Úc, EU chỉ trích Trung Quốc xây đảo phi pháp ở Biển Đông

27/05/2015 17:28 GMT+7

(TNO) Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson ngày 27.5 cho rằng hoạt động bồi đắp đảo “chưa từng thấy” của Trung Quốc tại Biển Đông gây ra nguy cơ phát sinh “sai sót”. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng chỉ trích hoạt động xây đảo trái phép này của Trung Quốc.

(TNO) Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson ngày 27.5 cho rằng hoạt động bồi đắp đảo “chưa từng thấy” của Trung Quốc tại Biển Đông gây ra nguy cơ phát sinh “sai sót”. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng chỉ trích hoạt động xây đảo trái phép này của Trung Quốc.

Thư ký Bộ Quốc phòng Úc Dennis Richardson - Ảnh chụp màn hình The Australian

“Tốc độ và quy mô hoạt động xây đắp đảo của Trung Quốc tại Biển Đông đang làm dấy lên câu hỏi về ý định và mục đích (của hoạt động xây đảo)”, nhật báo The Sydney Morning Herald (Úc) dẫn lời ông Richardson phát biểu trong một diễn đàn thường niên tại Nghị viện tiểu bang New South Wales.

“Hoàn toàn chính đáng khi đặt câu hỏi về mục đích của hoạt động này, và rất có thể việc này không nhằm phục vụ du lịch”, Thư ký Bộ Quốc phòng Úc tuyên bố.

The Sydney Morning Herald bình luận phát biểu của ông Richardson cho đến nay là phát biểu chi tiết và thẳng thắn nhất của một quan chức cấp cao Úc từ sau khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng trái phép đường băng, cảng biển và các cơ sở hạ tầng quân sự tại các bãi đá (chiếm của Việt Nam) ở quần đảo Trường Sa hồi năm 2014.

Phát biểu của ông Richardson cũng thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng của nước này với khả năng Bắc Kinh có thể sẽ dùng đảo nhân tạo như nền tảng để phát triển sức mạnh quân sự và củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý tại Biển Đông, nơi một số tuyến hải trình quan trọng nhất của Úc đi qua, theo nhật báo lâu đời nhất nước Úc.

Tàu nạo vét Trung Quốc tấp nập hoạt động trái phép tại Đá Vành Khăn thuộc quần đảo
Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Ông Richardson còn so sánh tốc độ “cải tạo” bãi đá ngầm của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam với quá trình hình thành một lực lượng hải quân ấn tượng của Bắc Kinh.

“Trung Quốc hiện đã có một lực lượng tàu công vụ và tuần duyên đông hơn toàn bộ lượng tàu của các quốc gia khác trong vùng gộp lại. Và với quy mô và mức độ hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, việc dùng các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự của nước này sẽ là một mối lo ngại cụ thể”, ông Richardson cho hay.

“Việc nghi ngờ và bày tỏ lo ngại là điều hợp lý ,vì căng thẳng và nguy cơ xảy ra sai sót là điều chẳng ai muốn”, ông Richardson nói thêm.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk bày tỏ lo ngại về những hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở biển Đông - Ảnh: Reuters

* Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản ngày 26.5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk đã chỉ trích hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông, trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra vào ngày 29.5.

Ông Tusk cho biết quan điểm của EU là tất cả các bên liên quan phải tránh dùng đe dọa và vũ lực, đây cũng là quan điểm mà nhóm các nước công nghiệp phát triển G7 nhất trí hồi năm 2014, theo đài NHK (Nhật Bản) ngày 27.5.

“Một số hoạt động, được gọi là hoạt động xây dựng trên biển… sẽ khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn”, ông Tusk nói, đồng thời cho biết cần phải có giải pháp không gây hấn đối với tình hình Biển Đông.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết ông lên kế hoạch thảo luận vấn đề tự do hàng hải trong một cuộc họp với các lãnh đạo Trung Quốc dự kiến tổ chức vào cuối năm 2015.

Vấn đề Biển Đông là một trong số những chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - EU.

Báo Japan Times (Nhật Bản) hôm 9.5 dẫn lại bản dự thảo thông cáo chung thượng đỉnh Nhật Bản - EU cho biết Tokyo và EU cân nhắc đưa vào thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh song phương sắp tới phần cảnh báo chống lại tham vọng bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nếu thông cáo chính thức năm nay đề cập đến Biển Đông và Hoa Đông thì rõ ràng Nhật Bản và EU đưa ra cảnh báo mạnh mẽ hơn chống lại tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc, theo nhận định của Japan Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.