Trung Quốc và những cáo buộc gây rối trên biển

04/05/2012 04:06 GMT+7

Gần đây, máy bay quân sự và tàu Trung Quốc nhiều lần bị tố “kiếm chuyện” trên những vùng biển trong khu vực khiến các bên quan ngại.

Đến nay, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh vấn đề tranh chấp bãi cạn Scarborough trên biển Đông vẫn chưa lắng dịu khi Manila cáo buộc Bắc Kinh đang có 14 tàu thuyền tại đây. Mọi việc bắt đầu từ lúc tàu chiến Gregorio del Pilar của Philippines ngày 8.4 phát hiện nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt gần Scarborough, theo tờ The Inquirer. Ngay sau đó, 2 tàu hải giám Trung Quốc lập tức có mặt cản trở việc tàu chiến Gregorio del Pilar bắt giữ các tàu cá trên. Lúc bấy giờ, hai bên liên tục chỉ trích lẫn nhau và Manila đề nghị đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế nhưng bị Bắc Kinh từ chối.

Cuối tháng trước, Philippines lên án Trung Quốc đang dùng chiến thuật “bắt nạt” trong khu vực tranh chấp tại biển Đông. Thực sự, Manila nhiều lần đối mặt với Bắc Kinh trong những tình huống tương tự.

 Trung Quốc và những cáo buộc gây rối trên biển
Một tàu ngư chính của Trung Quốc ở gần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2010 - Ảnh: Cankaoa

Theo website VERA Files, ngư dân Philippines từng 2 lần báo cho quân đội nước này về việc máy bay “lạ” xâm nhập không phận tại khu vực biển Đông vào tháng 6 và 7.2011. Cụ thể, vào ngày 4.6.2011, một chiến đấu cơ vờn trên mũi tàu cá Philippines gần đảo Balabac thuộc tỉnh Palawan. Sau đó, vào ngày 11.7, hai máy bay “lạ” bị phát hiện đang quần thảo trên vùng trời tại khu vực được Philippines cho là vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Khi ấy, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin từ chối cho biết nguồn gốc của các máy bay trên. Tuy nhiên, ông tiết lộ những vụ xâm phạm gần đây đã được quy trách nhiệm cho Trung Quốc.

Va chạm với nhiều bên

 

Tàu Thi Lang hoàn tất thử nghiệm

Mới đây, Tân Hoa xã đưa tin tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc vừa cập cảng Đại Liên hôm 30.4 sau chuyến thử nghiệm trên biển kéo dài 11 ngày. Như các lần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định sự kiện trên không liên quan đến tình hình hiện tại trong khu vực gần đây. Mặc dù chuyến thử nghiệm đã hoàn thành các mục tiêu được đề ra ban đầu nhưng Trung Quốc vẫn cần phải tiếp tục hoàn thiện tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Tương tự Philippines, Nhật Bản cũng không ít lần đối mặt với tàu Trung Quốc ở lân cận các khu vực tranh chấp. Sáng 2.5, lực lượng tuần duyên Nhật Bản phát hiện tàu Ngư chính 204 (Trung Quốc) tiến sát lãnh hải nước này. Vì thế, tàu Nhật Bản phải lên tiếng yêu cầu đối phương không được tiến thêm, theo tờ The Yomiuri Shimbun. Cũng trong ngày 2.5, lực lượng tuần duyên Nhật Bản phát hiện tàu Ngư chính 203 (Trung Quốc) xuất hiện gần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Hôm qua, tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn tin từ giới chức Trung Quốc thừa nhận 2 tàu ngư chính trên “đang làm nhiệm vụ” tại khu vực trên.

Ngày 16.3, tàu của 2 bên cũng từng đụng mặt nhau trên biển Hoa Đông. Theo Kyodo News, hôm ấy, 2 tàu Hải giám 50 và Hải giám 66 tiến sát quần đảo Sensaku/Điếu Ngư và tiếp tục nấn ná bất chấp cảnh báo từ phía Nhật Bản. Trong số những lần va chạm gần đây, căng thẳng nhất là vụ tàu Trung Quốc cố tình đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản cũng ở gần Senkaku/Điếu Ngư vào ngày 7.9.2010. Vụ việc trên từng bùng nổ thành căng thẳng nghiêm trọng giữa Bắc Kinh với Tokyo trong nhiều ngày.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng là nước gặp không ít sóng gió trên biển với Trung Quốc thời gian qua, theo Yonhap. Ngày 30.4, Hàn Quốc bắt giữ 9 thuyền viên Trung Quốc sau một vụ đụng độ trên khu vực Hoàng Hải khiến 4 cảnh sát biển nước này trọng thương. Hồi tháng 11 năm ngoái, liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỗn chiến giữa cảnh sát biển Hàn Quốc với thuyền viên Trung Quốc bị cho là đánh bắt trái phép trong vùng biển nước này. Trong số các vụ trên, một thuyền trưởng Trung Quốc đã ra tay đâm chết cảnh sát biển Hàn Quốc tên Lee Cheong-ho. Đến đầu tháng 4, thuyền trưởng trên bị phía Hàn Quốc tuyên án 30 năm tù cùng khoản bồi thường 17.500 USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng từng bị Đài Loan cáo buộc xâm phạm vùng trời của đảo này. Tờ The China Post dẫn lời giới chức Đài Loan cho biết 2 máy bay Trung Quốc hồi tháng 6.2011 băng qua đường ranh phân cách trên eo biển Đài Loan khi đang cố xua đuổi một máy bay do thám của Mỹ. Các máy bay Trung Quốc chỉ quay đầu sau khi Đài Loan điều hai chiến đấu cơ bay lên ngăn chặn.

Trùng Quang

>> Hoàn Cầu thời báo: Trung Quốc chủ động gây rối trên biển Đông
>> Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc
>> ASEAN, Nhật tăng cường an ninh biển
>> Máy bay Trung Quốc bị dọa bom

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.