Nam chuẩn bị tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ
>> LHQ tố Rwanda chỉ huy phiến quân Congo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.