Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông bằng đảo nhân tạo

22/05/2015 00:00 GMT+7

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây đảo nhân tạo là một trong những chủ đề chính tại hội thảo về Biển Đông vừa được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp).

Việc Trung Quốc đẩy mạnh xây đảo nhân tạo là một trong những chủ đề chính tại hội thảo về Biển Đông vừa được tổ chức tại thủ đô Paris (Pháp).
Các chuyên gia quốc tế bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông - Ảnh: Lan ChiCác chuyên gia quốc tế bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc không ngừng tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo tại Biển Đông - Ảnh: Lan Chi
Hội thảo có chủ đề “Những căng thẳng mới trên Biển Đông” được Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược (IRIS, Pháp) phối hợp cùng Tổ chức Gabriel Péri chủ trì với phần tham luận của các chuyên gia đến từ nhiều nước như Anh, Ấn Độ, Bỉ, Canada, Nhật Bản, Nga, Pháp, Ý.
Để đảm bảo tính khách quan, ban tổ chức không mời chuyên gia đến từ các nước có quan hệ trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông.
Điểm nóng địa chính trị
Trong bài phát biểu mở đầu hội thảo, ông Alain Obadia, Chủ tịch Tổ chức Gabriel Péri, nhận định Biển Đông đang thật sự trở thành điểm nóng địa chính trị của thế giới với hàng loạt diễn biến đáng chú ý trong những năm gần đây.
Theo nhà ngoại giao người Pháp Patrice Jorland, với những động thái như tranh chấp với Philippines ở bãi cạn Scarborough, ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào vùng biển VN và tăng tốc xây đảo nhân tạo, Trung Quốc đã làm tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Các chuyên gia đều cho rằng những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần phải được giải quyết bằng luật quốc tế nhưng đến nay vẫn luôn bị trì hoãn và gần như rơi vào bế tắc vì Bắc Kinh phản đối đưa vấn đề này ra Tòa Trọng tài thường trực (PCA).
Giám đốc Viện Nghiên cứu hòa bình và xung đột (IPCS, Ấn Độ) Baladas Ghosshal lý giải việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đảo nhân tạo: “Trung Quốc muốn tăng tốc bành trướng trên Biển Đông để đón đầu “nguy cơ” một ứng viên đảng Cộng hòa đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2016, có thể sẽ đưa ra những đối sách cứng rắn hơn với Bắc Kinh”.
Ngoài ra, theo ông Ghosshal, Trung Quốc cũng lo ngại Mỹ và Nhật Bản có thể hỗ trợ các nước khác ở Biển Đông nếu vấn đề này được đa phương hóa. Ngược lại, các nước ASEAN cần giữ vững sự đoàn kết để tìm được tiếng nói chung trong việc ngăn chặn tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Ở một góc nhìn khác, Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và kỹ thuật (CAST, Nga) Vasily Kashin nhận định việc Trung Quốc liên tục bồi đắp đảo không chỉ nhằm thực hiện tham vọng kiểm soát Biển Đông mà còn để tiếp cận eo biển Malacca. Từ những căn cứ được xây dựng trên các đảo được bồi đắp, Bắc Kinh có thể phản ứng nhanh hơn trước mọi động tĩnh ở eo biển chiến lược này.
Đá Gaven của Việt Nam tại Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và xây thành
đảo nhân tạo rộng gần 73.000 m2 từ năm 2014 - Ảnh: CSIS/Jane’s
Chiêu bài của “kẻ đến sau”
Trao đổi với Thanh Niên, chuyên gia François-Xavier Bonnet của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (IRASEC, Pháp) cho biết: “Với động thái đẩy nhanh tiến độ bồi đắp đảo, Trung Quốc muốn tạo cơ sở cho sự hiện diện tại Biển Đông bất chấp mọi phán quyết của PCA trong các vụ kiện nước này.
Bắc Kinh không thiếu phương tiện nên tiến độ bồi đắp rất nhanh và quy mô rất lớn. Trong khi đó, tại Biển Đông, các nước khác chủ yếu chỉ duy tu các cơ sở hạ tầng có sẵn chứ không xây dựng đảo nhân tạo một cách hệ thống như Trung Quốc”.
Theo ông Bonnet, do là “kẻ đến sau”, điều duy nhất Trung Quốc có thể làm là ngang nhiên chiếm các bãi cạn, bãi đá ở Trường Sa. Cụ thể, tại bãi Vành Khăn, ban đầu lấy cớ mở “trạm dừng chân cho ngư dân”, dần dần, Bắc Kinh tiến hành bồi đắp đảo, xây dựng thành căn cứ để triển khai lực lượng quân sự. Các đảo nhân tạo sẽ là những mắt xích chiến lược và được Trung Quốc kết nối bằng hệ thống viễn thông để tạo thành mạng lưới kiểm soát các tuyến hải hành khác nhau ở Biển Đông. Chuyên gia Bonnet cảnh báo Bắc Kinh còn có thể mở những tuyến “bí mật” ở vùng biển sâu để điều phối tàu ngầm quân sự, thậm chí là tàu ngầm hạt nhân.
Trước đây, Biển Đông không phải là mối quan tâm lớn của EU do ở khá xa không có quyền lợi trực tiếp. Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng hiện nay, tình hình nóng bỏng ở vùng biển này có thể gây ảnh hưởng rất lớn về cả đối nội lẫn đối ngoại đối với các nước có liên quan - vốn là những đối tác kinh tế quan trọng của châu Âu. Mặt khác, an ninh và tự do hàng hải cũng có thể bị đe dọa nếu căng thẳng tiếp tục leo thang. Do đó, nhằm đảm bảo quyền lợi, EU bắt buộc phải ngày càng theo sát các diễn biến ở Biển Đông để đưa ra đối sách thích hợp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.