Úc sắp trả cho Ấn Độ tượng cổ bị đánh cắp

28/03/2014 09:15 GMT+7

*Singapore cũng mua nhầm tượng cổ Ấn Độ (TNO) Hai bảo tàng lớn ở Úc hôm 27.3 cho hay họ đã đưa những bức tượng nữ thần Hindu ngàn tuổi ra khỏi phòng trưng bày và sẽ trả lại cho chính phủ Ấn Độ.

*Singapore cũng mua nhầm tượng cổ Ấn Độ

(TNO) Hai bảo tàng lớn ở Úc hôm 27.3 cho hay họ đã đưa những bức tượng nữ thần Hindu ngàn tuổi ra khỏi phòng trưng bày và sẽ trả lại cho chính phủ Ấn Độ.

Bức tượng nữ thần Shiva Nataraja được trưng bày trong Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Úc - Ảnh: NGA
Bức tượng nữ thần Shiva Nataraja được trưng bày trong Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Úc
- Ảnh: NGA
 

Bảo tàng Quốc gia Úc (NGA) ở thủ đô Canberra và Bảo tàng nghệ thuật New South Wales (AGNSW) ở thành phố Sydney đã hành động như vậy theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ, chiếu theo Đạo luật bảo vệ di sản văn hóa di động của UNESCO mà Úc là một thành viên ký kết.

NGA đã mua bức tượng đồng nữ thần Shiva Nataraja khiêu vũ có 900 năm tuổi với giá 5 triệu USD từ cửa hàng đồ cổ Art Of The Past ở quận Manhattan, thành phố New York (Mỹ) vào tháng 2.2008.

Đây là một trong 22 cổ vật mà NGA đã mua tại đây từ năm 2002 - 2011.

Chủ cửa hàng Art Of The Past là ông Subhash Chandra Kapoor, 62 tuổi, và quản lý cửa hàng là ông Aaron Freedman, 42 tuổi.

Cũng từ cửa hàng này, hồi năm 2004, AGNSW đã mua được bức tượng Ardhanariswara bán nam bán nữ - hiện thân của nữ thần Shiva và phu quân Parvati - bằng đá biến chất granulite. Giá tiền bức tượng này không được công bố.

Cả hai bức tượng này thuộc triều đại Chola, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.

Cổ vật bị đánh cắp

Cảnh sát Ấn Độ hồi tháng 8.2008 đã được báo về việc bức tượng nữ thần Shiva bằng đồng bị lấy cắp khỏi bảo tàng ở làng Sripuranthan thuộc bang Tamil Nadu.

Và đường dây buôn lậu cổ vật quốc tế mà hai ông Kapoor và Freedman tham gia, được nói trị giá đến 35 triệu USD theo hãng tin AP, đã bị phát hiện.

Tượng thần Shiva bán nam bán nữ Ardhanariswara tại Bảo tàng Nghệ thuật New South Wales - Ảnh: AGNSW
Tượng thần Shiva bán nam bán nữ Ardhanariswara tại Bảo tàng Nghệ thuật New South Wales
- Ảnh: AGNSW

Văn phòng công tố quận Manhattan đã đưa hai ông này ra Tòa án tối cao quận với cáo buộc đồng lõa với tội phạm và sở hữu trái phép đồ cổ bị đánh cắp.

Ông Kapoor đã bị bắt giam ở Ấn Độ, đang chờ ngày ra tòa với tội danh điều hành cửa hàng bán đồ cổ lấy trộm trị giá đến 100 triệu USD.

“Cho đến nay, Kapoor là tay buôn lậu lớn nhất mà chúng tôi từng biết, xét về số lượng cổ vật bị đánh cắp mà y sở hữu và giá trị thị trường của chúng”, chuyên viên James Hayes Jr của Cơ quan quản lý hải quan và xuất nhập cảnh thuộc Bộ Nội vụ Mỹ nhận định.

Tuy vậy, ông này phủ nhận tất cả các cáo buộc, và nói rằng bức tượng nữ thần Shiva là do ông mua được từ phu nhân một quan chức ngoại giao.

Còn ông Freedman hồi tháng 12.2013 đã nhận tội hỗ trợ việc vận chuyển cổ các vật lấy trộm từ Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan và Campuchia tại tòa án Manhattan.

“Trả lại cho Ceasar”

Trong một thông cáo trên website của mình, NGA cho biết họ đã tìm hiểu về bức tượng Shiva mất một năm trước khi quyết định mua nó theo đúng các thủ tục quốc tế đối với các bảo tàng.

“Nếu các cáo buộc chống lại ông Kapoor được chứng minh là đúng thì rõ ràng bảo tàng của chúng tôi và nhiều bảo tàng khác trên thế giới đã trở thành nạn nhân của một hành động lừa đảo kì bí nhất”, thông cáo NGA viết.

Tượng nữ thần Uma Parameshvari được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Văn minh châu Á của Singapore - Ảnh: ACM
Tượng nữ thần Uma Parameshvari được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Văn minh châu Á của Singapore - Ảnh: ACM

“Nếu đúng, vụ lừa đảo này cũng liên quan đến hành vi làm giả tinh vi các giấy tờ chứng nhận đồ cổ bởi một chủ cửa hàng nghệ thuật nổi tiếng của New York với lịch sử gần 40 năm buôn bán với các bảo tàng hàng đầu thế giới”, thông cáo nói thêm.

Và NGA đã kiện ông Kapoor, cửa hàng Art of the Past và người quản lý Freedman ra Tòa án tối cao New York với cáo buộc những người này đã “khuyến dụ một cách lừa lọc” bằng những giấy chứng nhận giả về nguồn gốc và tính chân thực của bức tượng, khiến bảo tàng này đã mua nó với giá 5 triệu USD.

Theo sau đơn kiện của NGA, chính phủ Ấn Độ đã chính thức gửi thư cho chính phủ Úc, yêu cầu hai bảo tàng trả lại hai bức tượng quý “đã bị đưa ra khỏi Ấn Độ trái với luật sở di sản văn hóa” vào đúng hôm nay, 28.3.2014, Văn phòng Tổng chưởng lý Úc cho báo chí biết.

Thông cáo của NGA cũng cho biết: “Bảo tàng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để tính toán về về mọi khả năng có thể. Quy trình trả lại những cổ vật văn hóa nước ngoài sẽ được thực hiện ở cấp chính phủ-với-chính phủ”.

Trong khi đó, AGNSW nói với hãng tin Reuters hôm 27.3 rằng họ “hợp tác toàn diện với chính phủ Úc và các cơ quan chức năng liên quan để đi đến giải pháp cuối cùng”.

Singapore cũng là “nạn nhân”

Trong khi hai bảo tàng lớn của Úc phải đưa những bức tượng quý ra khỏi sự chiêm ngưỡng của  công chúng và dự định trả lại cho Ấn Độ, thì Bảo tàng văn minh châu Á (ACM) của Singapore cũng lâm vào tình thế tương tự.

Hồi năm 2007, ACM cũng mua tại cửa hàng của ông Kapoor ở New York bức tượng nữ thần Hindu Uma Parameshvari bằng đồng 1.000 tuổi được với giá 650.000 USD.

Theo báo The Hindu, bức tượng Uma Parameshvari bị lấy trộm từ một đền thờ Hindu ở quận Ariyalur, cũng thuộc bang Tamil Nadu hồi năm 2006.

Tượng được chuyển về Singapore trong năm 2007 và được trưng bày trang trọng trong ACM như một báu vật mà bảo tàng tự hào sưu tập được.

Hồi tháng 12.2013, sau khi ông Freedman nhận tội ở Tòa án New York, ACM đã thừa nhận họ đã mua tượng từ cửa hàng của ông Kapoor, nhưng quả quyết không làm điều gì sai trái.

“Nguồn gốc và tiểu sử của mọi cổ vật đều được truy kiểm từ nguồn dữ liệu quốc tế về cổ vật bị đánh cắp hoặc hôi của trước khi việc mua bán diễn ra”, thông cáo của ACM khẳng định.

Tuy vậy, bảo tàng này cũng nói thêm họ đang theo dõi diễn biến các vụ án và “sẽ có hành động cần thiết dựa trên thông lệ và quật pháp quốc tế”.

Bức tượng sau đó cũng đã được đưa ra khỏi nơi trưng  bày.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Chiêm ngưỡng cổ vật châu Á tại Việt Nam
>> Tìm thấy hàng ngàn cổ vật dưới hồ Titicaca
>> Mỹ tặng cổ vật 2.700 năm tuổi cho Iran

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.