Úc cảnh báo lừa đảo thuê nhà qua mạng

15/02/2012 03:31 GMT+7

Giới chức Úc khuyến cáo người nước ngoài cần thuê nhà ở nước này phải cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua mạng vì có thể thiệt hại hàng ngàn AUD (đô la Úc).

Thủ phạm thường nhắm tới những người có nhu cầu thuê nhà như du học sinh, thực tập sinh, người lao động nước ngoài… Nạn nhân không những không có nhà ở mà còn mất những khoản tiền lớn. Trang tin News.com.au dẫn lời quan chức Dave Hillyard của Ban Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại Úc cảnh báo: “Đây là thủ đoạn lừa đảo chuyên nghiệp và đang lan rộng”.

Hấp dẫn “nhà sang, giá bèo”

Theo News.com.au, bọn lừa đảo dùng chiêu quảng cáo trên mạng cho thuê một ngôi nhà sang trọng ở vị trí thuận tiện nhưng tiền thuê thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Chúng thường đóng giả là chủ nhà cho thuê và chực chờ trên một số website quảng cáo và thuê nhà phổ biến như Gumtree và Flatmates.com. Khi có người liên hệ, thủ phạm thường mượn cớ rằng mình đang ở nước ngoài nên không thể cho xem nhà ngay nhưng yêu cầu khách hàng đặt cọc tiền thuê nhà. Trong trường hợp khách chưa sang đến Úc thì những kẻ lừa đảo càng hối thúc gấp hơn vì “đang có rất nhiều người cần nhà, không thể chờ đến khi bạn đến được”.

 
Khách hàng cần gặp chủ nhà và xem kỹ ngôi nhà cần thuê - Ảnh: Perthshire House

Các chuyên gia nhận định tuy thủ đoạn nói trên rất đơn giản nhưng vẫn vô cùng hữu hiệu trong bối cảnh nhà cho thuê ở Úc đang khan hiếm như hiện nay. Cầu vượt quá cung nên sau khi mất nhiều thời gian và công sức tìm nhà nhưng không được, nhiều khách hàng sẵn sàng gửi tiền đặt cọc mà không cần trực tiếp xem nhà. “Nhiều người đặt cọc số tiền lớn nhưng không tận mắt xem căn nhà cần thuê, không kiểm tra và cũng không gặp bất cứ ai. Hầu hết tài khoản của bọn lừa đảo nằm ở nước ngoài và sau khi tiền đến nơi thì dĩ nhiên không còn gì”, quan chức Hillyard nhấn mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy có ít nhất 220 người bị lừa trong năm 2011 với tổng số tiền lên tới 40.000 AUD (hơn 887 triệu đồng) được chuyển vào các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài. Nạn nhân mới nhất là một nữ sinh viên người Nhật Bản vừa tới Úc. Cô đã chuyển khoản 1.400 AUD để đặt cọc thuê một căn hộ ở thủ phủ Perth của bang Tây Úc qua internet nhưng sau đó không liên lạc được với “chủ hộ”.

Trước tình trạng này, Ban Bảo vệ người tiêu dùng Úc khuyến cáo người thuê nhà luôn đề cao cảnh giác, đến tận nơi gặp trực tiếp chủ nhà và đừng bao giờ chỉ mới xem ảnh mà đã tin tưởng chuyển tiền.

Chưa có thông tin người Việt bị lừa

Ông Nguyễn Anh Dũng, một Việt kiều ở Perth cho phóng viên Thanh Niên hay cộng đồng người gốc Việt cũng biết về chuyện này nhưng chưa nghe có người Việt ở Tây Úc bị lừa. Ông Dũng nói hiện giới chức Úc đang tăng cường rà soát các mẩu quảng cáo cho thuê trên mạng và lập tức gỡ xuống những thông tin không đúng sự thật. Theo ông, người Việt ở Tây Úc cần thuê nhà thường tìm trên báo hoặc nhờ người quen.

Trao đổi với Thanh Niên, cựu Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Deakin Bảo Huỳnh cũng nói: “Có nhiều trường hợp than phiền về nhà ở không được như mong đợi hay khi hết hạn hợp đồng, chủ nhà không trả lại tiền đặt cọc, nhưng lừa sinh viên thuê nhà qua mạng thì tôi chưa nghe. Tuy nhiên, đã có khuyến cáo thì mọi người cần hết sức tỉnh táo”. Để tránh bị lừa, Bảo Huỳnh đề nghị: “Các bạn sinh viên nên liên hệ với trung tâm lo hồ sơ cho mình đi du học hoặc liên hệ với bộ phận hỗ trợ sinh viên quốc tế của trường mà các bạn sắp đến học. Hầu hết những nơi này đều có thông tin tin cậy cho việc thuê nhà, giúp sinh viên gặp chủ nhà tốt và không bị lừa. Ngoài ra, các bạn du học sinh có thể liên hệ với hội sinh viên của các trường qua Facebook”.

Lừa thuê nhà ở Mỹ

Tương tự ở Úc, giới chức Mỹ cũng cảnh báo nạn lừa đảo thuê nhà qua mạng. Theo ABC News, thủ phạm tìm các căn nhà cho thuê hợp pháp, lấy cắp mô tả và hình ảnh rồi đăng trên những website rao vặt với giá thuê rẻ hơn giá thị trường vài trăm USD.

Bọn lừa đảo cũng mượn cớ đang ở nước ngoài khi khách đòi gặp và hối thúc đặt cọc. Nhiều người lái xe ngang qua nhà để kiểm tra, thấy rõ ràng bên ngoài có bảng cho thuê nên tin tưởng chuyển tiền. Vì thế, cách tốt nhất vẫn là gặp trực tiếp chủ nhà.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.