Trung Quốc 'thăm dò' Ấn Độ về biển Đông

01/02/2015 06:15 GMT+7

Tờ The Times of India hôm qua dẫn một số nguồn tin cho hay giới chức Trung Quốc sẽ cố tìm hiểu lập trường của New Delhi về vấn đề biển Đông trong chuyến công du của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới Bắc Kinh từ ngày 31.1.

Tờ The Times of India hôm qua dẫn một số nguồn tin cho hay giới chức Trung Quốc sẽ cố tìm hiểu lập trường của New Delhi về vấn đề biển Đông trong chuyến công du của Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj tới Bắc Kinh từ ngày 31.1.

Các nguồn tin khẳng định lập trường của Ấn Độ là New Delhi sẽ không có bất kỳ nhượng bộ nào nếu Bắc Kinh tiếp tục cung cấp vũ khí cho Pakistan và không hỗ trợ Ấn Độ chống lại các phần tử khủng bố được Islamabad hậu thuẫn.
Trước đó vài ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng phản đối việc Ấn Độ và Mỹ đề cập đến vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung được đưa ra nhân chuyến công du tới New Delhi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuyên bố nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc bảo vệ an ninh biển và bảo đảm quyền tự do hàng hải và hàng không trên khắp khu vực, đặc biệt tại biển Đông”.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang cấp tập xây đảo nhân tạo và các công trình lớn trên những hòn đảo mà nước này chiếm đóng phi pháp ở biển Đông, khiến ASEAN, Mỹ và Nhật phải lên tiếng bày tỏ lo ngại.
Theo chuyên san Japan Military Review, chuyên gia quân sự Nhật Saburo Tanaka cho rằng Trung Quốc muốn biến các hòn đảo ở biển Đông thành chuỗi đảo đầu tiên để có thể bảo vệ tuyến hàng hải của họ ở phía bắc eo biển Malacca mà vẫn có thể ngăn chặn hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ vào biển Đông từ biển Celebes.
Trước tình trạng đó, chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ Robert Thomas mới đây đã phát biểu rằng Washington sẽ hoan nghênh việc Nhật mở rộng tuần tra trên không ở biển Đông. Bất chấp phản ứng gay gắt của Bắc Kinh trước phát biểu của ông Thomas, Lầu Năm Góc hôm qua khẳng định việc Nhật tuần tra trên biển Đông sẽ góp phần bảo đảm an ninh khu vực, theo Hãng tin PTI. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ Nhật đóng vai trò năng động hơn trong việc bảo đảm ổn định và an ninh ở Đông Á, trong đó có việc ứng phó những thách thức an ninh hàng hải.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.