Nga chế tạo “thú ăn thịt”

21/10/2011 08:32 GMT+7

(TNTS) Để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại, Nga đang tích cực thiết kế và sản xuất máy bay không người lái trang bị cho quân đội của mình.

Vào tháng 8.2011, Bộ Quốc phòng Nga công bố kết quả trúng thầu đối với dự án thiết kế máy bay không người lái cho mục đích quân sự. Có hai hãng với 2 nhiệm vụ đã được lựa chọn. Hãng "Tranzas" chuyên nghiên cứu về hệ thống hàng không được giao nhiệm vụ thiết kế loại máy bay không người lái có trọng lượng gần 1 tấn, với giá trị hợp đồng là 2 tỉ rúp. Còn tổ hợp thiết kế "Sokol" sẽ thiết kế loại máy bay không người lái có trọng lượng gần 5 tấn, giá trị hợp đồng là 1 tỉ rúp. Như vậy bước đầu Bộ Quốc phòng Nga chi 3 tỉ rúp (tương đương 100 triệu USD) cho dự án nhiều tham vọng của mình.

Giá trị của hai hợp đồng trên có sự chênh lệch vì có sự khác biệt trong thiết kế. Tranzas sẽ thiết kế hoàn chỉnh chiếc máy bay không người lái để khi cần có thể sản xuất hàng loạt ngay vào bất cứ lúc nào. Trong khi đó Sokol chỉ thiết kế mẫu mô hình để bay thử nghiệm. Và nếu mô hình sau hàng loạt thử nghiệm được cho là thành công, khi đó Bộ Quốc phòng Nga mới quyết định sẽ tiếp tục phát triển dự án hay ngừng lại. Cả hai loại máy bay không người lái này, theo Bộ Quốc phòng Nga, là loại tiêm kích tầm trung nhưng phải có thời gian hoạt động liên tục kéo dài. 

 
Một chiếc máy bay không người lái - Ảnh: Topwar.ru 

Bộ Quốc phòng Nga cho rằng các máy bay không người lái của nước này sẽ có tính năng kỹ thuật không hề thua kém với loại Drone của Mỹ và Israel. Dự kiến vào năm 2015, các loại máy bay không người lái của Nga sẽ bắt đầu bay thử nghiệm.

Hiện trên thế giới, một trong những máy bay không người lái được cho là loại tiêm kích tầm trung điển hình là chiếc MQ-1 Predator (thú ăn thịt) của Mỹ. Mỹ từng sử dụng "thú ăn thịt" tại Afghanistan, Pakistan, Yemen. Chiếc máy bay không người lái này có tổng trọng lượng là 1.020 kg, bay với vận tốc cực đại là 217 km/giờ với trần bay 7.600m. MQ-1 Predator có thể hoạt động trên không trung trong thời gian liên tục 24 giờ, mang theo nó các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ do thám, trinh sát. Ngoài ra, nó còn có thể mang theo lượng vũ khí nặng tới 204 kg. Predator có 2 điểm treo có thể treo hai tên lửa AGM-114 Hellfire, hoặc 4 tên lửa AIM-92 Stinger hay 6 tên lửa Griffin.

Tuy đặt ra mục đích thiết kế máy bay không người lái không thua kém Mỹ, nhưng thực tế cho thấy đó là điều mà Nga chưa thể thực hiện được. Bởi trong tương lai gần, Nga chỉ có thể thiết kế loại có thời gian hoạt động trên không là 12 giờ và tầm bay chỉ đạt 500 km. Điều này cho thấy, máy bay không người lái của Nga được điều khiển bằng trạm chỉ huy dưới mặt đất chứ không phải bằng vệ tinh như Mỹ đã thực hiện từ một vài năm qua. Ngoài 2 thông số vừa nêu, các chi tiết kỹ thuật khác của dự án mà Nga đang tiến hành hiện vẫn còn chưa được tiết lộ.

 
Chiếc Dozor của hãng Tranzas - Ảnh: i.flamber.ru

Theo lời ông Viktor Godunov - Phó chủ tịch Tranzas, thì hãng này đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với tổ hợp thiết kế "Sokol" trong thiết kế máy bay không người lái cho Bộ Quốc phòng Nga. Theo đó, Tranzas sẽ thiết kế hệ thống điều khiển máy bay cũng như hệ thống điện tử, còn Sokol sẽ thiết kế các hệ thống điều khiển trên mặt đất và các hệ thống có liên quan khác. Cả hai đều đặt mục tiêu là đến năm 2014 các sản phẩm của họ sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên và sang năm 2015 sẽ bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm. Dù vậy, hiện vẫn chưa có kế hoạch đến thời gian nào "thú ăn thịt" của Nga sẽ được biên chế vào quân đội.

Lãnh đạo cả hai dự án của Nga sẽ là cựu tổng công trình sư của tổ hợp Yakovlev - ông Nicolai Dilzenkov, một trong những người chế tạo chiếc máy bay Yak-130. Nicolai Dilzenkov còn là cha đẻ của chiếc máy bay không người lái "Pchela", từng được Nga sử dụng trong cuộc chiến chống khủng bố tại Bắc Caucasus. Theo lời ông Nicolai Dilzenkov, máy bay không người lái mới của Nga sẽ là loại đa năng, không chỉ trang bị cho quân đội mà còn cho Bộ Nội vụ và Bộ Các tình huống khẩn cấp của Nga.  

Khả năng thành công của dự án thiết kế mới là hoàn toàn khả thi. Bởi, hãng Tranzas rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Tranzas từng sản xuất chiếc máy bay không người lái "Dozor", trọng lượng 640 kg, vận tốc 210 km/giờ, trần bay 7,5 nghìn mét và tầm bay là 3,7 nghìn km. Dozor đã cất cánh lần đầu tiên vào năm 2010, nó chở được 220 kg thiết bị, khí tài, và hoạt động liên tục trong 30 giờ.    

Trong cuộc đấu thầu trên, còn có tập đoàn "Vega", một trong những nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu của Nga. Vega từng sản xuất các máy bay không người lái mang tên "Tipchak", "Pchela-1", ZALA… Các loại này từng phục vụ lực lượng biên phòng, bộ binh của Nga. Tuy nhiên Vega đã không thắng thầu và Bộ Quốc phòng Nga cũng không nêu rõ vì sao lại như vậy. Một số chuyên gia quân sự Nga cho rằng có lẽ do chiếc máy bay không người lái "Aist" của Vega thử nghiệm không thành công.

Cần nhắc lại, vào tháng 1.2010, tập đoàn Vega thử nghiệm chiếc Aist và nó đã rơi xuống đất rồi nổ tung. Chiếc máy bay không người lái này nặng 600 kg, trần bay từ 100m đến 600m và có thể chở 100 kg hàng hóa với thời gian hoạt động liên tục 12 giờ. Sau vụ này, Vega đã không tiếp tục thử nghiệm Aist nữa.

Đang nỗ lực để tự thiết kế sản xuất máy bay không người lái của mình, nhưng hiện Nga vẫn mua loại này từ nước ngoài. Vào tháng 4.2009, Nga đã mua của Israel 12 chiếc BirdEye-400, I-View Mk150 và Searcher II với tổng giá trị hợp đồng là 53 triệu USD. Sau đó, Nga còn ký hợp đồng trị giá 100 triệu USD mua thêm 36 chiếc nữa. Đến tháng 4.2010, Nga lại tiếp tục mua 15 chiếc máy bay không người lái cũng của Israel. Tháng 10.2010, tập đoàn "Oboronprom" của Nga ký hợp đồng 300 triệu USD để mua lại của hãng quốc gia Israel Aerospace Industries các linh kiện lắp ráp máy bay không người lái.

Vào ngày 7.11.2011, Bộ trưởng quốc phòng Nga - Anatoly Serdyukov, cho biết khá hài lòng với "thú ăn thịt" của Israel và hiện đang rất quan tâm đến máy bay không người lái của Ý. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Nga không nên quá chú trọng vào việc mua máy bay không người lái của nước ngoài mà nên tập trung vốn, nguồn lực cho các nhà sản xuất trong nước. Nếu không, các nhà sản xuất của Nga sẽ chỉ đóng vai "người bám đuổi" của các nước phương Tây.

Ngữ Tử Yên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.