Tuyệt tích giang hồ

20/02/2010 11:36 GMT+7

Với tài năng quân sự của mình, giáo đồ Minh giáo là Chu Nguyên Chương đã lợi dụng sức mạnh của Minh giáo để diệt nhà Nguyên, lập ra triều Minh. Lịch sử hơn 200 năm của triều Minh có thể nói là từ Minh giáo mà ra. Trớ trêu thay, chính Chu Nguyên Chương lại là người đưa Minh giáo đến bước đường cùng!

Như đã nói, đến năm Hội Xương thứ 3 (843), khi xảy ra “Hội Xương pháp nạn”, Minh giáo suy vi, bị cấm đoán nên phải hoạt động bí mật và bị nhiều người gọi một cách khinh miệt là Ma giáo. Về mặt tổ chức, Minh giáo ở Trung Nguyên đã tách lìa mối quan hệ với Tổng bộ giáo đoàn Mani giáo ở Tây Vực.

Khuấy động phong trào khởi nghĩa

Từ một đoàn thể tôn giáo, Minh giáo đã dần trở thành một tổ chức bang hội có nội lực phản kháng mạnh mẽ và hoàn toàn khác hẳn Phật giáo hay Lão giáo.

Trong phong trào nông dân khởi nghĩa vào đời Tống, nhất là một dải Phúc Kiến, Triết Giang, trong nhiều tổ chức bang hội bí mật có sự tham gia của không ít giáo đồ Minh giáo. Đặc biệt, đời Bắc Tống có 4 cuộc khởi nghĩa lớn của “Tứ đại khấu” gồm Tống Giang, Vương Khánh, Điền Hổ và Phương Lạp. Trong đó, Phương Lạp lợi dụng tổ chức Minh giáo, xưng là giáo chủ đã tiến hành cuộc khởi nghĩa với quy mô cực lớn, chiếm giữ cả miền Đông Nam Trung Quốc.

Tiếp đó, các giáo chủ Minh giáo như Vương Tông Thạch, Dư Ngũ Ba, Trương Tam Thương liên tiếp khởi nghĩa ở Giang Tây, Quảng Đông. Vì thế, Minh giáo là đối tượng truy sát của triều đình. Đến khi triều Tống rơi và tay Mông Cổ thì Minh giáo lại trở thành kẻ tử thù của triều Nguyên.

Triều Nguyên đặt ra hình pháp, nghiêm cấm hoạt động của Minh giáo cũng như các tôn giáo dân gian. Sau khi giáo chủ Dương Đỉnh Thiên chết một cách bí ẩn, Minh giáo như rắn không đầu.

Cuối đời Nguyên, Minh giáo kết hợp với Bạch Liên giáo, Di Lặc giáo. Khi Hàn Sơn Đồng đứng lên khởi nghĩa, nêu khẩu hiệu “Phật Di Lặc giáng sinh, đấng Minh Vương hạ thế” đã quy tụ giáo đồ Minh giáo rất đông.

Chính tà khó phân

Trương Vô Kỵ trong Ỷ Thiên Đồ Long ký là người đại diện cho cả ba nền văn minh tôn giáo Trung Nguyên, Tây Vực và Trung Đông với ba loại võ công thượng thừa: Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm của Võ Đang (Đạo giáo); Cửu Dương thần công của Thiếu Lâm tự (Phật giáo); Càn Khôn Đại Na Di và võ công trong Thánh Hỏa Lệnh của Minh giáo.

Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung đã dành sự ưu ái cho các giáo đồ của Minh giáo. Từ giáo chủ Trương Vô Kỵ cho đến những giáo đồ như Thường Ngộ Xuân, Chu Nguyên Chương, Từ Đạt... đều là những con người nghĩa khí, quang minh lỗi lạc, lấy diệt trừ áp bức bất công làm tôn chỉ.

Kim Dung cũng đã giải thích vì sao sau này Minh giáo luôn bị triều đình cấm đoán và bị gọi khinh miệt là Ma giáo, qua đoạn đối thoại giữa Quang Minh tả sứ Dương Tiêu với giáo chủ Trương Vô Kỵ: “Người trong Thích đạo tuy nói phổ độ chúng sinh nhưng tăng chúng xuất gia đều cố giữ thanh tu, không để ý đến chuyện đời. Đạo gia cũng thế. Còn Minh giáo tụ tập lương dân, bất luận ai gặp nguy nan khốn khổ thì mọi giáo chúng đều ra tay giúp đỡ. Quan phủ áp bức dân lành, có đời nào ít đâu, có vùng nào ít đâu? Nếu có người nào bị quan phủ ức hiếp, oan khuất, bản giáo liền đứng ra chống lại”.

Trở mặt tiêu diệt Minh giáo

Nhân dịp này, giáo đồ Minh giáo là Chu Nguyên Chương với tài năng quân sự của mình, lợi dụng sức mạnh của 3 giáo phái, tự xưng là “Minh Vương”, tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh từ Nam đến Bắc Trung Hoa, đánh tan đế quốc Mông Cổ, diệt nhà Nguyên, lập ra triều Minh. Lịch sử hơn 200 năm của triều Minh có thể nói là từ Minh giáo mà ra.

Trớ trêu thay, chính Chu Nguyên Chương lại là người đưa Minh giáo đến bước đường cùng! Biết rõ sự lợi hại của các giáo phái bí mật, sau khi lên ngôi hoàng đế được hai năm, Chu Nguyên Chương đã ban “Minh luật” dùng hình pháp siết chặt, hạ chiếu nghiêm trị tất cả những giáo đồ Minh giáo và cả Bạch Liên giáo. Ai tham gia “tà đạo tà thuật” này đều bị xử trảm.

Từ đó, các chi phái của Bạch Liên giáo với các hình thức tổ chức phong phú vẫn tiếp tục tồn tại, còn Minh giáo thì ngày càng suy yếu và đến cuối đời Minh đầu đời Thanh đã hoàn toàn tuyệt tích giang hồ.

Minh giáo chính quốc cũng suy tàn

Ở Ba Tư (Iran), Mani giáo phát triển không thuận lợi như Minh giáo ở Trung Hoa. Giáo chủ Mani lập giáo và truyền bá ở Babilon từ năm 242, đến  năm 277 thì bị xử tử bằng cách đóng đinh trên Thập tự giá. Mani giáo được vương triều Sasan cho phép truyền giáo ở Iran nhưng không bao lâu sau thì xảy ra mâu thuẫn với giáo phái Zoroastrianism.

Triều đình cho rằng Mani giáo làm ảnh hưởng đến sự thống trị của mình nên ra lệnh triệt giáo. Một số chạy sang La Mã truyền giáo nhưng lại mâu thuẫn với quốc giáo cổ của La Mã là sùng bái mặt trời. Năm 296, đế chế La Mã ra lệnh thiêu sống tu sĩ Mani, đốt hết kinh sách.

Rất nhiều giáo đồ đã chạy về phía Đông, một bộ phận gia nhập giáo đoàn Mani Trung Á. Giáo đoàn này do đại đệ tử của Mani là Amou lập ra, sau đó truyền nhập Trung Hoa. Khoảng thế kỷ thứ VI, giáo đoàn này tuyên bố tách ra khỏi tổng giáo hội Mani giáo đặt tại Babilon.

Tại chính quốc, năm 651, Iran bị đế quốc Ả Rập xâm chiếm, độc tôn Islam giáo, Mani giáo nhanh chóng bị tiêu diệt. Giáo đoàn Mani giáo ở Trung Á cũng bị Mông Cổ thanh toán. Như vậy, đến cuối đời Nguyên, Minh giáo ở Trung Hoa chính là Mani giáo duy nhất tồn tại.

Vì thế, trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung đã đề cập việc Tổng giáo Ba Tư khởi binh nổi dậy, đồng thời đến Trung Nguyên tìm thánh nữ, sau cùng đưa bạn gái của giáo chủ Minh giáo Trung Hoa Trương Vô Kỵ là Tiểu Siêu (con gái Tử Sam Long vương Đại Ỷ Ty, một trong Tứ đại hộ pháp của Minh giáo Trung Hoa) về nước để làm giáo chủ. Những nhân vật này thuần túy là hư cấu của nhà văn, không có chứng cứ lịch sử.

Theo Thượng Văn / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.