Trung Quốc dọa Úc, cản Ấn Độ ở Biển Đông

06/06/2015 08:06 GMT+7

Hoàn Cầu thời báo kêu gọi bắn hạ máy bay Úc tuần thám ở Biển Đông, còn giới chức Trung Quốc muốn cản Ấn Độ thăm dò dầu khí trong khu vực.

Hoàn Cầu thời báo kêu gọi bắn hạ máy bay Úc tuần thám ở Biển Đông, còn giới chức Trung Quốc muốn cản Ấn Độ thăm dò dầu khí trong khu vực.

Úc cân nhắc triển khai máy bay tuần tra P-3 tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp ở Trường Sa - Ảnh: Defenseindustrydaily.comÚc cân nhắc triển khai máy bay tuần tra P-3 tới gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp
ở Trường Sa - Ảnh: Defenseindustrydaily.com

Ngày 5.6, tờ Australian Financial Review đưa tin Hoàn Cầu thời báo vừa đăng bài bình luận sặc mùi hiếu chiến khi kêu gọi bắn hạ máy bay Úc thực hiện các chuyến tuần thám gần quần đảo Trường Sa. “Nếu một máy bay quân sự Úc bay đến như kế hoạch, Trung Quốc nên hành động cứng rắn và triển khai máy bay quân sự đuổi nó đi. Nếu biện pháp này không có tác dụng, chúng ta phải bắn hạ thôi. Chúng ta không cần phát cảnh báo như đã từng làm với Mỹ mà thay vào đó, hãy “tổ chức đại lễ chào đón”. Hành động tiêu diệt sẽ khiến những người còn lại khiếp sợ”, The Australian Financial Review trích bài bình luận đăng lại. Đến chiều qua 5.6, bài viết này đã không còn được tìm thấy trên website tiếng Anh của Hoàn Cầu thời báo.

Trước đó, tờ The Australian loan tin chính phủ Úc “đang tích cực xem xét” việc triển khai máy bay P-3 tuần tra khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa. Đài ABC ngày 4.6 dẫn lời Thủ tướng Úc Tony Abbott khẳng định nước ông “có lập trường cứng rắn” đối với hoạt động phi pháp này, đồng thời khẳng định Canberra sẽ làm “mọi thứ có thể” nhằm duy trì việc tự do đi lại trên biển và trên không.
Cùng ngày, tờ Hindustan Times đưa tin một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cảnh báo Ấn Độ “sẽ gặp vấn đề” nếu thăm dò dầu khí trong khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Theo tờ báo, ông này ngụy biện rằng: “Ấn Độ cũng sẽ phản ứng nếu có công ty Trung Quốc nhảy vào khu vực New Delhi tranh chấp với một nước láng giềng Nam Á”. Hiện nay, Công ty ONGC Videsh Ltd của Ấn Độ đang hợp tác tham gia thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng khẳng định hoạt động thăm dò dầu khí của nước này ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
Kêu gọi lập trường chung ASEAN
Cũng trong ngày 5.6, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân cho các phóng viên hay nước này và ASEAN “nhất trí tiếp tục thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đưa ra kết luận cuối cùng về Bộ quy tắc ứng xử (COC) thông qua các cuộc tham vấn”. Thông tin trên được đưa ra sau Cuộc tham vấn quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 kết thúc ở Bắc Kinh, theo Tân Hoa xã. Phó thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak, chủ trì cuộc tham vấn, nhấn mạnh: “COC không chỉ giải quyết các tranh chấp song phương, mà còn nâng cao việc xây dựng lòng tin giữa các bên liên quan, hỗ trợ ngăn chặn và quản lý các sự cố trên biển”.
Chuyên gia Vignesh Ram thuộc Khoa Quan hệ quốc tế và địa chính trị của Đại học Manipal (Ấn Độ) nhận định một trong những công cụ khả dĩ nhất hiện nay để ngăn chặn các hành động gây lo ngại trên biển và nguy cơ xung đột là Bộ quy tắc ứng xử (COC).
Tuy nhiên, Trung Quốc bị cho là không thực tâm muốn nhanh chóng đưa ra bất kỳ thỏa thuận nào về COC cho đến khi đạt được vị thế mạnh nữa hơn trong tranh chấp.
Vì thế, theo ông Ram, ASEAN “không nên quá kỳ vọng” vào COC mà cần theo đuổi một giải pháp mang tính bao quát hơn cũng như có lập trường thống nhất về Biển Đông. “Nếu ASEAN không có lập trường chung mang tính quyết định về tranh chấp Biển Đông, tình trạng này sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới khái niệm “cộng đồng” mà khối đang nỗ lực xây dựng”, ông Ram cảnh báo trong phần kết của bài viết đăng trên website của Diễn đàn Đông Á.
Philippines muốn cho Nhật sử dụng căn cứ
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 5.6, Tổng thống Philippines, Benigno Aquino III cho biết nước ông và Nhật Bản sắp bắt đầu đàm phán về việc cho phép tàu hải quân và máy bay quân sự Nhật dùng các căn cứ ở Philippines để tiếp liệu và nhận quân nhu phục vụ nhiệm vụ mở rộng tuần tra ở Biển Đông.
Trước đó, một nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng trong cuộc gặp ngày 4.6, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Aquino nhất trí mở đàm phán về Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA). Nếu được ký kết, VFA sẽ mở đường cho Lực lượng phòng vệ Nhật (SDF) sử dụng căn cứ quân sự ở Philippines trên cơ sở luân phiên, tương tự như Mỹ hiện nay. Nhật đang xem xét tuần tra trên không chung với Mỹ ở Biển Đông và khả năng được tiếp liệu ngay trong khu vực sẽ giúp máy bay SDF hoạt động lâu và xa hơn.
Cũng từ Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hôm qua 5.6 bày tỏ quan ngại về thông tin tàu chiến Trung Quốc bắn cảnh báo một tàu cá Philippines gần đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa ngày 4.6. “Nếu thông tin này chính xác, đây sẽ là vụ việc gây quan ngại nghiêm trọng”, trang tin The Sun.Star dẫn lời ông Gazmin cảnh báo. Trung Quốc chưa có phản ứng về thông tin này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.