Trường Sa xanh

10/06/2011 08:28 GMT+7

(TNTS) Dù đã được nghe nhiều, nhưng chỉ đến khi tới thăm quần đảo Trường Sa, chúng tôi mới có thể thấu hiểu sự khắc nghiệt, dữ dội của thiên nhiên, thời tiết giữa biển khơi. Nhưng bất chấp tất cả, những mầm xanh vẫn vươn lên mơn mởn, mạnh mẽ không chỉ ở đảo nổi mà còn ở đảo chìm và trên cả nhà giàn.

Sau khi rời đảo Song Tử Tây, con tàu HQ 936 rẽ sóng, đưa chúng tôi tới thăm đảo chìm đầu tiên trong chuyến hành trình: đảo Đá Nam. Lúc đó đã gần xế chiều, thuyền trưởng - đại úy Ngô Đức Dũng yêu cầu các thành viên nhanh chóng xuống xuồng vào đảo. Chúng tôi phải tranh thủ từng phút một, bởi khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô nổi lên, xuồng có thể bị mắc cạn, việc di chuyển không tránh khỏi nguy hiểm. Đá Nam hiện ra thật gần trước mắt chúng tôi. Trong lòng nhiều người lần đầu tiên nhìn thấy đảo chìm bỗng dâng lên một niềm cảm xúc thật khó tả. Trên đảo có duy nhất một ngôi nhà, lọt thỏm giữa lòng biển khơi bao la.

 
Biển một bên và... rau một bên (ảnh chụp vườn rau trên đảo Đá Thị) 

Biết bao khó khăn trong cuộc sống các anh phải đối mặt: thiếu nước ngọt, thường xuyên phải chống chọi với cái nắng, nóng như đổ lửa, có khi là những cơn bão điên cuồng của biển khơi. Vậy mà, khi vừa bước chân lên đảo, trước mắt chúng tôi ấn tượng đầu tiên là tràn ngập màu xanh của sự sống. Mọi diện tích trống được các anh tận dụng triệt để làm thành vườn rau thanh niên, phong phú với nhiều loại, nào rau muống, rau cải, nào mồng tơi, rau đay… Ở nơi mà điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, độ mặn trong không khí rất cao, không thể tưởng tượng có những vườn rau tươi tốt đến vậy. Các chiến sĩ tận dụng từng ca nước ngọt đã dùng để tắm, giặt, sinh hoạt cá nhân để tưới rau. Thượng úy Kiều Việt Phong - Đảo trưởng đảo Đá Nam kể, mỗi khi bão về, gió giật mạnh, sóng đánh lên cao táp cả vào vườn rau. Bất chấp mưa to, gió lớn và cả nguy hiểm, các chiến sĩ phải lao ra cứu rau, dùng bạt che chắn, "lo cho rau có khi hơn cả lo cho mình" - Thượng úy Kiều Việt Phong nói vui.

 
Đảo đá Len Đao

Không chỉ có rau, trên đảo còn nuôi cả gà, vịt. Thượng úy Kiều Việt Phong nhớ thời gian đầu mới mang đàn vịt 12 con từ đất liền ra nuôi: "Lúc đó, đàn vịt mới ra đảo chưa quen với môi trường nước biển mặn nên bị đau mắt. Các anh em liền nghĩ ra cách lấy thuốc nhỏ mắt của mình ra tra cho vịt". "Đàn vịt vốn quen sống ở đất liền, đến khi ra đảo cứ ngỡ biển giống… ao. Có khi chúng rủ nhau bơi rất xa, các chiến sĩ phải đi ca-nô ra để vớt vịt về"- anh kể.

Những vườn rau tươi xanh, những chuồng nuôi gia cầm đều xuất hiện trên các đảo đá chìm chúng tôi đến thăm sau đó là Đá Thị, Đá Lớn, Len Đao, Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông. Vào những ngày cuối cùng, chúng tôi tới thăm nhà giàn DK1/16. Mặc dù sóng yên, bể lặng, nhưng để tiếp cận được nhà giàn, chiếc xuồng chở chúng tôi phải mất hai lần quay đi quay lại. Mọi bất trắc, nguy hiểm đều có thể xảy ra. Hai thủy thủ phải đỡ từng thành viên lên chiếc cầu thang sắt. Chúng tôi thận trọng nắm chắc từng thanh cầu thang leo lên trong khi ở ngay phía dưới là biển sâu đang dâng từng đợt sóng. Khi lên nhà giàn ở độ cao hàng chục mét so với mực nước biển, nhiều người có cảm giác khó thở vì thiếu không khí. Đến mùa mưa bão, sóng, gió mạnh làm cho nhà giàn bị nghiêng ngả. Thế nhưng, khi chúng tôi đến đây, những luống rau muống to, tròn đang chen nhau mọc.

Được tận mắt chứng kiến, chúng tôi càng thêm khâm phục sức sáng tạo, nghị lực vươn lên khắc phục mọi khó khăn, thích nghi với mọi hoàn cảnh của các chiến sĩ. Không chỉ ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc mà các anh còn mang đến cho Trường Sa ngày càng nhiều thêm những mầm xanh.

Bài & ảnh: Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.