Trung Quốc diệt san hô ở Biển Đông với tốc độ 'nhanh nhất lịch sử'

26/06/2015 21:57 GMT+7

(TNO) Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong những hệ thống san hô quan trọng nhất ở Đông Nam Á, tiêu diệt san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại, Reuters dẫn nhận định của một chuyên gia tại đại học Miami (Mỹ).

 (TNO) Trung Quốc đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho một trong những hệ thống san hô quan trọng nhất ở Đông Nam Á, tiêu diệt san hô với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử nhân loại, Reuters dẫn nhận định của một chuyên gia tại đại học Miami (Mỹ).

Các tàu nạo vét của Trung Quốc quanh Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa  của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Nguyên vẹn hàng thế kỷ, biến mất trong chốc lát
Ông John McManus - nhà nghiên cứu sinh vật biển nổi tiếng, làm việc cho Đại học Miami (Mỹ), cho biết không những phá hoại môi trường ở các khu vực bồi đắp, xây dựng phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho hệ thống san hô ở cả một khu vực rộng lớn xung quanh bởi hành động nạo vét cát, san hô để làm vật liệu xây dựng trên các bãi đá ngầm.
Reuters ngày 25.6 đưa tin nhiều nhà khoa học nghiên cứu các hình ảnh chụp từ vệ tinh đều đồng ý rằng khu vực bị tác động rộng hơn rất nhiều so với đánh giá ban đầu.
Là một nhà nghiên cứu về hệ sinh thái tại Biển Đông, ông McManus kêu gọi các bên hãy gác tranh chấp qua một bên mà kiến tạo "công viên hòa bình trên biển" nhằm bảo tồn những gì còn lại.
Hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
Trong thời gian qua, hàng loạt nước đã chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng trong khu vực Biển Đông, đe dọa sự tự do hàng hải ở tuyến đường biển huyết mạch này.  Tuy nhiên, theo giới khoa học, phá hoại hệ sinh thái là một hậu quả rất nặng nề khác. Họ cho biết, dù hệ thống đá ngầm ở Trường Sa không phải là lớn so với hệ đá ngầm trên toàn cầu, nó góp phần quan trọng cho sự đa dạng sinh học và giúp nhân giống nhiều loài san hô đang có nguy cơ tuyệt chủng. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển khan hiếm như loài trai khổng lồ, cá nược, nhiều loài rùa khác nhau...
Trong một cuộc nghiên cứu hồi tháng 4 vừa qua cho Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore), chuyên gia về hải dương học và cũng là chuyên gia pháp lý Youna Lyons phát hiện rằng ngoài các bãi đá ngầm Trung Quốc đã chiếm đóng phi pháp, các bãi đá ngầm khác cũng bị thiệt hại nghiêm trọng do cũng bị nạo vét để lấy vật liệu xây dựng.
"Những rạn san hô còn nguyên vẹn hàng thế kỷ qua giờ đây đã biến mất", chuyên gia Lyons - làm việc tại Đại học quốc gia Singapore, cho biết.
Không ai bảo tồn sinh thái bằng Trung Quốc (?)
Thực tế là như vậy, nhưng giới chức Trung Quốc thì tuyên bố rằng bảo vệ môi trường là một trong những mục tiêu của nước này khi xây dựng các đảo nhân tạo.
Các công trình phi pháp của Trung Quốc trên Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Mai Thanh Hải
Ông Ouyang Yujing, Cục trưởng cục biên giới và đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, còn mạnh miệng tuyên bố với Tân Hoa xã hồi tháng trước: "Không ai quan tâm đến vấn đề bảo tồn sinh thái tại các đảo, bãi đá ngầm, khu vực biển cho bằng Trung Quốc". Ông này cũng nói rằng Trung Quốc "vừa xây dựng vừa bảo vệ".
Còn Reuters đưa tin, khi được hỏi về phản ứng trước ý kiến kể trên của giới khoa học, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời thẳng mà đưa ra một tuyên bố hồi tuần trước của Cơ quan đại dương nhà nước Trung Quốc, cho rằng hàng loạt biện pháp bảo vệ môi trường đang được Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.