Trung Quốc hành động ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế

20/05/2015 07:21 GMT+7

Mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần phải được chứng minh trên cơ sở luật pháp và chuẩn mực quốc tế, điều mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chịu tuân thủ.

Mọi tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần phải được chứng minh trên cơ sở luật pháp và chuẩn mực quốc tế, điều mà cho đến nay Trung Quốc vẫn chưa chịu tuân thủ.

Tình hình căng thẳng trên Biển Đông có được giải quyết một cách hòa bình hay không lệ thuộc rất lớn vào thái độ thượng tôn pháp luật từ Bắc Kinh. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã khẳng định như vậy tại buổi tiếp xúc báo giới chiều 19.5 tại TP.HCM, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 4 ngày đến Việt Nam. Ông Blinken đã dành phần lớn thời gian trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến chủ đề Biển Đông. Thanh Niên lược ghi.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tại buổi tiếp xúc báo giới trong và ngoài nước
vào chiều 19.5 tại Tổng lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM - Ảnh: Diệp Đức Minh
Thanh Niên: Với việc Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) không công nhận chủ quyền lãnh hải của các đảo nhân tạo Trung Quốc đang xây, phải chăng thông qua động thái phản đối việc Mỹ có kế hoạch điều tàu chiến và máy bay tới Trường Sa, Bắc Kinh đang cố tình diễn giải sai luật pháp quốc tế và vi phạm ý nghĩa cốt lõi của tự do hàng hải?
Thứ trưởng Blinken: Chúng tôi đã thể hiện rõ quan điểm với Trung Quốc và các nước có tranh chấp tại Biển Đông: Bất kỳ ai có tuyên bố chủ quyền đều cần phải chứng minh điều đó trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa thực hiện điều này. Trong tình hình các nước trong khu vực ngày càng quan ngại trước tốc độ và quy mô cải tạo đảo của Trung Quốc, Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là công cụ tối ưu để ngăn chặn các hành vi dùng vũ lực, cưỡng ép để thực hiện các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên Biển Đông. Đó là điều Mỹ mong muốn. Tuy nhiên, việc ASEAN và Trung Quốc có hoàn tất được COC lệ thuộc rất lớn vào thái độ từ Bắc Kinh và thái độ thượng tôn pháp luật của họ.
Thanh Niên: Không phải chỉ mình Trung Quốc mới tiến hành việc xây dựng và cải tạo đảo tại Trường Sa, nhưng vì sao Mỹ chỉ đặc biệt quan tâm đến nhất cử nhất động của Bắc Kinh, thưa ông?
Thứ trưởng Blinken: Các hành vi xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc - xét về phạm vi và quy mô - là hoàn toàn lấn át các nước khác cũng có tranh chấp tại Trường Sa. Không ai có thể bì được với Bắc Kinh khi nói đến vấn đề này. Chúng tôi lo ngại trước các hành vi mà có khả năng dẫn đến thay đổi hiện trạng và để ngăn tình hình xấu hơn, cách tốt nhất là cần ngừng ngay các hoạt động xây dựng này.
Công trình xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở đá Gạc Ma, ảnh chụp ngày 13.5
 - Ảnh: Mai Thanh Hải
Tuổi Trẻ: Xin ông cho biết cụ thể hơn về kế hoạch cũng như thời điểm Mỹ sẽ gửi tàu chiến và máy bay đến Trường Sa?
Thứ trưởng Blinken: Chúng tôi hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc phải thực sự diễn ra hòa bình và nằm trong khuôn khổ của những chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Một số hành vi Trung Quốc đang tiến hành tại Biển Đông hay biển Hoa Đông - về phương diện đơn phương tuyên bố chủ quyền, cưỡng bức, đe dọa, hay thậm chí là dùng vũ lực để khẳng định cái gọi là chủ quyền hay thay đổi hiện trạng với các hoạt động xây đảo - đều đi ngược lại sự tiến triển hòa bình. Các hoạt động xây đảo đều tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn và gia tăng căng thẳng trong khu vực.
VnExpress: Vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết như thế nào tại Đối thoại Shangri-La (diễn ra vào cuối tháng 5 tại Singapore - NV)? Sẽ có đề xuất nào cụ thể để ngăn Trung Quốc biến các đảo thành căn cứ quân sự không, thưa ông?
Thứ trưởng Blinken: Tôi cho rằng Đối thoại Shangri-La sẽ là thời điểm và diễn đàn quan trọng để giải quyết các quan ngại. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter sẽ tham dự. Tôi dự báo là các mối quan ngại từ các đối tác và đồng minh của Mỹ trong khu vực về vấn đề Biển Đông sẽ được đề cập rất nhiều trong chương trình nghị sự.
Tổng thống Mỹ trông chờ được đón tiếp Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ về những trông đợi của Washington đối với chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Blinken nói: “Tổng thống Obama rất trông chờ được đón tiếp Tổng bí thư tại Washington. Đây là chuyến thăm lịch sử, chuyến công du Mỹ đầu tiên của một Tổng bí thư Việt Nam. Tôi cho rằng chuyến thăm này sẽ chuyển tải đến thế giới một thông điệp mạnh mẽ: Các cựu thù chiến tranh, từng trải qua một cuộc chiến đầy gian khó với những mất mát khổng lồ, giờ lại trở thành bạn hữu. Chúng ta không chỉ xây đắp hòa bình, mà giờ đây còn đang tạo dựng mối quan hệ đối tác thực sự. Sự hợp tác giữa hai nước ngày càng trải rộng ra nhiều lĩnh vực, và đi vào chiều sâu. Chuyến thăm sắp tới sẽ cho thấy tất cả những điều này, cũng như một tầm nhìn chung hướng đến tương lai của quan hệ đối tác”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.