Vác tiền đi thuê nhà tù

07/03/2015 05:53 GMT+7

Hà Lan đang đi đầu trong xu hướng cho thuê trại giam “sang như khách sạn” nhằm giúp khách hàng giải quyết tình trạng quá tải ở các nhà tù.

Hà Lan đang đi đầu trong xu hướng cho thuê trại giam “sang như khách sạn” nhằm giúp khách hàng giải quyết tình trạng quá tải ở các nhà tù.
Cuộc sống của tù nhân tại trại giam Bastoy, Na Uy - Ảnh: LahoraCuộc sống của tù nhân tại trại giam Bastoy, Na Uy - Ảnh: Lahora
Hồi giữa tuần, Bộ Tư pháp Na Uy đã ký một thỏa thuận được đánh giá là có ý nghĩa lịch sử đối với nước này: thuê nhà tù của Hà Lan để giải tỏa cho các trại giam đang trở nên chật chội, theo Đài RT. Với mức giá không được tiết lộ, nhà tù Norgerhaven ở vùng Veenhuizen của Hà Lan sẽ dành một khu vực phòng giam “thượng hạng” để tiếp nhận hơn 240 tù nhân từ Na Uy. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy”, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Anders Anundsen nói.
Sướng như tù Na Uy
Theo tờ The Washington Post, Na Uy có hệ thống giam giữ cải tạo được đánh giá là nhân đạo nhất thế giới. Đơn cử là năm 2011, dư luận thế giới ngỡ ngàng khi thấy Anders Behring Breivik, thủ phạm vụ tấn công đẫm máu tại Oslo làm chết 77 người, bị giam trong điều kiện “sướng hơn cả ký túc xá sinh viên”. Phòng giam của tên này có đầy đủ tiện nghi, trang trí tao nhã, có cả máy vi tính, ti vi màn hình phẳng và máy chơi điện tử. Breivik còn được thoải mái đọc sách báo, nhận và trả lời thư, thậm chí được cho học đại học theo hệ đào tạo từ xa. Vậy mà ông ta còn thường xuyên phàn nàn rằng mình “bị giam trong điều kiện như tra tấn” và đòi được cung cấp máy chơi điện tử thế hệ mới hơn. Ngoài ra, các trại giam Na Uy còn được trang bị những tiện ích chỉ xuất hiện tại các khách sạn hạng sang như phòng tập thể hình, phòng xông hơi, sân tennis, spa, phòng thu âm... Các khoảng sân được bao bọc bằng những bức tường vẽ tranh theo phong cách graffiti để giúp phạm nhân thư giãn.
Vì vậy, kinh phí dành cho hệ thống nhà tù rất lớn và khiến chính phủ phải quy hoạch giảm bớt số trại giam để “đảm bảo chất lượng cải tạo và giáo dục phạm nhân”. Ngoài ra, điều này cũng dẫn tới tình trạng cố tình phạm tội để được ở tù. Theo Bộ Tư pháp Na Uy, hơn 1.300 tù nhân đang bị giam trong điều kiện “chật chội, bức bách và thiếu nhân đạo” và RT dẫn lời Bộ trưởng Anundsen nói đến năm 2040, Na Uy cần ít nhất 2.000 phòng giam mới giải quyết được tình trạng quá tải. Các biện pháp như khoan hồng, đặc xá đến nay đều không hiệu quả.
Giải pháp Hà Lan
Trái ngược với Na Uy, Hà Lan lại là nước dư thừa trại giam và “cai ngục nhiều hơn tù nhân” do tỷ lệ tội phạm nội địa thấp. Vì thế, nhà chức trách đã nảy ra ý tưởng “giam thuê” cho các nước, vừa để không lãng phí vừa kiếm thêm nguồn ngân sách mới. Năm 2010, Hà Lan kiếm được khách hàng đầu tiên khi Bỉ gửi 550 tù nhân, phạm nhiều tội từ cướp có vũ trang đến cưỡng hiếp, sang thụ án với giá 26 triệu euro. Mặt khác, theo tờ The Guardian, nhà tù Hà Lan cũng không khác “thiên đường” ở Na Uy là mấy. Phạm nhân có thể trồng rau, nuôi gia cầm, được chọn màu sơn cho phòng giam và có cả truyền hình cáp với 55 kênh.
Dự kiến các tù nhân Na Uy sẽ sang Hà Lan vào tháng 9.2015 sau khi các quản giáo Hà Lan được huấn luyện về ngôn ngữ cũng như các quy định quản lý và đối xử với tù nhân theo đúng chuẩn của khách hàng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến phản đối nổ ra ở 2 nước. Dư luận Na Uy cho rằng chính phủ quá phí phạm và gây khó khăn cho việc thăm nuôi. Đáp lại, Bộ trưởng Tư pháp Anundsen lập luận khoảng cách từ Na Uy đến Hà Lan còn ngắn hơn từ miền bắc đến miền nam nước này. Trong khi đó, một bộ phận dân Hà Lan không đồng tình việc “tự dưng mang về thêm một đống tội phạm”. Bộ Tư pháp nước này thì đề cao hiệu quả kinh tế khi ngoài tiền thuê, thỏa thuận trên còn tạo thêm ít nhất 700 việc làm. Tuy nhiên, một thách thức khác là theo RT, các tù nhân Hà Lan đã dọa sẽ biểu tình vì có thêm người “sẽ làm ảnh hưởng cuộc sống của họ”.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ cũng là một khách hàng tiềm năng cho Hà Lan khi nước này đối mặt với tình trạng thiếu nhà tù. Quá tải dẫn đến đụng độ, xô xát thường xuyên xảy ra. Hiện nay, chính phủ Thụy Sĩ muốn đưa tù nhân “gửi nhờ” Pháp và Đức, là những nước có cùng ngôn ngữ nhưng cả Paris lẫn Berlin đều tỏ ra không mấy mặn mà vì đây là vấn đề nhạy cảm về pháp lý và xã hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.