Bầu cử tổng thống Pháp: Khi người Pháp thức tỉnh

24/04/2007 00:36 GMT+7

Từng hàng người dài kiên nhẫn xếp hàng cả giờ đồng hồ đợi đến lượt mình bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục chỉ là một điểm nhấn, nhưng quan trọng hơn, kết quả cuộc bỏ phiếu vòng 1 khẳng định rằng nước Pháp đã sẵn sàng chuyển mình để sang một trang mới…

Quyết định tương lai

Ngày bầu cử, tôi tìm đến một trong số các điểm bỏ phiếu tại vùng ngoại ô nhiều tai tiếng Aulnay Sous Bois của Paris. Đã xế trưa, nhưng 4 phòng phiếu vẫn còn đông người xếp hàng. Không khó để nhận ra sự tham gia đông đảo của các bạn trẻ. Hầu hết đều vui vẻ khi được đi bầu và có chung một ý kiến: "Không chỉ mình tôi mà tất cả bạn bè của tôi, những ai đủ điều kiện đều tham gia bỏ phiếu ngày hôm nay. Sự kỳ thị đối với dân cư khu vực ngoại ô nghèo gốc ngoại quốc vẫn tồn tại. Chúng tôi sẽ góp phần quyết định tương lai của mình thông qua việc bỏ phiếu".

Tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục, không chỉ ở trong nước, số lượng cử tri Pháp ở nước ngoài tham gia bầu cử cũng tăng đột biến. Người dân xứ gà Gaulois đã không còn làm ngơ với chính trường, nhất là sau hàng loạt cuộc khủng hoảng trong hai năm trở lại đây. Tất cả cử tri đều mong lựa chọn được ứng viên xứng đáng nhất không chỉ để Tổng thống Chirac trao lại chìa khóa Điện Élysée mà còn có khả năng tìm được chiếc chìa khóa mở ra một khung trời mới cho nước Pháp.

Những con số biết nói

Việc hai ứng cử viên N.Sarkozy và S.Royal chia nhau 2 vị trí đầu (lần lượt là 31,11% và 25,84% phiếu bầu) để lọt vào vòng chung kết thực ra chỉ trở lại với truyền thống tả-hữu của nước Pháp, không có gì đặc biệt. Nhưng những con số hiện diện trong kết quả của vòng 1 làm nên một chuỗi những thay đổi thú vị.

Người về thứ ba F.Bayrou đã phát biểu với những người ủng hộ: "Tôi có một tin vui để thông báo với các bạn, kể từ tối hôm nay, nước Pháp đã thay đổi!". Tuy thua cuộc nhưng quả thật số điểm rất cao của ông Bayrou (18,55%) đã đưa đường lối chính trị trung dung của đảng UDF dần trở thành cực thứ 3. Nước Pháp từ thế song cực tả-hữu truyền thống giờ đang có khả năng chuyển sang thế tam cực. Không chỉ thế, vô hình trung với số điểm và lập trường "ở giữa" của mình, Bayrou có thể trở thành... người phán quyết của vòng 2. Ông hiện từ chối đưa ra quyết định ủng hộ ứng cử viên nào ở vòng 2 nhưng ngay sau khi có kết quả, cả N.Sarkozy và S.Royal đều tỏ ra rất quan tâm đến hơn 6 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Bayrou. Ứng cử viên nào nhận được sự ủng hộ của Bayrou sẽ có lợi thế rất lớn trong vòng "chung kết".

Ngoài số điểm ấn tượng của phe trung dung, việc các đảng nhỏ về môi trường, cực tả giành được số điểm rất nhỏ cũng rất đáng lưu ý. Duy nhất chỉ có Besancenot giành được 4,11%, những ứng cử viên cực tả còn lại không ai vượt quá 2%, điều này chứng tỏ rằng lời kêu gọi "bỏ phiếu có ích" của đảng Xã hội đã phát huy được hiệu quả một cách tối đa. Sự kiện Le Pen của đảng cực hữu vào được vòng 2 năm 2002 do tình trạng phân tán phiếu vào các đảng nhỏ là một kỷ niệm "đau thương" của người Pháp và các cử tri đã không để lịch sử được tái diễn.

Điều mới sau cùng khiến giới phân tích đánh giá là đáng "ăn mừng" là tỷ lệ phiếu thấp đáng kể (10,51% so với 16,86% năm 2002) của ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận dân tộc Jean-Marie Le Pen, đánh dấu điểm lùi của các đảng chủ trương cực đoan. Ngoại trừ việc số cử tri tăng vọt và phần đông các cử tri này không bỏ phiếu cho Le Pen thì các chính sách thiên về chủ nghĩa dân tộc mà Sarkozy đưa ra khi vận động tranh cử ở vòng 1 đã thuyết phục được một số cử tri cực hữu và làm cho số người bỏ phiếu cho Le Pen giảm từ 4,8 triệu (2002) xuống còn 3,8 triệu.

Vòng 1 của kỳ bầu cử tổng thống Pháp đã kết thúc, hai ứng cử viên chiến thắng đã sẵn sàng cho vòng 2, hứa hẹn nhiều gay cấn. Các số liệu thống kê và thăm dò hiện tại đang nghiêng về phía N.Sarkozy, nhưng bù lại, trong khi tất cả các ứng cử viên đảng cực tả và môi trường đều kêu gọi cử tri của mình "bỏ phiếu cho Royal" hoặc "bỏ phiếu cho tất cả, trừ Sarkozy" để ủng hộ S.Royal thì đến giờ các ứng cử viên cực hữu vẫn án binh bất động. Sarkozy sẽ làm hết sức để các cử tri của Le Pen bầu cho mình mà không bỏ phiếu trắng. Cả hai ứng cử viên chỉ ở khởi điểm của vòng chung kết, S.Royal vẫn còn cơ hội trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp, tất cả vẫn ở phía trước. 

Nguyễn Ngọc Lan Chi (từ Paris)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.